.

Đà Nẵng - lấp lánh những con số

.

Đà Nẵng đã trải qua 35 mùa xuân kể từ những ngày lịch sử trọng đại của dân tộc - Ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được hoàn toàn thống nhất, giang sơn được thu về một mối. Thành phố cũng trải qua chặng đường 13 năm kể từ ngày trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Cáp treo Bà Nà.  (Ảnh tư liệu) 

Quãng thời gian ấy không phải là dài nhưng cũng là đủ lớn để đón nhận những thời cơ và vận hội mới nhằm thay đổi một cách toàn diện và phát triển mạnh mẽ diện mạo thành phố. Những thế hệ đang cùng học tập, lao động và công tác tại đây chắc chắn sẽ không thể nào quên những năm tháng này khi chúng ta đã phát huy sức bền, ý chí sáng tạo và nghị lực lớn lao để cùng nhau đưa thành phố vươn mình trỗi dậy, lập nên những kỳ tích mới. Sự phát triển, những thành tựu đạt được có thể nhìn thấy từ mọi con đường, góc phố hay từ mỗi công trình đang ngày càng vươn cao hơn, xa hơn.

Những thay đổi diệu kỳ ấy của thành phố có thể cảm nhận được qua sự trân trọng và lòng tự hào trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân, và cũng có thể được ghi nhận, đánh giá cao, trở thành mô hình trao đổi kinh nghiệm từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu; hay đơn giản và bình dị hơn: từ cảm nhận và ấn tượng của bất cứ ai đến thăm Đà Nẵng. Sự thay đổi này còn được nhận ra từ nếp nghĩ, từ cách làm, từ kết cấu hạ tầng đô thị được hoàn thiện đến nhịp sống đô thị ngày càng sôi động, hối hả. Đặc biệt, có sức thuyết phục hơn cả là những thành tựu của thành phố được khắc họa rõ nét và hiện lên qua các con số đầy ấn tượng. Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố, chúng ta thử so sánh và nhìn nhận những khác biệt của Đà Nẵng ở thời điểm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với những gì chúng ta đã làm được và đang nắm chắc trong tay hôm nay.

Thành tựu nổi bật có thể cảm nhận trực quan chính là trong công tác chỉnh trang đô thi, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng. Với quyết tâm cao độ của lãnh đạo thành phố cộng với sự đồng thuận của lòng dân, Đà Nẵng đã được trang hoàng thành một đô thị khang trang, ngày càng to đẹp. Từ năm 1997 đến nay, thành phố đã thực hiện việc thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.300 dự án với tổng diện tích hơn 17.000ha, đã di dời giải tỏa gần 90.000 hộ dân; tổng số tiền thu từ đất đạt gần 20.000 tỷ đồng, dự kiến số thu trong năm 2010 là 2.200 tỷ đồng; bên cạnh đó, thành phố đã cho ghi nợ tiền sử dụng đất hơn 6.845 tỷ đồng.
 
Đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết phủ kín với tổng diện tích quy hoạch khoảng 8.000ha, với chi phí lập quy hoạch được bố trí hằng năm từ 15 đến 20 tỷ đồng; có hơn 2.000 đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt. Nâng cấp trên 200 tuyến đường nội thị và hầu hết các kiệt, hẻm trong thành phố theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Xây dựng đưa vào hoạt động 4 trạm xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 100.000m3/ngày.

Về cấp nước, đã nâng công suất từ 70.000m3/ngày (1999) đến 205.000m3/ngày (2009), tỷ lệ dân đô thị dùng nước sạch nâng từ 50% (1999) đến 69% (2009), tỷ lệ thất thoát giảm từ 46,6% (1999) xuống 32,8% (2009). Đến nay, tổng số máy điện thoại cố định trên toàn mạng là 233.000 thuê bao, đạt mật độ điện thoại cố định là 28,5 máy/100 dân. Tổng số thuê bao điện thoại di động trên toàn mạng đạt 2.760.000 thuê bao, bao gồm 2.600.000 thuê bao trả trước (cả thuê bao ảo) và 160.000 thuê bao trả sau. Có 95.000 thuê bao Internet các loại, đạt mật độ 11,6 thuê bao/100 dân.

