.

Đưa các anh về cùng chung ngày vui chiến thắng

.

(ĐNĐT) - Khi các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng đang hân hoan hướng về Lễ kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng quê hương và tận hưởng đại tiệc pháo hoa bên sông Hàn, thì các cựu chiến binh (CCB) ở phường Hoà Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) đang âm thầm chuẩn bị cho chuyến ngược núi tìm hài cốt liệt sỹ, dự kiến sẽ xuất phát vào đầu tháng 4 tới.
 

Ba cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Nam đã nhiều lần đi tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sỹ. Từ trái sang: ông Lê Xuân Hòa, Chủ tịch Hội CCB phường, ông Trần Hữu Cúc và ông Bùi Thế Na

Thông tin khá chính xác về 3 ngôi mộ là các chiến sỹ thuộc Đại đội Độc lập cánh Bắc Hoà Vang hy sinh năm 1968, đang lẫn khuất giữa đại ngàn phía cực tây Đà Nẵng giáp với xã Tư, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) do người dân Hòa Bắc (Hòa Vang) vừa cung cấp làm ai nấy không nguôi nỗi trăn trở. Đúng ra, họ đã lên đường ngay khi nhận được tin báo, nhưng thân nhân liệt sỹ ấn định ngày cất bốc nên họ phải chờ.

Biết chuyến đi không hề đơn giản, phải trèo đèo lội suối 4-5 ngày trời, băng qua hàng chục cây số giữa các khu rừng nguyên sinh mới tới được khu vực các liệt sỹ đang yên nghỉ nên công tác chuẩn bị khá chu đáo. Người ra chợ mua thêm chiếc võng dù, tấm bạt mới và vài cân cá khô. Người ghé hiệu thuốc tây mua lọ dầu gió, ít viên thuốc cảm. Người khâu lại chiếc ba lô cũ, bao tượng gạo, sửa chiếc cuốc chim, tra lại cán xẻng những thứ đã cùng họ hơn chục lần đi tìm đồng đội mấy năm qua. Người dặn đi dặn lại vợ trước ngày lên đường nhớ ra chợ mua bó hoa đẹp nhất, những quả cam ngon nhất tặng đồng đội. Và một thứ không ai quên đó là những bó hương thơm, ít quả trứng...

Hơn chục lần ngược núi tìm hài cốt liệt sỹ nhưng chưa lần nào họ cảm thấy lương tâm thôi thúc như lần này. Phải chăng, thời điểm cả nước kỷ niệm ngày toàn thắng đang đến gần, ai cũng muốn xuất phát sớm để kịp đưa các anh về chung vui ngày chiến thắng.

Ông Bùi Thế Na, 57 tuổi, thương binh, ngụ tổ 8 Xuân Thiều, Hoà Hiệp Nam, là người đầu tiên nhận thông tin về nơi các liệt sỹ yên nghỉ giữa rừng sâu. Người cung cấp còn cho ông biết khá chính xác tên tuổi liệt sỹ, đơn vị, năm hi sinh. Đó là liệt sỹ Nguyễn Bồn, chiến sỹ Đại đội Độc lập cánh Bắc Hoà Vang và 2 đồng đội của ông hy sinh năm 1968. Con trai ông Bồn là anh Nguyễn Hai, hiện ngụ tại thôn Phò Nam, xã Hoà Bắc. Chính anh Hai đã tha thiết đề nghị những CCB phường Hoà Hiệp Nam cùng gia đình đi tìm đưa ba anh về nên đã gọi điện báo rất cụ thể, ấn định cả ngày giờ xuất phát. Đó là ngày 20 tháng 2 âm lịch(4-4-2010). Thông tin trên được ông Na truyền đạt với lãnh đạo Hội CCB phường Hoà Hiệp Nam. Cũng như các lần trước, Hội CCB phường triển khai ngay công tác chuẩn bị để các CCB lên đường .

Các CCB đưa đồng đội về với gia đình, quê hương

“Từ năm 1999 đến nay, ít nhất trên chục lần anh em chúng tôi ngược núi tìm đồng đội. Hễ nghe phong thanh ở đâu đó có dấu tích về mộ liệt sỹ là ai nấy giục nhau lên đường. Theo chỉ dẫn, 2-3 người tiền trạm đi trước để tìm kiếm. Khi đã xác định được vị trí về báo với Hội CCB phường rồi cùng bàn phương án tổ chức đi cất bốc. Không ít lần, cả đoàn hơn 10 người ngược Hoà Bắc, lội bộ vào rừng 3-4 ngày trời chỉ với mục đích cao nhất là đến thật nhanh với đồng đội đưa họ về với gia đình quê hương. Có đợt sau 3-4 ngày băng rừng lội suối vẫn không tìm ra manh mối gì phải về không. Có chuyến, tìm thấy nơi liệt sỹ yên nghỉ cất bốc đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ địa phương. Có đợt cùng thân nhân liệt sỹ ở ngoài Bắc tìm kiếm cất bốc rồi chuyển về ngoài đó.

