.
KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29-3-1975 - 29-3-2010)

Tháng Ba nhớ về Đà Nẵng

“Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ, ơi Hải Phòng thành phố quê hương...”

Tháng 5. Hoa phượng. Bến cảng. Tiếng còi tàu. Sóng biển… Những từ ấy đã đi sâu vào tâm trí mỗi người dân đất Cảng từ thời Tám Bính của Nguyên Hồng đến thời bom rơi đạn nổ của chiến tranh và giờ đây là những năm tháng dựng xây đất nước. Nhưng cũng vẫn tháng 5 mặt trời như đổ lửa ấy, chúng tôi còn có những ký ức của một thời không xa: ngày 17-5-1973 - ngày thành lập Tiểu đoàn kết nghĩa Hải Phòng - Đà Nẵng. Mùa hè đỏ lửa chiến trường Quảng Trị năm 1972 đã hun nóng những trái tim “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của những người con trai, con gái thành phố Cảng ngày ấy. Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ là con em thành phố Hải Phòng được lựa chọn kỹ lưỡng từ những công nhân, nông dân, trí thức, học sinh của tất cả các quận, huyện. Sau 10 tháng huấn luyện ở dãy núi trập trùng Đông Bắc Tổ quốc - Yên Tử, chúng tôi làm lễ xuất quân vào Nam chiến đấu.

Ngày ấy, Hiệp định Paris mới được ký kết, miền Bắc vừa trải qua cuộc chiến B52 của Mỹ đánh phá dữ dội Hà Nội, Hải Phòng nên khí thế chiến thắng của dân tộc và lòng hận thù quân xâm lược đã nâng bước chân chúng tôi trên mỗi cung đường vào Nam. Tại ga Sen Hồ, Hà Bắc nơi xuất phát, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Quân khu Tả Ngạn (Quân khu 3 bây giờ) và đồng chí Đoàn Khuê, Phó Chính ủy Quân khu 5 đã đến giao nhiệm vụ và động viên chúng tôi.

Khi bước chân lên tàu, nét mặt ai cũng vừa phấn khởi vì được vào thành phố Đà Nẵng chiến đấu, thử sức trai đất Cảng, vừa căng thẳng vì trong cuộc chiến, hy sinh mất mát là điều không thể tránh khỏi. Mà cũng lạ, suy nghĩ viển vông vậy, thế mà khi đồng chí Thạch - Chính trị viên tiểu đoàn bắt nhịp hát bài “Tiến bước dưới quân kỳ” thì bao lo toan, thương nhớ để lại sau bước chân mỗi người. 100% cán bộ, chiến sĩ có mặt tại Thạch Mỹ, nơi giao nhận quân cũng đủ nói lên điều đó. Khác với các tiểu đoàn khác khi vào chiến trường thường được chia tách về các đơn vị có sẵn, Tiểu đoàn Hải Đà của chúng tôi vẫn giữ nguyên quân số, có một số đồng chí được điều động bổ sung cho một số đơn vị khác thiếu quân, nhưng về cơ bản, chúng tôi vẫn giữ nguyên đội hình mới xuất phát, chỉ đổi phiên hiệu đơn vị là Tiểu đoàn 76 trực thuộc Mặt trận 4 Quảng Đà chứ không còn là Tiểu đoàn 573 Hải Đà nữa.

Sau 4 tháng làm quen địa bàn, khí hậu, ngày 24-7-1974, chúng tôi ra quân trận đầu tiên đánh quân ngụy giải tỏa Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức tại ngã 3 Trùm Giao. Cuộc chiến đấu diễn ra đúng như những bài tập của chúng tôi ở ngoài Bắc. Đại đội trưởng thổi còi, trung đội trưởng hô xung phong, anh em bật khỏi chiến hào, cầm chắc súng AK47 nã đạn vào đoàn xe.

Rồi lại tiếng còi, tiếng hô rút quân về chiến hào. Có lẽ quân địch thấy anh em mình chiến đấu giống trong phim quá hay sao ấy mà cứ đứng ngẩn ra ở đường, không kịp phản ứng. Đồng chí Phạm Thái Nguyên, Trung đội trưởng dẫn cả trung đội ào lên đường 100 đuổi theo quân địch cứ như quân xanh quân đỏ diễn tập ở thao trường. Sau 2 ngày chiến đấu, 20 tên lính ngụy bị tiêu diệt, 2 ô-tô GMC bị bắn cháy, ta thu nhiều quân trang quân dụng, vũ khí, khí tài. Tiểu đoàn có 3 đồng chí hy sinh, trong đó có đồng chí Trung đội trưởng dẫn quân xông lên đường 100 như tôi vừa nói.

Lính Hải Phòng là thế. Kiên cường lắm. Dũng cảm lắm. Không thể nói đến việc lấy thước đo lòng yêu quê hương, đất nước, trung thành với Đảng, với dân của người lính, nhưng trong mỗi lần ra trận, ta lại thấy trong họ có một Phù Đổng Thiên Vương như nhà thơ Tố Hữu nói: “Cả dân tộc đều trên mình ngựa sắt, Ba mươi mốt triệu cháu con đều có dáng ông cha” (Bài ca xuân 61).

