.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29-3-1975 – 29-3-2010)

Chiến dịch Phước Lâm-Tiên Phước

.

LTS: Chiến dịch Phước Lâm-Tiên Phước (ngày 10-3-1975) là bước đột phá, tạo thời cơ giải phóng thị xã Tam Kỳ ngày 24-3-1975 và giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ đội tiến vào giải phóng Tam Kỳ (24-3-1975).  (Ảnh tư liệu) 

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2010), Báo Đà Nẵng trân trọng giới thiệu bài viết “Chiến dịch Phước Lâm-Tiên Phước” của đồng chí HOÀNG MINH THẮNG, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, về những ngày tháng 3 lịch sử cách đây 35 năm.

Chiến dịch thu năm 1974, Tỉnh ủy Quảng Nam sử dụng lực lượng địa phương kết hợp với Sư đoàn 2-Quân khu 5 mở ra một mảng lớn ở Nông Sơn-Trung Phước, giải phóng giành 20.000 dân, mở rộng vùng giải phóng nối liền tây Quế Sơn-Thăng Bình, Tam Kỳ thành vùng giải phóng liên hoàn. Do chưa đánh giá hết sự suy yếu của địch nên Tỉnh ủy quyết định đưa 12.000 dân lên vùng giải phóng Hiệp Đức, vì sợ mất dân vì lúc này có được một người dân vùng giải phóng quý như vàng. Chiến trường Quảng Đà cũng giải phóng Chi khu Quận lỵ Thượng Đức, nơi án ngữ trực tiếp phía tây Đà Nẵng, là căn cứ lớn thứ hai của ngụy quân, ngụy quyền. Từ thực trạng đó, cơ quan chiến lược đã rút ra kết luận: quân chủ lực của ta có thể đánh bại được quân chủ lực ngụy, bằng lực lượng tổng hợp của 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh địch vận.

Phong trào đấu tranh chính trị phát triển nhiều hình thức phong phú: đấu tranh đòi cứu đói, chống dồn dân, đòi bồi thường nhân mạng bị quân ngụy giết hại; chống càn quét, xáp vào lính ngụy đấu tranh ngăn không cho chúng tiếp viện, 800 lượt người đấu tranh đòi xác chồng con, 2.500 lượt người cùng lực lượng vũ trang bao vây bức hàng các chốt điểm của quân ngụy; hàng nghìn đồng bào Bình Lâm, Bình Lãnh tuyệt thực ở khu dồn dân Tứ Hiệp buộc địch phải cho về quê cũ làm ăn; ngày lễ Phật đản 600 đồng bào thị xã Tam Kỳ tập trung nghe thuyết pháp nhằm chống chiến tranh của Mỹ-ngụy. Sáu tháng đầu năm 1974 ta đã phát vào hàng ngũ địch 600.000 truyền đơn kêu gọi 500 binh sĩ ngụy về với cách mạng.

Đối với phong trào chiến tranh du kích, 6 tháng đầu năm 1974 ta xây dựng các xã chiến đấu nối liền từ Kỳ Phước, Kỳ An, Kỳ Mỹ dài 10km nối Kỳ Chánh, Kỳ Phú ra Bình Định, Bình Phú, Thăng Bình thành vùng giải phóng; mở thêm vùng Núi Vú, cắt từng đoạn đường Tam Kỳ-Tiên Phước.

Giữa năm 1974, anh Năm Công (Võ Chí Công) đi Hà Nội họp Bộ Chính trị để bàn về chủ trương giải phóng miền Nam, anh cho 4 Bí thư Tỉnh ủy đồng bằng: đồng chí Trần Thận, Bí thư Quảng Đà; đồng chí Lê Tấn Tỏa, Bí thư Quảng Ngãi; đồng chí Nguyễn Trung Tín, Bí thư Bình Định và tôi Hoàng Minh Thắng, Bí thư Quảng Nam cùng đi.

Cuộc họp Bộ Chính trị khai mạc vào ngày 18-12-1974. Đi họp Bộ Chính trị mở rộng, tối nào về anh Năm Công và anh Hai Mạnh (Chu Huy Mân) cũng đều phổ biến, trao đổi với chúng tôi, để suy nghĩ về phương án tấn công và nổi dậy của tỉnh mình.

- Vấn đề gay cấn và tốn nhiều thời gian nhất là ta đánh bại quân ngụy Sài Gòn thì Mỹ có đưa quân trở lại Việt Nam hay không? Vấn đề này được thảo luận rất sôi nổi, nhất là ý kiến các đồng chí chủ chốt của Đảng ta. Anh Phạm Văn Đồng nhận định nước Mỹ còn gặp nhiều bê bối, chưa dám nhúng tay vào Việt Nam lâu nữa, cho kẹo Mỹ cũng không trở lại. Nhiều đồng chí phát biểu sôi nổi, anh Nguyễn Duy Trinh tán thành ý kiến anh Phạm Văn Đồng.

