Sự hiện diện của lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên nóc Tòa Thị chính vào thời khắc lịch sử lúc 11 giờ 30 ngày 29-3-1975 đã khép lại một chặng đường bi thương và hào hùng của quân và dân thành phố, minh chứng cho một trang mới của lịch sử: Đà Nẵng giải phóng.
Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng lúc 11 giờ 30 phút ngày 29-3-1975. (Ảnh tư liệu) |
Phối hợp với các lực lượng của Quân khu 5 và Quảng Đà, lực lượng biệt động cánh Đông quận Nhất - do đồng chí Phạm Kiều Đa, quyền Quận đội trưởng quận Nhất trực tiếp chỉ huy - được giao nhiệm vụ đặc trách các mục tiêu then chốt trong thành phố như Tòa Thị chính, Quân đoàn 1 ngụy, Quân vụ thị trấn, Đài phát thanh (do các đồng chí Hoàng Xuân Mai, Hùynh Ngọc Châu, Hà Ngọc Liễn, Phạm Văn Bạn làm mũi trưởng), mỗi mũi có từ 17 - 20 chiến sĩ biệt động tinh nhuệ nhất. Riêng đơn vị Lê Độ, với trên 30 chiến sĩ về đứng mũi tại Hòa Xuân để tăng cường cho biệt động.
Tối ngày 25-3-1975, sau khi về nhận nhiệm vụ tại Điện Hòa, các đồng chí chỉ huy xác định đây sẽ là một cuộc đối đầu quyết liệt với kẻ thù, đương đầu với những tổn thất hy sinh rất lớn. Một chặng đường ngắn từ Điện Bàn về Hòa Lân (Hòa Quý) để chỉ huy tiền phương, các đồng chí chỉ huy phải dò từng chặng. Tại Hòa Phước, địch giăng quân khắp vùng với cố gắng chặn cửa ngõ vào thành phố. Cả hai bên ta và địch đều như thăm dò động thái của nhau. Phía Hòa Lân thì lính thủy quân lục chiến đóng như mắc cửi, kiểm tra mọi dấu hiệu nghi ngờ từ phía cách mạng. Tình hình vô cùng phức tạp, mãi đến tối 27-3, anh em mới về được Hòa Lân, một số cán bộ biệt động hoạt động bất hợp pháp từ Điện Hòa cũng đã ra được, cùng các mũi về Hòa Lân để chuẩn bị kiểm tra lần cuối. Toàn bộ lực lượng cánh Đông vẫn được bảo toàn.
Chiều 28-3, các mũi đã sẵn sàng. Thời điểm đó, qua giao liên, lực lượng biệt động nắm được tình hình địch trong thành phố đã hoang mang, rệu rã, lực lượng của chúng ta chuẩn bị tấn công.
Không đợi phát lệnh, ngay trong sáng 29-3, đồng chí Phạm Kiều Đa đã chủ động từ Hòa Lân về Hòa Xuân, cùng chiến sĩ biệt động Trần Phú, đồng chí Tịnh (Bí thư Hòa Cường) và Kiều Hoàng (cán bộ cơ sở) dùng 2 xe máy mạo hiểm tìm đường vào nội thành. Đến cầu Cẩm Lệ gặp địch không qua được, quay lại Hòa Châu lên đường cầu Đỏ, vẫn gặp địch. Không ngờ, mọi người vượt qua khá dễ dàng dù lính đứng đầy cầu Đỏ, dân đi qua, đi về rối tung. Tại Đò Xu, dày đặc lính thủy quân lục chiến. Chúng chưa cởi bỏ vũ khí. Mọi người phải tìm đường băng qua Chùa bà Quảng, xuống đường Trưng Nữ Vương, tìm cách đến được Tòa Thị chính vào lúc 9 giờ ngày 29-3.
Trái ngược với sự hỗn loạn bên ngoài, cả khu vực Tòa Thị chính yên ắng lạ thường. Phía trong, la liệt súng ống, các loại nước giải khát, và những ly sữa, những bình nước sôi còn ấm nóng. Y như thể, mọi nhịp sống trước đó vừa mới tan biến trong giây lát. Từ tầng 1 đến tầng 2, tầng 3, tất cả đều như thế. Vắng lặng như người ta đứng trước một cánh rừng vừa bị thiêu trụi, chỉ còn tàn tro đương cháy.
