.

Phụ nữ Việt Nam vươn lên làm tốt vai trò và thiên chức cao quý

.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đánh giá vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam qua Thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3-1952: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới ở nước ta đạt được những thành tựu to lớn. Cụ thể như, phụ nữ chiếm 49,4% lao động có việc làm trong số lao động tham gia hoạt động kinh tế; tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội xếp thứ 31 trên thế giới và dẫn đầu trong khối ASEAN có Nghị viện; chỉ số khoảng cách giới đứng vị trí 68 trong số 130 nước… Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh về xóa khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực Đông Nam Á.

Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và hơn 50% lực lượng lao động xã hội, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước trước đây và công cuộc đổi mới đất nước ngày nay. Với thiên chức làm vợ, làm mẹ, phụ nữ nước ta đã có những cống hiến xuất sắc trong việc nuôi dưỡng các thế hệ công dân của đất nước và chăm lo xây dựng các gia đình theo chuẩn mực: “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ còn nhiều hạn chế. Trong cơ chế thị trường, cùng với những tác động tích cực, đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Phụ nữ gặp không ít khó khăn khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm; tệ buôn bán phụ nữ, trẻ em; tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái vẫn còn diễn biến phức tạp…

Công tác vận động phụ nữ cũng còn những bất cập. Số phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chưa tương xứng sự đóng góp, năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ; ở một số lĩnh vực tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm… Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ chưa đầy đủ; tư tưởng trọng nam khinh nữ và định kiến về giới vẫn chưa khắc phục được nhiều. Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị ngày 27-4-2007 nêu rõ: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới…”.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Đảng về công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, tạo điều cho đội ngũ cán bộ nữ phát triển. Cần quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các phong trào thi đua của phụ nữ lan rộng, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người từng căn dặn “… Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên…”. Hiện nay Đảng, Chính phủ và phụ nữ Việt Nam đang tích cực thực hiện lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới, và đó cũng là “Một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng ta chúc toàn thể phụ nữ nước nhà, phát huy truyền thống vẻ vang, giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu vươn lên xứng đáng với tám chữ vàng cao quý mà Bác Hồ đã tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Tô Phương

;
.
.
.
.
.