.

Người 20 năm đi tặng cờ Tổ quốc

.

Nhiều người dân trong cả nước bất ngờ và xúc động khi hay tin cụ bà Phan Thị Phán, 81 tuổi, ngụ thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, tặng lá cờ Tổ quốc 100m2 cho huyện đảo Hoàng Sa 

        >> Một người dân tặng UBND huyện đảo Hoàng Sa lá cờ Tổ quốc rộng 100m²

Cụ Phán trau chuốt những lá cờ Tổ quốc để mang tặng khắp mọi miền đất nước (Ảnh: LÂM HOÀI)

Tìm về tận nơi cụ sinh sống, chúng tôi mới được biết đây không phải lần đầu cụ tặng lá cờ Tổ quốc cho biển đảo thân yêu. Càng ngỡ ngàng hơn vì hơn 20 năm qua đã có hàng nghìn lá cờ được cụ mang tặng nhiều nơi khác...

“Hội” uống nước nhớ nguồn

Lạc lõng giữa những ngôi nhà cao tầng, nhà mái bằng đồ sộ, ngôi nhà tranh nằm cuối làng của cụ Phán trông liêu xiêu, mái tranh bung ra nhìn thấu những tia nắng len lỏi vào. Nhà bếp chỉ có chiếc kiềng sắt và đống rơm đun dở, “phòng khách” và cũng là gian chính của ngôi nhà trống huơ trống hoác, chỉ có mấy tấm chiếu cói rải xuống nền, xung quanh chất đầy những tấm giấy dó và cờ Tổ quốc. Tất cả “cơ ngơi” của cụ chỉ có vậy. Mấy năm nay từ khi cụ ông mất, cụ ở trong “cơ ngơi” này một mình với những công việc mang nghĩa cử thật cao đẹp.

 
Khi biết tin lá cờ tặng huyện đảo Hoàng Sa đã đến nơi, cụ mừng đến phát khóc. Cụ Phán cho biết đó là lá cờ cụ ấp ủ từ lâu muốn mang tặng huyện đảo nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Mấy tháng trước khi quyên được đủ tiền, cụ nhờ người chở ra chợ trung tâm TP Hải Dương đặt may lá cờ và cũng chính tay cụ gửi bưu điện chuyển cho huyện đảo.
 
Cụ Phán kể, đây là lần thứ hai cụ tặng cờ cho huyện đảo. Lần đầu tiên là từ những năm 1990, lá cờ khi đó lớn hơn 100m vải, được chính tay các cụ trong “hội” may, sửa, sau đó mang đến tận Bộ tư Lệnh Quân chủng Hải quân để tặng huyện Trường Sa.

Còn việc tặng cờ đã có hơn 20 năm nay, hồi đó cụ cùng các cụ trong địa phương thường đi lễ chùa tập hợp nhau lại, lập ra một “hội” không chính thức gọi là “hội uống nước nhớ nguồn" với công việc chính là quyên góp tiền may cờ Tổ quốc tặng các nghĩa trang trong tỉnh Hải Dương, TP Hải Phòng. Thành viên của hội đến từ khắp các huyện của tỉnh Hải Dương, có lúc lên tới cả trăm cụ. Hiện nay, nhiều người trong số đó không còn nữa.

Cụ Phán nói, cứ mỗi đợt “hội” đi lễ đền, chùa ở Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Đông Thuần, đền Mẫu... lại mang những lá cờ Tổ quốc trao tặng nghĩa trang của các xã, huyện dọc đường đi. Đến nay cụ đã trao tặng hàng nghìn lá cờ cho các đài tưởng niệm liệt sĩ và các nghĩa trang của TP Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên, Hải Dương.