Mọi chuyện diễn ra vượt xa trí tưởng tượng của các chiến sĩ biệt động thành. Họ đã chuẩn bị sẵn tinh thần và vũ khí chiến đấu. Thế mà, ngay tại cơ quan đầu não của địch không tiếng súng, không sự kháng cự, không một trở ngại, không một sự ác liệt. Họ đi vào phòng làm việc của tên Thị trưởng, gỡ bỏ ảnh Nguyễn Văn Thiệu và cờ ba que.
Lúc đó, chưa có cờ để cắm lên nóc Tòa Thị chính, và việc nắm các mũi chưa hoàn thành. Đồng chí Phạm Kiều Đa tiếp tục vòng nhanh qua các điểm để nắm tình hình các mũi tấn công. Quân vụ thị trấn và Đài phát thanh đã chiếm xong mục tiêu, tình hình đã yên tĩnh. Mũi phối hợp tấn công vào khu vực Quân đoàn 1 và chốt Ngã tư Quân đoàn do Huỳnh Ngọc Châu chỉ huy đã chiếm lĩnh trận địa; chốt giữ ngã tư đánh chặn tàn quân ngụy chạy sang phía đông. Tại đây, đội biệt động của Nguyễn Văn Dự do đồng chí Trần Tiến chỉ huy đã nổ súng chặn đánh quyết liệt, một số tên bị tiêu diệt, số còn lại khiếp sợ quẳng súng, vứt mũ, cởi bỏ quân phục lẩn trốn trong dân. Ngã tư đầu cầu được ta chiếm giữ, cánh quân thủy quân lục chiến ngụy tan rã, tạo điều kiện cho các lực lượng khác đánh chiếm các mục tiêu quan trọng khác trong thành phố. Trong trận này, Nguyễn Văn Dự trở thành người chiến sĩ hy sinh cuối cùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng Đà Nẵng: 8 giờ 50 phút ngày 29-3-1975.
Khoảng 11 giờ, đồng chí Phạm Kiều Đa quay lại Tòa Thị chính. Vẫn nguyên hiện trạng ban đầu, toàn khu vực trống không. Chừng 30 phút sau, anh em biệt động mũi do Hoàng Xuân Mai phụ trách đã mang theo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam bước vào Tòa Thị chính. Đồng chí Phạm Kiều Đa chỉ huy việc treo cờ ở 3 vị trí: trên nóc Tòa Thị chính, trước hành lang và trước đường Bạch Đằng. Những chiến sĩ biệt động thành như Hoàng Xuân Mai, Nam, Đề, Hùng, Kiều Máy... tham gia treo cờ ở Tòa Thị chính vào giây phút thiêng liêng, trọng đại ấy mãi mãi khắc ghi niềm vinh dự, tự hào, được nâng trên tay lá cờ thiêng liêng thấm máu bao đồng bào, đồng chí miền Nam bước vào nơi mà ít giờ trước đó còn được xem là cơ quan đầu não của địch tại Đà Nẵng. Sự hiện diện của cờ Giải phóng trên nóc Tòa Thị chính vào thời khắc lịch sử ấy đã khép lại một chặng đường bi thương và hào hùng của quân và dân thành phố, minh chứng cho một trang mới của lịch sử: Đà Nẵng giải phóng.
Tối 29-3 trời mưa tầm tã. Và một điều thật kỳ diệu: Đêm ấy, thành phố vẫn sáng đèn. Sự vật vần xoay khiến ai cũng hình dung rằng, nhịp điệu cuộc sống thường ngày sẽ bị đảo lộn, phố phường Đà Nẵng sẽ phải tối đen như mực. Sáng ngày 30-3, Đài Phát thanh Giải phóng đã dành khoảng 15 phút để phát sóng lời tường thuật những giây phút đầu tiên các chiến sĩ biệt động đặt chân vào Tòa Thị chính đến với nhân dân cả nước.
Ngay sau ngày giải phóng, toàn bộ Tòa Thị chính do biệt động thành và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 96 bảo vệ. Những người dân thường cũng đã ngỡ ngàng bước vào Tòa Thị chính, trong đó có những bà mẹ lẳng lặng đem đồ ăn thức uống đến cho anh em mà không ai hỏi đến tiền nong. Công việc cứ cuốn đi bề bộn, không ai kịp nghỉ ngơi, không ai kịp hỏi những bà mẹ tên gì và nay cũng không ai biết ai còn ai mất? Họ cũng thầm lặng như sự hy sinh, sự chung tay góp sức “như cây tự quên mình trong quả” của bao người con đã sống, chiến đấu vì Tổ quốc thân thương.
Hà Vỹ
(Ghi theo lời kể của đồng chí Phạm Kiều Đa)