Nhờ các chính sách an dân cũng như các chương trình tái định cư hợp lý, hợp tình, quỹ đất của thành phố ngày càng mở rộng, mở đường để thành phố đầu tư và tiếp nhận nhiều công trình và dự án lớn. Sự thay đổi không ở đâu xa mà hiện hữu ngay chính tại dòng sông Hàn thơ mộng chảy giữa lòng thành phố. Trước năm 1997, khung cảnh nhếch nhác của các khu nhà chồ dọc bờ sông cũng như các chuyến phà uể oải qua lại hai bờ làm thành phố dường như mất đi sức sống của một đô thị trẻ trung. Nhưng 13 năm sau, sông Hàn đã có thêm 4 cây cầu được xây dựng (các cầu Sông Hàn, Tuyên Sơn, Cẩm Lệ và Thuận Phước) giúp việc giao thông thuận tiện hơn rất nhiều.

Quan trọng hơn, các công trình này đã đưa các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn bắt nhịp cùng sự phát triển chung của thành phố, góp phần đánh thức một vùng phía đông rộng lớn. Đà Nẵng như được nhân đôi. Hòa với cảnh quan sạch đẹp, không khí thoáng đãng dọc bờ sông Hàn, nhiều khu đô thị, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình văn hóa, thể dục - thể thao... từng bước được nâng cấp, xây dựng mới hiện đại, các khu công nghiệp, khu du lịch, khu nghỉ mát, trung tâm thương mại, các nhà hàng, khách sạn cao cấp được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác trên khắp địa bàn thành phố...
 
Những biến chuyển thần tốc này đã đưa Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đi đầu của cả nước về xây dựng diện mạo đô thị mới với kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày một hiện đại; về tốc độ đô thị hóa, với tỷ lệ dân cư đô thị cao nhất nước: 86,9%, đạt 3.194 người/km2 và đang ở vào thời kỳ “dân số vàng” với tỷ lệ 50/100.

Về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng hằng năm luôn ở “hai con số”, năm 2009, tổng sản phẩm xã hội GDP trên địa bàn thành phố đạt 9.236 tỷ đồng (giá so sánh 1994), tăng gấp 3,6 lần năm 1997. Sự phát triển ổn định về kinh tế đã giúp nâng cao đáng kể mức sống của đại bộ phận nhân dân. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.700 USD, một mức khá so với các đô thị khác trên cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng cơ cấu kinh tế hiện đại “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”. Theo đó, giá trị sản xuất ngành dịch vụ 8.375 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 1997.

Trong cùng giai đoạn này, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện 11.336 tỷ đồng, tăng ngoạn mục gấp gần 6 lần. Cũng trong năm 2009, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã vượt mức “3 con số”, đạt hơn 1 tỷ USD, gấp 6,5 lần so năm 1997 (chỉ đạt 154,6 triệu USD). Kim ngạch nhập khẩu đạt 548 triệu USD, gấp 2,7 lần so với 13 năm trước. Những con số ấn tượng trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp cũng rất đáng được ghi nhận. 11.800 là số doanh nghiệp đăng ký hoạt động và 28.500 tỷ đồng là tổng vốn đăng ký năm 2009.

Số doanh nghiệp của thành phố đã cao gấp 31 lần và vốn đầu tư đã tăng hơn 190 lần so với năm 1997 (các sự so sánh này chưa tính đến yếu tố trượt giá). Hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng sôi động và có sự đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, nếu như năm 1997, Đà Nẵng thực sự không phải là một môi trường hấp dẫn đầu tư FDI khi chỉ có 43 dự án với số vốn vỏn vẹn hơn 427 triệu USD, thì sau 13 năm, Đà Nẵng đã có 164 dự án FDI, với vốn đầu tư đăng ký 2,62 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 1,29 tỷ USD. Vốn ODA đạt gần 500 triệu USD.