Đợt phát hiện cất bốc 4 hài cốt liệt sỹ ở thượng nguồn Khe Răm thuộc địa bàn xã Hoà Bắc tháng 7 -2009 là đợt tìm được nhiều liệt sỹ nhất. Đợt đó, qua di vật có trong hài cốt đã xác định được danh tính liệt sỹ Phạm Thị Tân, y tá của Trạm xá 79, quê ở Hoà Hiệp Nam này. Chính vì nhiều chuyến ngược núi tìm đồng đội như vậy mà hễ ai đó phát hiện ra mộ liệt sỹ là họ báo ngay cho chúng tôi. Đợt này cũng vậy, thân nhân liệt sỹ báo về và tha thiết yêu cầu anh em chúng tôi lên đường cùng họ”, ông Na tâm sự.

Cùng với ông Na, ở Hoà Hiệp Nam có ít nhất hơn 10 CCB đã nhiều lần gác công việc gia đình đi tìm đồng đội. Họ ra đi trong yên lặng với sự thôi thúc của con tim. Tư trang, lương thực thực phẩm, thuốc men, kể cả những thứ dùng để quàn hài cốt liệt sỹ họ đều tự lo liệu. Có người tuổi cao sức yếu vẫn quyết đi bằng được.

Có cặp vợ chồng CCB đều lên đường và cùng băng rừng lội suối nhiều ngày trời tìm đồng đội như ông Trần Đạt và bà Trần Thị Thanh Hoa ở tổ 9, Xuân Thiều. Nói về chuyến đi tìm kiếm và đưa về 4 hài cốt liệt sỹ đầu tháng 7 năm ngoái, ông Trần Hữu Cúc, 56 tuổi, thương binh, trú tổ 9 Xuân Thiều cho biết: Công việc này không kiên trì chịu khó và không xuất phát từ tấm lòng rất khó thành công.

"Đợt đó, anh em chúng tôi được những người rà sắt phế liệu cho hay, phía thượng nguồn Khe Răm thuộc địa bàn xã Hoà Bắc có dấu tích còn sót lại nhiều khả năng là bia mộ liệt sỹ. Khi nhận được tin, anh em chúng tôi tức tốc lên đường. Sau 3 ngày lội rừng, lần mò theo chỉ dẫn đã tìm đến được vị trí cần đến. Tại đó có mấy hòn đá làm bia và tất cả đã mất hết dấu vết, khuất lẫn giữa um tùm cây cối. Phải đến 6 giờ chiều mới phát hiện hài cốt của nữ liệt sỹ. Đêm đó, trong lán nhỏ giữa rừng, bên cạnh đồng đội ai nấy không chợp mắt. Sau khi cất bốc xong hài cốt nữ liệt sỹ, theo hàng ngang cùng dãy, chúng tôi cất bốc tiếp 3 bộ hài cốt nữa. Ba người này đến nay vẫn chưa lần ra danh tính. Đợt đó, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể và nhân dân tổ chức Lễ truy điệu chu đáo và an táng 4 liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ phường", ông Cúc kể.

Thắp hương tưởng nhớ liệt sỹ trước khi đưa họ vè an táng tại nghĩa trang liệt sỹ địa phương

Hơn 10 năm qua, trên các khu rừng thuộc lâm phận Đà Nẵng liên tục in dấu chân những CCB phường Hoà Hiệp Nam. Các địa danh Khe Răm, Bàu Bàng, Hòn Quặp, đèo Hải Vân... đã trở thành nơi thân quen đối với họ. Ông Đinh Trần Thụ, CCB ở tổ 19, nay đã 70 tuổi, là người từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng từ năm 1965 đến ngày giải phóng. Chính ông đã từng chôn cất đồng đội và biết khá chính xác nhiều đồng đội khác yên nghỉ rải rác trên các dãy núi thuộc đèo Hải Vân và xã Hoà Bắc. Hồi đó ông là cán bộ của Đại đội công binh Hải Vân.

Nhiều năm qua, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông vẫn lặn lội trèo đèo lội lội cùng mọi người đi tìm đồng đội đưa họ về với gia đình, với quê hương. Ông đã cùng các CCB ở phường tìm và cất bốc không dưới 20 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó nhiều liệt sỹ đã về với gia đình quê hương ở ngoài Bắc.

Ông Lê Xuân Hoà, Chủ tịch Hội CCB phường Hoà Hiệp Nam, người đã 9 lần cùng các CCB ở địa phương đi tìm đồng đội, cho biết 10 năm trở lại đây, Hội CCB phường đã tổ chức hàng chục đợt đi tìm kiếm và đưa về 50 hài cốt liệt sỹ. Công việc này sẽ còn tiếp diễn lâu dài và chỉ kết thúc khi tất cả các liệt sỹ đang nằm rải rác ở đâu đó trên chiến trường xưa được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ...

Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.