.

Kẹo mút phát sáng: Cháy hàng!

.

(ĐNĐT) - Trong những ngày qua, báo chí liên tục phản ánh và cảnh báo nguy hại đối với loại kẹo mút phát sáng ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Còn theo khảo sát của chúng tôi tại Đà Nẵng, kẹo mút phát sáng (còn được gọi là kẹo đèn, kẹo sáng…) được các xe đẩy bánh kẹo bày bán công khai trước các cổng trường và các em học sinh mua nhanh đến nỗi… “cháy hàng”.

3 loại kẹo mút phát sáng được bán cho học sinh

Sáng 19-3, chúng tôi đến cổng các trường tiểu học và THCS để hỏi mua kẹo mút phát sáng, nhưng chỉ toàn nhận được cái lắc đầu “hết hàng rồi” của các chủ quán và lời hẹn “sáng mai quay lại mua”.

Một chủ quán trước cổng một trường tiểu học trên đường Phan Thanh còn hướng dẫn chúng tôi đến các địa lý trên đường Võ Văn Tần, phía sau lưng Siêu thị Bài Thơ mua cả hộp kẹo phát sáng với giá gốc là 20.000đồng/hộp (mỗi hộp 20 chiếc kẹo) cho rẻ vì giá bán lẻ cho học sinh đã là 2.000đồng/chiếc.

Tiếp tục đi hỏi mua kẹo mút phát sáng trước các cổng trường, cuối cùng chúng tôi cũng chọn mua được 3 chiếc kẹo (kẹo màu vàng, màu xanh và kẹo hình ngôi sao) với giá 2.000 đồng/chiếc ở trước cổng một trường THCS trên đường Trần Bình Trọng.

Còn khi đến hỏi mua kẹo ở 2 đại lý trên đường Võ Văn Tần thì đều nhận được cái lắc đầu: “Hết hàng.” Đến hỏi đại lý thứ 3 thì chủ đại lý bảo chúng tôi: “Còn đúng 2 hộp đó, giá 20.000 đồng/hộp, về bán lẻ 1.500-2.000 đồng/chiếc!”…

Theo chúng tôi nhận thấy, ngoài vỏ kẹo không hề có một dòng chữ tiếng Việt nào, chỉ toàn tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kẹo và có ảnh hưởng gì cho người sử dụng không thì không thể nào biết được, vậy nhưng lại rất được học sinh ưa chuộng và mua rất nhanh.

Qua trò chuyện với các em học sinh, được các em cho biết, mua xong mở ăn kẹo ngay để dành que lại chờ đến tối thì bẻ nhẹ giữa thân cho phát sáng màu xanh xanh (dạ quang), hoặc để dành đến tối mở kẹo vừa ăn vừa cho que phát sáng nơi miệng rất đẹp…

Theo ông Hồ Lai Dũng, Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, chất lỏng, chất tạo màu trong que kẹo có khả năng gây độc. Khi trẻ ăn kẹo, nếu vô tình làm vỡ que kẹo, các phụ gia của chất tạo màu sẽ biến thành khí thoát ra môi trường và gây độc cho người sử dụng.

Ông Dũng cũng cảnh báo, nếu que kẹo bị vỡ chất lỏng trong que kẹo này sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp và tiêu hóa của trẻ, nhất là trẻ nhỏ hay nuốt bất cứ thứ gì cho vào miệng.

Đề nghị các ngành chức năng sớm kiểm tra; các bậc phụ huynh không nên mua hoặc cho con em mua, sử dụng những hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.