Việc thu hút vốn đầu tư cũng góp phần nâng cao con số tổng vốn đầu tư phát triển. Trong trong 13 năm qua, tổng số vốn huy động đạt trên 80.000 tỷ đồng; riêng năm 2009 đạt 15.300 tỷ đồng, tăngg gần 10 lần so với thời điểm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả trên có được một phần từ chủ trương khai thác những tiềm năng, thế mạnh nhằm tạo lập môi trường kinh doanh có sức cạnh tranh cao.

Nhưng quan trọng hơn cả, lãnh đạo thành phố và các cơ quan quản lý đã biết cách đặt vị trí của mình vào môi trường của các doanh nghiệp để từ đó đưa ra các quyết sách đột phá, phù hợp với nguyện vọng của giới kinh doanh. Chính sự cam kết đầy trách nhiệm và sự hợp tác chặt chẽ đó đã đóng vai trò quan trọng đưa Đà Nẵng 5 năm qua luôn nằm trong 2 vị trí dẫn đầu và hai năm gần đây là “quán quân” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây cũng chính là ngôi vị thể hiện chính xác nhất uy tín của thành phố với hoạt động đầu tư kinh doanh và phát triển.

Về các hoạt động du lịch, từ một địa phương được coi là đô thị èo uột về cơ sở lưu trú, nghèo nàn về sản phẩm dịch vụ, thậm chí còn được coi là nơi trung chuyển để du khách quốc tế đến các địa điểm hấp dẫn hơn ở các tỉnh lân cận, Đà Nẵng đã dần dần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc cho riêng mình.

Đó là thành phố duy nhất của Việt Nam được Chính phủ cho phép tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, đã trở thành sự kiện du lịch đặc sắc hằng năm riêng có của Đà Nẵng, thành thương hiệu quốc tế, thành dấu son trong tâm trí du khách muôn phương, thôi thúc tìm đến và gọi mời quay về với du lịch Đà Nẵng cứ mỗi độ tháng Ba, mỗi độ xuân sang. Đó là Cáp treo Bà Nà với 2 kỷ lục thế giới mang đến cho du khách một chuyến hành trình thư thái và huyền ảo như đến với chốn bồng lai tiên cảnh. Đó là các sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh ngày càng đa dạng. Tất cả đã giúp cho doanh thu ngành du lịch mỗi năm mỗi tăng trưởng cao, đạt 900 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với năm 1997.

Cùng với sự đầu tư phát triển kinh tế, thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Các chương trình đậm tính nhân văn như “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” đều đạt được kết quả đáng tự hào và có nhiều mục tiêu đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, 100% phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi; 85,7% phường, xã đạt chuẩn phổ cập bậc THPT. Ở bậc học cao hơn, con số trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đã tăng từ 10 lên 29 đơn vị, giúp Đà Nẵng dần trở thành trung tâm về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
 
Công tác chăm sóc đối tượng chính sách được đặc biệt chú trọng. Từ năm 1997 đến nay, thành phố đã chi hỗ trợ cải thiện nhà ở 197,5 tỷ đồng, trong đó xây dựng 674 nhà tình nghĩa, kinh phí 10,7 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp 5.580 nhà, kinh phí 26,6 tỷ đồng; hỗ trợ tiền sử dụng đất cho 4.989 hộ, kinh phí 103 tỷ đồng; miễn giảm theo Nghị định 60, 61 cho 2.887 hộ, kinh phí 57 tỷ đồng. Thành phố cũng đã giúp cho hơn 400 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh với số tiền hơn 10 tỷ đồng để mổ tim; giúp cho những người mãn hạn tù trở về địa phương vay hơn 5 tỷ đồng (không tính lãi) để sản xuất, làm ăn, ổn định cuộc sống. Quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân, thành phố đã đầu tư 75 tỷ đồng xây dựng Bệnh viện Phụ nữ.

