.

Sự cộng hưởng của huyền thoại

Triết gia Mỹ Charles S. Peirce (TK XIX) nói rằng: Nếu có một ý tưởng tốt thì thành công đã có đến 70% rồi và, mọi vấn đề còn lại chỉ là sự nỗ lực và trách nhiệm…

Cùng hàng vạn người náo nức, tươi vui, hạnh phúc tràn trề, hướng đến cái đích của đợi chờ và xúc cảm chiều tối ngày 27-3-2010 - tôi cứ nghĩ mãi về câu nói đó của Peirce. Cái không may của tôi vì xuất phát quá muộn nên không thể sang bên kia sông Hàn hóa ra lại là điều may mắn tuyệt vời. Dòng người đã cuốn tôi đi đến đường Đống Đa lúc nào không rõ. Cuối cùng, tôi cùng mọi người dừng bước ở khoảng sân rộng nằm ngay chỗ đầu mối của đường Đống Đa - Trần Phú - Bạch Đằng.

Không khí lễ hội với đầy ắp niềm vui từ từng khóe mắt là điều bạn có thể cảm nhận được rõ ràng. Chỗ này là một nhóm chơi bài, chỗ kia là một bữa tiệc picnic nho nhỏ, nơi khác là một đám đông sinh viên ngồi quây quần xung quanh một gói đậu phụng và vài chai nước… Tôi chợt nghĩ rằng rất nhiều phóng viên chuyên nghiệp, nhiều nhà quan sát cứ mải miết đổ về các khán đài mà “bỏ quên” mất cái không khí lễ hội của nhân dân - của tất cả mọi con người bình dị ngay trên mảng sân - khoảng đường này, nơi chỉ cách điểm đặt những ống phóng pháo hoa có vài trăm mét...

Đất nước ta có hàng trăm lễ hội, festival nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng có không ít những lễ hội và festival đó đa số người dân chỉ nghe nói, chỉ biết sơ qua từ báo chí, truyền hình vì không đủ tiền để mua vé, vì giới hạn của không gian lễ hội không thể đủ chỗ cho nhiều người... Có hàng chục lý do để biện minh cho cái lẽ lễ hội phần nhiều chỉ dành cho số ít...

DIFC Đà Nẵng đã khắc phục được điều đó khi đem đến cho hàng vạn người một niềm vui chung, một hạnh phúc cộng đồng. Chứng kiến cảnh hàng vạn người mắt cùng hướng mắt, nụ cười đan xen nụ cười, niềm vui cộng hưởng, nhân đôi, nhân ba; mới thấy được DIFC có ý nghĩa và diệu tuyệt đến mức nào. Ý nghĩa trên càng được minh chứng rõ ràng hơn khi biết các nhà tổ chức - cụ thể là Công ty Tân Tấn Tài đã cho lắp đặt 150 chiếc loa cỡ lớn (mỗi chiếc 1.000W) trên hàng cây số ven hai bờ sông Hàn để người dân được chứng kiến, được “nghe” và hiểu pháo hoa hơn trên nền nhạc của các ý tưởng. Sự quan tâm sâu sắc và chu đáo như thế đối với mọi người dân quả là điều thật đáng trân trọng, thật đáng để chúng ta cùng nhau thức với pháo hoa. Trong một xã hội mà người dân luôn được quan tâm, luôn được tôn trọng thì sự đồng thuận hay phát triển sẽ là những lẽ tất nhiên.

DIFC 2010 là một kỳ đặc biệt. Không chỉ vì nó diễn ra trong một năm đầy ắp các ngày lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước, tính chất đặc biệt của DIFC 2010 ở chỗ: Quy mô hoành tráng hơn, lượng người xem – chiêm ngưỡng đông đảo hơn, thành phần tham gia độc đáo hơn. Có lẽ không quá lời nhiều lắm khi chúng ta được chứng kiến một “thế giới thu nhỏ” ở ngay trong lòng DIFC! Ban Tổ chức đã khéo sắp xếp để tất cả những ai đã từng đến với Đà Nẵng trong hàng trăm năm qua, đều có dịp hội tụ - gặp gỡ, chia sẻ trong không khí của đầm ấm, hòa bình, hiểu biết.

Những người Nhật đã góp công không ít trong việc hình thành nên Di sản Văn hóa Hội An từ đầu thế kỷ XVII. Những người Bồ Đà Nha và người Pháp đã từng đến bán đảo Sơn Trà năm 1858 và, những người Mỹ... Tất cả đều làm nên không ít những thăng trầm thì giờ đây người Đà Nẵng mở rộng vòng tay để chung vui trong cái lẽ an bình nhất của sự chân tình. “Thông điệp” của DIFC vì vậy giàu ý nghĩa lắm, mang tính biểu tượng và hy vọng nhiều lắm.

Những người Bồ Đào Nha đã mở đầu lễ hội pháo hoa bằng đẳng cấp khám phá và đầy xúc cảm bằng màu đỏ và màu xanh đặc trưng trên lá cờ của họ khi diễn đạt huyền thoại tiên - rồng. Thế nhưng, ta nhìn thấy cả những bụi tre, bó lúa trĩu bông bằng hoa và lửa vàng rực sáng. Người Nhật đem đến cả ngũ sắc, ngũ hành với mộc - hỏa - thổ - kim - thủy cùng cả những quầng hoa sakura, lá xanh sakura (Anh Đào hoang dã).

Tất nhiên, người Nhật bao giờ cũng chu đáo nên trên nền trời thấy rõ rất nhiều mặt trời đỏ và ánh sáng ban ngày chói sáng cả bầu trời giống như giấc mơ của Thái Dương Thần Nữ. Người Mỹ đem đến những tiết tấu mạnh mẽ của Rocks and Rolls và dường như muốn khuyến khích Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nữa. Người Pháp đã kết thúc lễ hội bằng những gam màu, những âm thanh lãng mạn. Họ muốn nói về những giấc mơ. Quả thật, chúng ta đang sống trong thời đại mà hiện thực và huyền thoại cứ đan xen vào nhau để tạo thành những giấc mơ ấn tượng đầy cảm xúc…

Ý tưởng và sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của sự chu đáo, sự quan tâm đến mọi người, sự hòa hợp và bao dung để hiện tại chỉ là những bông hoa cho ngày mai hạnh phúc là những điều mà hầu như ai cũng cảm nhận được từ DIFC. Xin cảm ơn tất cả những người đã làm nên những đêm Sông Hàn huyền thoại. Xin chúc cho Đà Nẵng ngày càng nở thật nhiều hoa!

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.