Sau những ngày thảo luận, anh Lê Duẩn kết luận: Đề nghị Bộ Chính trị ra Nghị quyết phương án tấn công, nổi dậy giải phóng miền Nam trong 2 năm: năm 1975 tấn công, nổi dậy vùng nông thôn đồng bằng, cắt đứt giao thông địch, bao vây cô lập thành phố, nhất là 2 thành phố lớn Sài Gòn, Đà Nẵng; năm 1976 tấn công, nổi dậy giải phóng các thành phố còn lại, nhất là Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Căn cứ vào nhận định, đánh giá địch tại 2 cuộc họp của Bộ Chính trị, anh Ba Duẩn nhấn mạnh: Thời cơ lịch sử do ta tạo ra, tấn công nổi dậy trong 2 năm 1975-1976, nhưng khi thời cơ đến thì lập tức chớp thời cơ giải phóng miền Nam trong năm 1975.

- Điểm đột phá chiến dịch mở màn đánh vào đâu? Nhiều ý kiến cho rằng sẽ đánh vào Tây Nguyên, gây tranh luận là Nam hay Bắc Tây Nguyên, lại có nhiều ý kiến nên đánh vào Pleiku vì nơi đây đang có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, duy có một thực tế trở ngại là trên đường 14 còn cứ điểm Đak-Pết do một tiểu đoàn Bảo an chốt giữ.

Anh Chu Huy Mân có ý kiến đề nghị Quân khu 5 bao vây, dùng cao xạ bắn máy bay, không cho địch tiếp tế, buộc địch phải rút bỏ. Thực hiện phương án trên, thực tế giữa tháng 2 địch rút chạy bỏ Đak-Pết. Có ý kiến đề nghị, điểm yếu của địch là ở Đông Nam Bộ, sát nách Sài Gòn cũng được đưa ra bàn thảo. Tôi được biết ý kiến anh Năm Công và anh Hai Mạnh vẫn kiên trì đề nghị đột phá vào Nam Tây Nguyên, cụ thể là Ban Mê Thuột mà nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị đề nghị, nên phương án này đã được nhất trí cao.

- Một vấn đề còn nhiều ý kiến phải tính kỹ là có một triệu quân ngụy mà cơ số đạn của ta còn rất ít, nhất là đạn pháo? Đồng chí Lê Duẩn phân tích có cơ sở thực tế trên chiến trường, ta cần tiêu diệt một số đơn vị chủ lực quan trọng, từng sư đoàn quân ngụy, kết hợp với tấn công chính trị, binh vận của nhân dân làm cho địch tan rã tại chỗ, giải phóng từng vùng rộng lớn, bao gồm các căn cứ hậu cần của địch, vừa triệt tiêu sức chiến đấu của địch, vừa thu đạn dược tăng cường sức chiến đấu của ta. Với phương châm ấy, chúng ta có đủ điều kiện thế và lực giành thắng lợi cuối cùng.

Thực tế ở chiến trường Tam Kỳ và Đà Nẵng đã diễn ra đúng như vậy, khi ta diệt gọn từng sư đoàn chủ lực ngụy, lực lượng địch co cụm về Đà Nẵng 100.000 tên, nhân dân đã nổi dậy đấu tranh, hù dọa làm tan rã tại chỗ.

Trên đường đi về Quân khu, anh Năm Công và anh Hai Mạnh gọi tôi và anh Lê Tấn Tỏa giao nhiệm vụ. Sau khi giải phóng 2 thị xã Tam Kỳ-Quảng Ngãi, hai anh giữ đoạn đường 120km trong một năm, để ta có điều kiện giải phóng Đà Nẵng, toàn khu 5. Tôi nhận nhiệm vụ này, tâm trạng vừa mừng vừa lo, lo là thực hiện được nhiệm vụ này không dễ dàng, nhưng những điều đã tiếp thu được sau Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng càng làm tôi tin chắc rằng thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ đang đến gần…

Trung ương cấp cho một xe U-oát đít tròn, tôi và đồng chí Nguyễn Chính – Chánh Văn phòng chở đầy súng đạn, chạy suốt ngày đêm trở lại chiến trường, đầu tháng 2-1975 thì về đến cơ quan Tỉnh ủy đóng ở thôn 1 Phước Sơn. Về đến nơi, nghe Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo lại, phương án cơ bản được thông qua rồi: chủ lực Quân khu đánh chiếm 2 chi khu quận lỵ Phước Lâm-Tiên Phước, 3 tiểu đoàn bộ binh, hỏa lực của tỉnh đánh địch ở phía Tây Tỉnh đường Quảng Tín.

(Còn nữa)

HOÀNG MINH THẮNG

;
.
.
.
.
.