Thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ông Phạm Trung Kiên (ảnh) - Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng từng bị địch giam cầm, tra tấn hết sức dã man. Nhân dịp Đại hội Hội Tù yêu nước TP. Đà Nẵng lần thứ II, ông đã kể lại nhiều ký ức sâu sắc trong những tháng ngày tù ngục.
...Đầu năm 1969, Đại đội đặc công CK3 chúng tôi (thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà) tập kích vào một kho đạn địch ở phía đông Đà Nẵng (nay thuộc khu vực An Đồn, quận Sơn Trà). Tổ chúng tôi tấn công chớp nhoáng, dũng mãnh, làm kho đạn địch bốc cháy dữ dội và nhanh chóng rút về cất giấu vũ khí, trú ẩn tại cơ sở mật trong lòng địch.
Do bị chỉ điểm, ngay trong đêm đó, tôi và 3 đồng chí khác bị sa vào tay giặc. Quân thù dùng đủ mọi cực hình tàn khốc và tinh vi hòng moi cho được tin tức về các cơ sở của đặc công trong nội thành. Chúng tra tấn chúng tôi chết đi sống lại nhiều lần, nhưng cuối cùng vẫn không moi được một lời khai nào. Cả tháng trời, địch đưa tôi hết nhà lao này đến nhà lao khác để tra tấn làm lung lạc ý chí nhưng cuối cùng chúng vẫn không đạt được mục đích và quyết định đưa tôi vào giam ở nhà lao kho đạn - nơi chúng đang giam giữ hàng trăm người tù chính trị.
Trong tù ngục quân thù, tôi không ngờ mình như được trở về với đồng đội, mọi người ân cần thăm hỏi và động viên tôi giữ vững ý chí đấu tranh. Các cô, các chú khen ngợi tôi đã hơn một tháng chiến thắng các cực hình man rợ của bọn đao phủ. Sự thương yêu, che chở của các cô chú, anh chị, làm cho tôi thêm vững tâm vượt qua bao thủ đoạn khảo tra hiểm ác của kẻ thù. Những ngày tháng khắc nghiệt này, tôi đã viết bài thơ “Những đứa con Đà Nẵng” mà đến nay tôi vẫn còn nhớ như in: “Tuổi mười lăm, mười bốn, tóc còn xanh/ Đêm hôm nao về công kích Đà thành/ Bước chân em băng qua từng đường phố/ Kho bom thù bốc cháy ngút trời xanh...”.
Tại nhà tù của địch, chúng tôi cũng có chi bộ, chi đoàn và đội thanh niên xung phong. Ngày nào tôi cũng được học chính trị về Cách mạng miền Nam, về Bác Hồ. Mỗi lớp học chỉ có một thầy và vài trò, giờ học là mười mấy phút được ra sân tắm nắng mỗi ngày và bảng viết, vở chép chính là nền đất tại nơi tắm nắng.
Tôi còn nhớ rõ, đồng chí Hà Kỳ Ngộ - Thành ủy viên Đà Nẵng bị nhốt trong lao biệt giam cạnh phòng giam tù chính trị. Hằng ngày, cứ đến 6 giờ sáng là bác Ngộ gọi chúng tôi dậy và hát vang những bài ca cách mạng, dù lắm hôm phải chịu những trận đòn thù man rợ. Khi bác Ngộ bị ốm nặng, anh em tù đã dành thuốc vitamin (của một tổ chức nhân đạo quốc tế phát cho mỗi người 5 viên) để chuyển vào cho bác uống.
Chúng tôi tìm những khúc cây ngắn nối thành một đoạn cây dài chừng 1,5 mét. Tôi cùng với anh Ngọc và anh Bốn đứng chồng lên nhau, tôi nhỏ người nhất nên được đứng trên cùng, móc gói thuốc vào đầu cây đưa vào một lỗ nhỏ có song sắt trên tường và nghiêng cây xuống để cho thuốc rơi vào phòng bác Ngộ. Mọi thao tác phải làm thật nhanh, thật chuẩn xác và có tổ thanh niên xung phong đứng che mắt địch.
Khi Bác Hồ qua đời, tù chính trị ở kho đạn bí mật tổ chức Lễ truy điệu và để tang Bác suốt 7 ngày. Ai cũng khóc nhiều, mắt đỏ hoe và thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để thực hiện cho được những điều Người hằng mong mỏi.
...Trong một lần địch di chuyển tù nhân, ông Kiên đã vượt ngục tìm về đơn vị, tiếp tục chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc. Sau mùa Xuân đại thắng 1975, ông luôn nêu cao ý chí của người tù yêu nước, bền bỉ học tập và phấn đấu không ngừng, lần lượt tốt nghiệp đại học kinh tế, đại học luật, đã nhiều năm làm Giám đốc Bưu điện thành phố Đà Nẵng và hiện nay là Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng.
Bài và ảnh: LÊ VĂN
.
.
Ký ức những ngày tù ngục
Thứ Ba, 09/03/2010, 07:55 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.