Lính Hải quân luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Tình yêu mặn nồng chan chứa ấy nhân lên thành sức mạnh để họ vượt qua khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc...
Phút giải lao sau ca trực. |
Chỉ tay về hướng biển xa, nơi có những con tàu ngư dân neo đậu, Thiếu tá Vượng giải thích: “Trông thanh bình là thế, nhưng khí hậu ở đây khắc nghiệt vô cùng. Mùa hạ, nắng nóng như đổ lửa, nước khô cạn; mùa mưa, rét thấu xương, gió rít đến ghê người. Khi biển động thì thực phẩm cả tháng trời của quân, dân trên đảo chủ yếu là cá khô, nước mắm chiên với hành, tỏi. Gian khổ là thế nhưng nơi đảo nhỏ này, tình cảm quân - dân sâu nặng, thắm thiết”.
Dẫu biết rằng không xa xôi như Trường Sa, nhưng ở Lý Sơn cũng biển trời cách mặt. Quân và dân trên đảo cũng phải nếm trải nhiều gian nan, thử thách. Trong điều kiện độc lập tác chiến, xa sự quản lý của Chỉ huy Vùng, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều yên tâm, xác định tốt nhiệm vụ. Đầu tàu phải kể tới Trạm trưởng Vượng, anh đã “cắm chốt” trên đảo gần 10 năm. Vì thương chồng, cô giáo Nguyễn Thị Vui lặn lội từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) theo tàu ra đảo, bây giờ chị đã là cán bộ quản lý ngành Giáo dục của đảo. Nhờ có hậu phương vững chắc, nên thời gian Vượng có mặt tại đơn vị thường 24/24 giờ. Anh lo lắng đôn đốc anh em trực ca, hướng dẫn, nhắc nhở trắc thủ ra-đa không bỏ sót mục tiêu, tranh thủ thời gian ngoài giờ xắn tay cùng bộ đội tăng gia, chăn nuôi cải thiện đời sống. Hiện nay, cả trạm nuôi được 14 con bò, 20 con lợn và 100 con gà...
Đẩy mạnh tăng gia không chỉ góp thêm vào khẩu phần ăn của bộ đội hằng ngày mà còn tạo môi trường gần gũi với quê nhà. Sau những giờ trực canh căng thẳng, vẳng nghe tiếng gà gáy trưa trên đảo, nỗi nhớ đất liền vơi đi... Qua câu chuyện anh Vượng kể, chúng tôi đã phần nào hiểu thêm về nhiệm vụ của lính đảo xa. Cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng không vì thế mà họ xao nhãng mọi chế độ, nền nếp sinh hoạt, hoặc xem nhẹ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh huấn luyện theo nội dung, chương trình quy định của Bộ, Ban chỉ huy trạm còn chú trọng huấn luyện chuyên sâu một số nội dung như phương pháp trắc thủ ra-đa phát hiện mục tiêu trong điều kiện sương mù, giông bão, biển động; phương án chiến đấu bảo vệ đảo trong tình huống đánh địch đổ bộ đường biển, tập kích đường không; biện pháp xử lý khi phát hiện tàu lạ trên biển, người lạ trên bờ; các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn...
Kết hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận và thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là một cách làm hiệu quả của Trạm ra-đa Hải quân N50. Thượng úy Nguyễn Duy Cảnh, Chính trị viên trạm cho biết: “Ngoài nhiệm vụ quan sát, tuần tiễu nắm tình hình trên biển trong phạm vi quy định, bảo vệ vững chắc tình hình an ninh, chính trị trên đảo, các đơn vị còn tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ gắn bó, chia sẻ ngọt bùi cùng bà con trên đảo, tình quân dân càng thêm bền chặt”.
Đồng chí Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn kể với tôi: “Cách đây chưa lâu, Lý Sơn còn một nửa hộ dân thuộc diện đói nghèo, đất đai trồng trọt bị nhiễm mặn. Bây giờ thì anh thấy đấy, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành nên đời sống bà con khá lên nhiều lần. Cấp trên hỗ trợ nguồn vốn xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, cầu cảng, tôn tạo khu di tích lịch sử. Các đơn vị bộ đội tích cực ủng hộ ngày công lao động, giúp đỡ nhân dân xây dựng hệ thống vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường, phòng tránh mưa bão lớn”.
Chia tay đảo nhỏ Lý Sơn khi mùa xuân đang về. Đâu đó xen lẫn trong tiếng sóng, tiếng gió là hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Vùng C đang cùng nhân dân trên đảo sửa sang nhà cửa, đường sá để chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc; thể hiện tình đất và người Lý Sơn dào dạt, mênh mang...
Bài và ảnh: TUYÊN HUẤN