.

Đà Nẵng đưa gần 120 sinh viên tốt nghiệp đại học về phường, xã

(ĐNĐT) - Sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại UBND các phường, xã đã thúc đẩy cán bộ, công chức ở đây phải tự nâng cao trình độ để không bị đào thải

Theo ông Võ Ngọc Phi, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Đà Nẵng), từ năm 1998 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã tuyển chọn và đưa 117 sinh viên (SV) tốt nghiệp đại học về công tác tại UBND các phường, xã; bình quân 2 – 3 người/phường, xã. Chính sách này đã tạo nên hiệu ứng khá bất ngờ là thúc đẩy số cán bộ, công chức đang công tác tại những nơi đó phải tự rèn luyện và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

“Cán bộ, công chức đang công tác tại các phường, xã thấy rõ, nếu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không được nâng cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì họ sẽ bị tụt hậu, tự đào thải để thay vào đó những người trẻ tuổi có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn. Vì vậy, họ phải tự rèn luyện, nâng cao trình độ cho mình. Và một khi đội ngũ cán bộ, công chức ở phường, xã được nâng cao trình độ thì hưởng lợi đầu tiên chính là người dân ở những phường, xã đó”, ông Võ Ngọc Phi nói.

Ông nêu ra một số dẫn chứng cho thấy, năm 2007, số cán bộ có trình độ đại học chiếm 26,38% so với tổng số cán bộ chuyên trách và chiếm 23,6% so với tổng số công chức phường, xã. Năm 2008, các tỷ lệ này được nâng lên tương ứng là 30% và 28,7%. Đến năm 2009 đã có bước đột phá đáng kể hơn nữa: số cán bộ chuyên trách ở xã, phường có trình độ đại học chiếm 36,56%, số công chức có trình độ đại học chiếm 36,87%.

Theo ông, trước đây SV ra trường không muốn về phường, xã vì cho rằng tốt nghiệp đại học phải làm việc tại các công ty, xí nghiệp Nhà nước hoặc các cơ quan chuyên môn cấp quận, huyện, thành phố. Một số khác cho rằng, về công tác tại phường, xã không cần yêu cầu trình độ cao, chỉ trung cấp là có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ. Hơn nữa cán bộ phường, xã chỉ được hưởng phụ cấp chứ không gọi là lương, thu nhập thấp và còn tư tưởng cục bộ địa phương nên SV tốt nghiệp đại học về đó không thể phấn đấu để phát triển…

Hiện nay, nhận thức trên đã thay đổi rất nhiều. Số SV tốt nghiệp đại học đăng ký tuyển chọn về công tác lâu dài tại UBND các phường, xã đang ngày càng gia tăng. Thực tế cho thấy, với trình độ chuyên môn được trang bị tại trường đại học, trải qua thực tiễn công tác và được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện, nhiều SV sau đó đã đảm nhận các chức vụ chủ chốt của cấp ủy, UBND các phường, xã như Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND…

Tuy nhiên, để trẻ hóa đội ngũ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tránh tình trạng số lượng cán bộ, công chức tại phường, xã quá nhiều so với quy định chung, ông Võ Ngọc Phi cho rằng, cần có chính sách động viên để tinh giảm những cán bộ, công chức năng lực hạn chế, chưa qua đào tạo. Đồng thời chính sách đưa SV về phường, xã cũng cần có những yêu cầu cao hơn để phát triển được đội ngũ cán bộ, công chức trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có năng lực lãnh đạo, quản lý. Có như vậy mới khắc phục được sự hụt hẫng về đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở phường, xã.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.