.

Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị Thủ tướng về dự án thủy điện Đăk Mi 4

.

(ĐNĐT) - UBND thành phố Đà Nẵng vừa tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nguy cơ dự án nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 gây thiếu nước nghiêm trọng cho gần 1,7 triệu dân vùng hạ lưu (bao gồm thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An và các huyện Điện Bàn, Đại Lộc... của Quảng Nam).

Kiến nghị giải quyết dứt điểm trong quý II/2010

Văn bản số 1352 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương ký chiều 5-3 trình Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Báo cáo rà soát và cập nhật tính toán cân bằng nước sông Vu Gia không đúng với tình hình thực tế hiện nay và trong quá khứ 35 năm qua. Báo cáo được tính toán thiếu khách quan, do lẽ bản thân cơ quan lập báo cáo cũng là đơn vị trước đây đã lập báo cáo cân bằng nước và đánh giá hiệu ích hạ du các công trình thuỷ điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn phục vụ cho quy hoạch bậc thang thuỷ điện trên sông Vu Gia!”.

Trên công trình thủy điện Đăk Mi 4. (Ảnh tư liệu)

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, trong những năm ít nước, hạ lưu sông Vu Gia vẫn thường xuyên xuất hiện hạn hán, thiếu nước. Tình hình thiếu nước sẽ nghiêm trọng hơn sau khi hoàn thành hệ thống thuỷ điện sông Vu Gia – Thu Bồn như hồ sơ thiết kế hiện nay. Nguyên nhân chính là do lượng nước mà thuỷ điện Đăk Mi 4 chuyển khỏi lưu vực sông Vu Gia quá lớn so với tổng dung tích các hồ chứa thuỷ điện khác bổ sung nước cho sông Vu Gia.

Cụ thể, tổng lượng dòng chảy sông Vu Gia bị mất đi trong mùa khô do thuỷ điện Đăk Mi 4 chuyển nước, tính theo trung bình năm là 1.014,4 triệu m3, tính theo tần suất P = 75% là 826,1 triệu m3 và theo P = 85% là 647,2 triệu m3. Trong khi đó, tổng dng tích của các hồ chứa thuỷ điện bổ sung nước cho sông Vu Gia chỉ có 594,4 triệu m3.

“Dung tích hữu ích các hồ chứa sông Côn, sông Boung 4 bổ sung nước cho sông Vu Gia đều bị giảm từ 668 triệu m3 tại Quyết định phê duyệt quy hoạch bậc thang thuỷ điện xuống chỉ còn 247 triệu m3 ở bước thiết kế kỹ thuật và xây dựng. Tuy nhiên, báo cáo cân bằng nước sông Vu Gia của tổ thẩm định và Bộ Công thương vẫn khẳng định tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia sẽ được cải thiện hơn khi hoàn thành hệ thống thuỷ điện. Do mất cân bằng quá lớn giữa lượng nước bị lấy đi và lượng nước được bổ sung, nên chỉ với tần suất thiết kế P = 50% (tức 2 năm xuất hiện 1 lần) thì cũng đã xảy ra thiếu nước rất nặng trong mùa khô”, báo cáo của UBND thành phố nêu rõ.

Các cơ quan chức năng Đà Nẵng đã tiến hành rà soát một cách khách quan và cho ra kết quả cân bằng nước như sau: P = 50% thì có đến 6/9 tháng mùa khô bị thiếu nước (tương ứng tổng lượng nước bị thiếu là 543,6 triệu m3); P = 75% thì có 7/9 tháng mùa khô bị thiếu nước (tương ứng tổng lượng nước bị thiếu là 830,3 triệu m3; P = 85% và 95% thì cả 9 tháng mùa khô đều bị thiếu nước (tương ứng tổng lượng nước bị thiếu từ 1.108,4m3 đến 1.350 triệu m3).

“Thiệt hại của chủ đầu tư do phải trả nước về sông Vu Gia là rất nhỏ so với tổng thiết hại về dân sinh, kinh tế - xã hội của toàn khu vực hạ lưu sông Vu Gia. Thiệt hại của chủ đầu tư xảy ra trong mùa khô của những năm trung bình và ít nước có thể khắc phục được bằng cách bổ sung thiết kế tăng công suất phát trong mùa mưa, hoặc cho phép thực hiện chế độ phủ đỉnh chỉ phát trong giờ cao điểm trong mùa khô (do nhu cầu nước ở hạ lưu sông Thu Bồn không lớn)”, văn bản kiến nghị của UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Do vậy, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo chủ đầu tư dự án thuỷ điện Đăk Mi 4 bổ sung thiết kế tăng công suất phát điện trong mùa mưa và thiết kế cống xả qua thân đập thuỷ điện tại cao trình mực nước chết với lưu lượng trung bình 47m3/s là thông số lưu lượng trung bình mùa khô của sông Vu Gia tại đập Đăk Mi 4.

Trong trường hợp Bộ Công thương và chủ đầu tư không thống nhất với đề nghị trên, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ căn cứ Nghị định 120/2008/NĐ-CP ngày 1-12-2008 của Chính phủ về quản lý lưu vực sông để giao Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm trong quý 2-2010.

Nguy cơ thảm họa môi trường

Khi tiến hành xây dựng nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) đã không thực hiện theo nguyên tắc trả nước về sông Vu Gia mà lại chuyển về sông Thu Bồn để phát điện. 

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, sông Đăk Mi tuy chỉ chiếm 1/3 lưu vực nhưng lại chiếm đến 50% lưu lượng nước của sông Vu Gia. Do chuyển nước ra khỏi lưu vực nên khi thuỷ điện Đăk Mi4 đi vào hoạt động thì tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia sẽ rất nghiêm trọng, có thể dẫn tới thảm hoạ môi trường và bất ổn xã hội.

Trong năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên – Môi trường kiến nghị xử lý nguy cơ từ thủy điện Đăk Mi, trong đó có kiến nghị tạm đình chỉ thi công đập thuỷ điện để giải quyết tranh chấp nguồn nước. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương khẩn trương xem xét, giải quyết vụ việc. Một tổ chuyên gia thẩm định lượng nước trả về sông Vu Gia cũng đã được thành lập. Mới đây nhất, vào đầu tháng 1-2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương báo cáo việc giải quyết kiến nghị của UBND thành phố Đà Nẵng về việc xây dựng dự án thủy điện Đắk Mi 4 gây thiếu nước.

Tuy nhiên, việc triển khai giải quyết các kiến nghị của thành phố Đà Nẵng liên quan đến dự án thủy điện này diễn ra rất chậm chạp, trong khi nhà máy thủy điện vẫn tiếp tục thi công. Sự chậm chạp này buộc UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị xử lý dứt điểm nguy cơ xảy ra "chết khác" ở vùng hạ lưu sông Vu Gia.

Cẩm An


;
.
.
.
.
.