Và bây giờ, trong cuộc chiến chống đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, những người lính Cụ Hồ của Tiểu đoàn Hải Đà lại cùng nhau chung tay góp sức dưới mái nhà chung là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Họ góp những đồng vốn ít ỏi từ trợ cấp thương tật, trợ cấp phục viên, tiền khen thưởng kháng chiến... thành lập Công ty TNHH Hoàng Thắng, Công ty cổ phần Thương mại Hải Đà và Công ty cổ phần Thương mại Hoàng Phát - hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam.

10 năm thành lập, Công ty cổ phần Thương mại Hải Đà đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; Công ty TNHH Hoàng Thắng và 3 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tiểu đoàn Hải Đà chúng tôi cả 3 doanh nghiệp trên đều do 3 đồng chí thương binh nặng làm giám đốc mà cả 3 người này đều là lính của Trung đội 1, Đại đội 3. Một ông là Trung đội trưởng, một ông là Tiểu đội trưởng, còn một ông là Tổ trưởng tổ 3 người. Cái đáng quý của những người lính không mặc quân phục hôm nay là họ dám vượt lên chính mình để cùng nhau làm kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho đồng đội.

Nhưng tôi nghĩ, còn quý hơn và trân trọng hơn đó là tình cảm của họ. Họ thương yêu nhau giữa đời thường như những ngày trong trận mạc. Lo cho nhau từng cái kim sợi chỉ, từ tiếng cười đến câu khóc. Như anh “Duy cụt” – chúng tôi gọi thế vì anh cụt một tay trong trận đánh ngã ba Trùm Giao đường 100, thế mà không một đám ma nào, một đám cưới nào của đồng đội vắng mặt anh. “Duy ơi, bia”; “Duy ơi, nước ngọt”… mồ hôi nhễ nhại nhưng anh vẫn vui vì anh tìm thấy trong tiếng gọi ấy là tình yêu thương của đồng đội dành cho anh.

Lính Hải Phòng là thế. Lính Hải Đà là thế. Cả 3 doanh nghiệp không chỉ sản xuất, kinh doanh tốt, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho anh em đồng đội mà còn làm tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn như tặng sổ tiết kiệm, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, thương binh với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Ban liên lạc Tiểu đoàn tổ chức 4 chuyến thăm chiến trường xưa, thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, mẹ Nguyễn Thị A và tìm kiếm, di dời 12 hài cốt đồng đội về quê nhà. Từ năm 2000 đến nay, Công ty TNHH Hoàng Thắng trợ dưỡng mẹ Bùi Thị Vơ ở phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân là mẹ 2 liệt sĩ.

Không hiểu từ đâu và vì sao mà cứ mỗi khi nhắc đến Đà Nẵng, đến Quảng Nam là chúng tôi như thấy có một món nợ gì đấy mà chưa trả được. Chỉ thấy nợ mà chưa thể trả. Cái nợ có lẽ sẽ theo chúng tôi suốt cuộc đời. Có lẽ chăng, ở đó, chúng tôi còn 70 trong số 82 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn mãi mãi tuổi hai mươi chưa xác định được vị trí hài cốt? Có lẽ chăng, ở đó, một phần xương thịt của chúng tôi đã để lại cho màu xanh mãi mãi trên quê hương thứ hai này?

Có lẽ chăng, ở đó, những niềm khắc khoải của vùng đất “chưa mưa đà thấm” Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc… đã quyện mồ hôi và nước mắt của chúng tôi đang mong chờ những chiến công thời bình của người lính Hải Phòng?... Và cũng có lẽ chăng, ở đó có tiếng gọi tình yêu của người con gái mãi mãi tuổi xanh đã một thời sẻ chia bát canh rau rớt, cắn nửa viên thuốc sốt rét đang chờ mong những trái tim của một thời để nhớ để thương?

Ngày 29-3 năm nay, thành phố Đà Nẵng kỷ niệm 35 năm giải phóng. Chúng tôi tổ chức một đoàn vào thăm chiến trường xưa, dự các chương trình lễ kỷ niệm và báo cáo với Thành ủy, Ủy ban Nhân dân và nhân dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chúng tôi – những người lính được sinh ra từ tình nghĩa của 2 thành phố Hải Phòng – Đà Nẵng rất đỗi tự hào với truyền thống của Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến đấu và cả trong thời bình; Chúng tôi tự hào về quê hương thứ hai trong chiến tranh “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” và trong thời bình đang là điểm đến của các nhà đầu tư, một thành phố trẻ đang vươn mình từ đống đổ nát của chiến tranh để trở thành tâm điểm rực sáng của miền Trung. Dòng sông Hàn nặng đỏ phù sa quyện dòng sông Cấm đổ ra biển Đông luôn chảy mãi trong lòng những người lính Hải Đà chúng tôi. Một thành phố Đà Nẵng trẻ trung, một phố cổ Hội An quyến rũ mãi mãi trong trái tim những người con đất Cảng Hải Phòng.

ĐINH VĂN BÌNH

(Viết theo lời kể của ông Lê Văn Ngánh, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn Hải Đà, tháng 3-2010)

;
.
.
.
.
.