.

Ánh sáng đến từ người khiếm thị

.

Trẻ trung, năng động, đầy tự tin là hình ảnh của những người phụ nữ khiếm thị đang làm việc tại Công ty Người khuyết tật Nhân ái thành phố Đà Nẵng. Dù số phận không ban cho họ hạnh phúc được nhìn thấy ánh sáng nhưng lại ưu ái cho họ một tinh thần và nghị lực phi thường để vươn lên và hòa nhập với cuộc sống.

Những phụ nữ khiếm thị của Công ty Người khuyết tật Nhân ái luôn tự tin vào năng lực làm việc để lo cho bản thân và gia đình.

Tiếp xúc với chúng tôi, Lê Thị Thu Thủy, một trong 6 nhân viên nữ của Công ty Người khuyết tật Nhân ái kể về công việc và cuộc sống của mình với giọng đầy tự hào. Theo lời Thủy, công ty này do chính chồng Thủy là Nguyễn Tấn Lợi thành lập nên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực mát-xa khiếm thị và tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Điều đáng khâm phục là cả hai đều là người khiếm thị, còn rất trẻ, trong độ tuổi 8X. Hiện tại, Thủy và các chị em trong công ty đảm nhiệm cả hai việc, vừa mát-xa phục vụ khách, đồng thời tham gia biểu diễn văn hóa-văn nghệ khi có chương trình.

Sinh năm 1982, tuy khiếm khuyết về thị giác nhưng Thủy không ngại khó, ngại khổ. Sau khi học xong lớp thanh nhạc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tình thương, Thủy tiếp tục theo học 6 tháng lớp mát-xa dành cho người khiếm thị tại Trường Cao đẳng Y tế Đà Nẵng.

Hiện tại, Thủy là người phụ trách văn hóa-văn nghệ của Công ty Người khuyết tật Nhân ái và cũng là chủ lực trong đội ngũ nhân viên thực hiện dịch vụ mát-xa của người khiếm thị. Thủy tâm sự: “Công việc hằng ngày của em rất bận, phải làm từ sáng đến 10 giờ đêm vì với dịch vụ mát-xa của người khiếm thị chủ yếu khách tìm đến vào buổi tối. Ban ngày thì lo chuyện ở văn phòng, cho thuê dàn nhạc, âm thanh… Nhiều lúc sáng đi sớm con còn đang ngủ, tối khuya mới về, con cũng không thấy mặt cha mẹ”.

Với Thủy, cuộc sống bây giờ thật hạnh phúc vì bên cô có người chồng biết lo cho gia đình, tháo vát, đầy nghị lực và là chỗ dựa vững chắc giúp cô đảm đương tốt vai trò của người vợ, người mẹ. Khiếm khuyết về thị giác không là vấn đề quan trọng với hai vợ chồng Thủy vì bằng năng lực của chính mình, bằng sự tự tin, ý chí vươn lên, họ không thua kém gì những người sáng mắt.

Nguyễn Tấn Lợi, chồng Thủy cười thật tươi khi nói về vợ: “Với người lành lặn, một việc họ làm trong vòng 1 giờ thì phụ nữ khiếm thị họ vẫn thực hiện tốt với thời gian lâu hơn một chút. Dù không thấy rõ được như người sáng mắt nhưng Thủy có thể chu toàn việc nhà mà vẫn bảo đảm đời sống kinh tế ổn định cho gia đình”.

Cũng khiếm thị như Thủy, Hoàng Thị Gái lựa chọn nghề mát-xa khiếm thị như là một cách để tự nuôi sống mình và hòa nhập với cộng đồng. Hoàng Thị Gái cho biết: “Thời gian đầu mới học và thực hành nghề mát-xa, em chưa quen, nhiều lúc vất vả, có khi mới 15 phút đã thấy mệt lắm rồi. Nhưng bây giờ quen công việc rồi thì làm nhiều vẫn không mệt mấy.

Công việc này rất phù hợp với những người khiếm thị như em vì nó sạch sẽ, được giao tiếp với mọi người, tâm lý mình cũng nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe chứ không mệt như nghề bán vé số hay bán dạo mà một số người khiếm thị khác đang làm”. Theo lời tâm sự của những chị em trong Công ty Người khuyết tật Nhân ái thì mát-xa khiếm thị là một nghề chân chính để kiếm sống, vì vậy họ phải làm việc nhiệt tình.

“Làm tốt thì mới thu hút khách tới chứ mình phục vụ không chu đáo khách sẽ bỏ đi luôn”, Hoàng Thị Gái tâm sự. Chính thái độ làm việc tích cực, nhiệt tình mà lượng khách đến với dịch vụ mát-xa của Công ty Người khuyết tật Nhân ái rất ổn định. Thu nhập của nhân viên công ty hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, với việc tổ chức và biểu diễn văn hóa-văn nghệ phục vụ quần chúng, họ còn có thêm khoản thu nhập khác để lo cho gia đình. Không chỉ ở Đà Nẵng, đội văn hóa-văn nghệ của Công ty Người khuyết tật Nhân ái còn đi biểu diễn ở các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, v.v...

Với những người phụ nữ khiếm thị, có việc làm và thu nhập ổn định, môi trường làm việc an toàn, sạch sẽ, được mọi người tôn trọng là điều hạnh phúc lớn lao. Bằng chính đôi tay và năng lực của mình, họ tự nuôi sống bản thân và gia đình chứ không dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác. Cho dù số phận không ban ánh sáng cho đôi mắt của họ nhưng với ý chí và lòng quyết tâm, họ đã chiến thắng thử thách, không đầu hàng trước khó khăn và tự chứng minh phụ nữ khiếm thị vẫn giỏi việc xã hội, đảm việc nhà, là người vợ hiền, người mẹ đảm đang, người công dân có ích cho xã hội. Đó chính là nguồn ánh sáng của cuộc đời do họ tự tạo ra.

Bài và ảnh: Mỹ Hạnh

;
.
.
.
.
.