.

Niềm tin cho người nghèo

.

Theo chuẩn đói 47.600 đồng/người/tháng, Đà Nẵng vào thời điểm năm 1997 có 850 hộ đói, trên 10,5 nghìn hộ nghèo. Đến nay, mục tiêu “Không có hộ đói” trong chương trình “5 không” của thành phố đã hoàn thành và tiến tới thực hiện “Không còn hộ đặc biệt nghèo”, bảo đảm an sinh xã hội.

Khái niệm “Xóa đói” đã lỗi thời

Cộng đồng chung tay ủng hộ tiền giúp đỡ người nghèo. 

Đà Nẵng hiện đã xóa hộ đói. Đó là kết quả khả quan từ mục tiêu “Không còn hộ đói” trong Chương trình “5 không” của thành phố. Để có được thành quả này, từ  lãnh đạo thành phố đến các ban, ngành, hội-đoàn thể và từ mỗi hộ gia đình đã coi công tác “xóa đói” là một quyết tâm chung phải thực hiện cho kỳ được. Có thể điểm lại một số cách làm hay của nhiều địa phương trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo thời gian qua.

Là phường có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất quận Ngũ Hành Sơn, Hòa Quý đã quyết tâm vươn lên bằng nhiều biện pháp. Với phương châm an cư mới lạc nghiệp, năm 2009, Hòa Quý được đầu tư trên 2,6 tỷ đồng xây dựng nhà trụ bê-tông cốt thép chống bão lụt và hàng trăm công trình vệ sinh tự hoại cho các hộ nghèo và đặc biệt nghèo. Đồng thời, các hội, đoàn thể tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất, chăn nuôi, giúp cải thiện đời sống người dân.

Cũng xác định khâu nhà ở là yêu cầu cơ bản, bức thiết của nông dân nghèo, ngay từ đầu năm 2009, huyện Hòa Vang đã tiến hành khảo sát, gặp mặt, trao đổi với các chủ hộ về khả năng tài chính gia đình, tình trạng đất ở, thời gian thuận lợi triển khai thi công trong năm, đồng thời loại khỏi danh sách những hộ không có đất ở ổn định hoặc nằm trong vùng quy hoạch chờ giải tỏa. Bằng khả năng nội tại, cùng với việc tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của doanh nghiệp trên địa bàn và các tổ chức phi chính phủ, Hòa Vang đã xóa 174 nhà tạm hộ nghèo, vượt kế hoạch năm 2009. Không riêng Hòa Vang, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo để tìm kiếm giải pháp là cách mà nhiều địa phương đang áp dụng. Tại Liên Chiểu, sau hàng loạt buổi đối thoại trực tiếp, lãnh đạo quận đã đưa ra chính sách hỗ trợ 15-20 kg lương thực cho mỗi hộ đặc biệt nghèo trong vòng 3-6 tháng, tặng học bổng cho con hộ nghèo với mức 600 nghìn đồng/năm; đồng thời mua phương tiện làm ăn trao tận tay người nghèo.

Cùng với lãnh đạo địa phương, các cấp hội, đoàn thể đã không đứng ngoài cuộc trong việc chung tay cải thiện đời sống người nghèo. Năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã huy động nhiều nguồn để hỗ trợ sinh kế cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Có nơi, công tác giảm nghèo được gắn liền với cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình, thông qua hình thức phụ nữ đơn thân có nhiều con muốn nhận sự hỗ trợ phải chứng minh đã áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa…

Từ “Không còn hộ đói” đến “Không còn hộ đặc biệt nghèo”

Từ những cách làm hay trên, mục tiêu “Không còn hộ đói” đã thay bằng “Không còn hộ đặc biệt nghèo” và được thông qua tại Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa VII vào tháng 7-2009. Thêm vào đó, Đà Nẵng có Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố” khiến hiệu quả công tác giảm nghèo càng được thể hiện rõ nét. Giai đoạn 1997-2000, Đà Nẵng đã đầu tư 87 tỷ đồng để tạo nguồn vốn vay, nâng cấp nhà ở cho hộ nghèo. Kết quả 2 năm xóa hết 850 hộ đói và giảm hộ nghèo xuống còn 1,65%. Giai đoạn 2001-2004, thành phố nâng mức chuẩn nghèo miền núi 80.000đ/người/tháng, nông thôn 100.000đ/người/tháng, thành thị 150.000đ/người/tháng; số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,66%. Sau 4 năm đầu tư gần 200 tỷ đồng, số hộ nghèo giảm còn 0,135%, về trước mục tiêu 1 năm.

Giai đoạn 2005-2008, thành phố tiếp tục công tác giảm nghèo với đề án mới, nâng mức chuẩn nghèo nông thôn lên 200.000đ/người/tháng, thành thị 300.000đ/người/tháng (cao hơn Trung ương 40.000 đồng), số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 15,19%. Thành phố đầu tư trên 350 tỷ đồng để giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,95%. Giai đoạn 2009-2015, thành phố ban hành đề án mới với mức chuẩn nghèo 400.000đ/người/tháng khu vực nông thôn, 500.000đ/người/tháng khu vực thành thị, số hộ nghèo chiếm 19,26%. Qua 1 năm, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo vượt 41,28% kế hoạch đề ra.

Hộ đói không còn, danh sách hộ đặc biệt nghèo đã được tập hợp. Và theo quyết tâm của thành phố, cuối năm nay, 90% số này được ra khỏi danh sách hộ đặc biệt nghèo.

Và vấn đề an sinh xã hội

Thời điểm vừa chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố  có  gần 92 nghìn đối tượng chính sách khác nhau. Chế độ phụ cấp cho người có công còn thấp, bình quân 126.000 đồng/tháng/người. Qua 13 năm, thành phố đã hỗ trợ về nhà ở cho đối tượng chính sách với kinh phí gần 200 tỷ đồng.

Ngoài những chế độ đã được Trung ương quy định trợ cấp cho người có công, thành phố ban hành nhiều đề án hỗ trợ như: thêm 150.000 đồng/người/tháng cho người có thu nhập thấp; thêm 300.000 đồng/người/tháng cho người có công mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên có mức thu nhập hằng tháng thấp hơn 1,6 triệu đồng.

Đặc biệt, khi Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, thành phố Đà Nẵng lại tiếp tục quan tâm hơn khi ban hành Quyết định trợ cấp xã hội, trong đó thể hiện nhiều ưu điểm với mức trợ cấp cao hơn (tăng 25%), đối tượng rộng hơn so với Nghị định của Chính phủ…

Những con số trên phần nào cho thấy, ở một nơi mà người nghèo được đặc biệt quan tâm, an sinh xã hội trở thành chủ đề chính trong năm, thì nơi ấy, người dân, nhất là người dân nghèo còn nhiều niềm tin về sự đổi thay trong cuộc sống.     

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.