Cụ bảo để có hàng nghìn lá cờ mang tặng khắp nơi, ngoài cụ ra còn có sự tham gia tích cực của ông Nguyễn Đức Tống ở thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân, TP Hải Dương. Chúng tôi tìm đến nhà ông Tống khi ông đang nằm trên giường bệnh, mảnh đạn nằm trong ngực từ những năm kháng chiến chống Pháp hành hạ, khiến phổi ông liệt phân nửa, cực nhọc chống chọi, có lúc phải thở bằng máy. Thế nhưng hay tin có người hỏi chuyện về những lá cờ, lập tức ông tất tả gượng dậy. Ông dẫn chúng tôi vào phòng ngủ, lật tấm khăn phủ để lộ chiếc máy may cũ hoen gỉ, cho biết đây là chiếc máy đã may hàng nghìn lá cờ Tổ quốc để mang tặng các nghĩa trang, vùng biển đảo.

Ông Tống kể ông vốn là thợ may. Năm 1988 khi cụ Phán lập “hội” đã mời ông cùng tham gia. Cảm kích với việc làm đầy ý nghĩa, ông nhận làm “trợ lý” đắc lực cho cụ. Nhiệm vụ chính của ông Tống là may những lá cờ Tổ quốc để “hội” mang đi tặng.

Khi chưa có máy may điện, ban ngày làm không hết, ông tranh thủ thắp đèn dầu may cờ cả đêm. Lúc đầu, thương chồng bị bệnh lại làm việc quá sức, bà Phi, vợ ông, ngăn cản. Nhưng rồi hiểu ra, thấy việc làm của chồng nhiều ý nghĩa nên bà cảm thông và phụ chồng sửa lại đường chỉ thừa khuyết, thậm chí sau này bà còn gia nhập “hội” mang cờ đi tặng tận Hải Phòng.

“Đừng phụ lòng cha ông”

Trưởng thôn Thanh Liễu Phan Văn Hợi tự hào cho hay cụ Phán trở thành một “thương hiệu” của cả thôn, cả xã, đi nơi nào cũng được mát mặt vì thơm lây. “Nhắc tới cụ Phán, cả thôn ai cũng nể phục, việc cụ quyên góp mua cờ Tổ quốc mang đi tặng khắp nơi. Bà con trong thôn ai cũng ủng hộ, nhiều người còn tham gia cùng cụ. Mấy năm gần đây cụ yếu rồi nhưng ở cuộc họp nào của thôn cụ cũng hăng hái phát biểu, gặp học sinh cụ kêu vào nhà răn dạy điều hay lẽ phải” - ông Hợi cho biết.

Cuộc sống của cụ Phán bao năm nay vẫn vậy, chiếc áo sờn màu, chiếc khăn quấn đầu vá chằng vá đụp, giường ngủ ọp ẹp và mái nhà nhiều nắng nhưng dường như cụ chẳng bận tâm. Quyên góp được bao nhiêu tiền, cụ dồn hết vào mua vải, thuê thợ may cờ để dành tặng các nơi. Hai lá cờ Tổ quốc, một to một nhỏ cụ luôn gối ở đầu giường, ngày hai lần trước khi đi ngủ và khi thức dậy, cụ lại lôi ra ngắm rồi gấp cẩn thận cất vào chỗ cũ.

“Bọn trẻ bây giờ nhiều đứa ăn chơi, lêu lổng quá mà quên mất việc chăm lo xây dựng đất nước, không làm cuộc sống khấm khá hơn thì chúng phụ lòng công sức, xương máu cha ông đổ xuống. Nhắn lời của cụ cho chúng nó nhé” - cụ thổ lộ. Cụ bảo một chữ bẻ đôi cụ không biết, nhưng tấm lòng thì cụ giàu lắm.

Mắt đăm đăm nhìn lên lá cờ Tổ quốc, cụ cất giọng hào sảng:

Nước non thanh lịch bao đời
Khai thiên, lập địa để đời sáng trong
Gương sinh soi sáng ước mong
Ngày nay khai lại cho lòng yên vui.

Theo Tuổi Trẻ

;
.
.
.
.
.