Để xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị văn minh, hiện đại, việc phát triển quỹ nhà chung cư đóng một vai trò quan trọng. Nếu như năm 1997, số lượng chung cư trên địa bàn thành phố chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng thì hiện nay, có thể thấy ở mọi khu tái định cư đều có những khu chung cư mới, bề thế và tiện nghi. Giải pháp xây nhà chung cư giúp cho nhiều hộ dân cả đời sống trong cảnh dột nát và tạm bợ được chuyển đến sinh sống trong những không gian khang trang, đàng hoàng hơn trước và cũng để yên tâm một số lượng không nhỏ những người về thành phố theo chính sách cầu hiền. Trong tương lai gần, áp lực về nhà ở đô thị sẽ giảm đảng kể khi hàng loạt các căn hộ cao cấp được xây dựng và chương trình xây dựng 10.000 căn hộ chung cư của thành phố sẽ hoàn thành theo kế hoạch.

Những năm qua, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở ở nước ngoài, đến cuối năm 2009, đã cử 70 người đi đào tạo tại 34 trường ở 10 nước và vùng lãnh thổ; tiếp nhận 21 học viên tốt nghiệp trở về nước và đã phân công công tác. Với Đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách dành cho học sinh các trường THPT, đã có 236 người theo học; tốt nghiệp, phân công công tác 39 người, chuyển tiếp học sau đại học là 20 người. Tổng kinh phí cấp cho các đề án là 106 tỷ đồng.

Thành phố đã có nhiều bước đột phá trong công tác đào tạo, quản lý, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở. Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai Đề án tạo nguồn cán bộ cho các chức danh chủ chốt phường, xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch), gọi là Đề án 89. Khóa đầu tiên đã tuyển chọn, đào tạo và bố trí công tác cho 95 học viên. Thành phố cũng đã thực hiện chính sách đãi ngộ vượt trội (phụ cấp, bố trí chung cư, miễn giảm tiền thuê nhà, tạo môi trường công tác thuận lợi…) để thu hút sinh viên khá, giỏi và người có trình độ cao đến làm việc tại thành phố. Nhờ đó, đến nay, đã tiếp nhận 711 người, trong đó có 1 phó giáo sư, tiến sĩ; 5 tiến sĩ; 112 thạc sĩ và 593 người tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi. Đà Nẵng được đánh giá là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hiệu quả chủ trương thi tuyển chức danh lãnh đạo các đơn vị hành chính sự nghiệp. Đến nay, đã có nhiều đơn vị tổ chức thi tuyển và có 53 người trúng tuyển chức danh lãnh đạo trên tổng số 165 người dự tuyển. Trong số 53 người trúng tuyển, có 5 người bố trí công tác khối hành chính, 44 người khối sự nghiệp.

Có thể thấy, những con số sơ bộ nói trên đã minh chứng, Đà Nẵng đã thực sự lột xác so với cách đây hơn một thập kỷ. Đó không phải là những con số khô khan của khoa học thống kê, của những lượt tính đếm đơn thuần, mà trái lại, là những con số biết nói, là kết tinh của biết bao mồ hôi và công sức của lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố.

Những con số ấy cũng nói lên sự đoàn kết nhất trí cao trong nội bộ các cấp lãnh đạo, sự hợp tác và thấu hiểu của mỗi hộ gia đình với những chủ trương, chính sách của địa phương. Một khi cái hiện tượng đáng quý, đáng trân trọng: Đảng nói - dân tin, chính quyền làm - dân ủng hộ, Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo được lặp đi lặp lại nhiều lần, thì chúng ta hoàn toàn có thể tin chắc rằng, thế và lực của thành phố mỗi ngày một thêm mạnh, những bệ phóng để tăng tốc sẽ được xây dựng ngày thêm vững chắc. Tất cả để chúng ta tiếp tục tiến đến những con số ấn tượng, lung linh hơn nữa, để thành phố bên bờ Biển Đông, bên bờ sông Hàn đẹp như một huyền thoại này không ngừng vươn cao, mở rộng sức lan tỏa đến bốn phương.        

PHAN VĂN TÂM

;
.
.
.
.
.