(Tiếp theo và hết)
Ngày 20 tháng 2 năm 1975, tôi đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập họp Tỉnh ủy để thảo luận bố trí lại lực lượng của tỉnh. Trong cuộc họp đó, tôi báo cáo rõ ý đồ của Trung ương, Khu ủy, Quân khu đưa 3 tiểu đoàn bộ binh và hỏa lực của tỉnh xuống vùng đông Thăng Bình, có thời cơ là đánh thẳng vào đông Tam Kỳ, đánh trận địa pháo, cắt đứt cầu Kỳ Phú, không cho địch thoát ra biển; phối hợp với chủ lực Quân khu giải phóng thị xã Tam Kỳ.
Phân đội ĐKZ E31 chi viện, góp phần giải phóng Tiên Phước- Phước Lâm (10-3-1975). (Ảnh tư liệu) |
Trong cuộc họp này, Tỉnh ủy thảo luận, đấu tranh gay gắt rồi đi đến thống nhất. Tỉnh ủy phân công đi chỉ huy, chỉ đạo các hướng. Lập bộ phận tiền phương do Bí thư Tỉnh ủy cùng đồng chí Nguyễn Thành – Thường vụ Tỉnh ủy; Lê Hải Lý – quyền Tỉnh đội trưởng; Hồ Đắc Liễn – Chính trị viên Tỉnh đội; Trần Anh Vũ – Chính trị viên phó Tỉnh đội; Vũ Thành Năm – Tham mưu trưởng Tỉnh đội; Phan Thanh Toán – Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vùng đông.
Đồng chí Vũ Văn Đoàn – Phó Bí thư và một bộ phận cán bộ mạnh đi cùng Sư đoàn 2 giải phóng Tiên Phước-Phước Lâm, phát động quần chúng lập chính quyền, làm công tác binh địch vận, giải quyết các chính sách cụ thể sau khi được giải phóng.
Đồng chí Đỗ Thế Chấp – Phó Bí thư trực ở hậu cứ lo hậu cần cho lực lượng phía trước, giải quyết mọi công việc thường xuyên và đột xuất.
Trong chiến dịch Xuân 1975, ta chủ trương đánh cắt đứt một khâu trong dãy phòng ngự của ngụy, mục tiêu được chọn là hướng Tiên Phước, Phước Lâm, cách hướng tây Tam Kỳ 20km, vùng trung du này xen kẽ làng mạc với đồi núi, sông suối. Trong thế phòng ngự hiện tại là cụm chốt tiền tiêu trong vành đai phòng thủ của địch; nếu ta chiếm Tiên Phước, Phước Lâm, thị xã Tam Kỳ thì tuyến đường số 1 của ngụy sẽ bị uy hiếp trực tiếp.
Lực lượng địch ở đây gồm có khoảng 3.000 tên, 6 tiểu đoàn bảo an, 2 đại đội biệt lập, 41 trung đội dân vệ, nghĩa quân, 2 pháo đội (10 khẩu 105 và 155mm), toàn cụm phòng thủ có 77 cứ điểm chia làm 3 khu: Chi khu quận lỵ Tiên Phước, Chi khu quận lỵ Phước Lâm, dãy điểm cao Suối Đá, còn có 33 ấp chiến lược, 10 khu dồn dân. Tiên Phước là khu then chốt, mất Tiên Phước, các khu phòng thủ khác khó giữ vững. Khu Suối Đá nối liền núi Dãy Thám, Dương Huê, Dương Bàn Quân nối liền Tam Kỳ - Tiên Phước. Ta chiếm được Suối Đá như cài được cái then, khóa chặt lực lượng địch để tiêu diệt.
Hợp đồng với chiến dịch Trung ương ở Buôn Mê Thuột, Sư đoàn 2 bộ binh, Lữ đoàn 52 Quân khu 5; đoàn cán bộ của tỉnh, lực lượng địa phương Tiên Phước được lệnh tấn công, nổi dậy giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, nhiệm vụ cụ thể được phân công như sau:
- Trung đoàn 31 và 38 có nhiệm vụ tiêu diệt chi khu quận lỵ Tiên Phước.
- Lữ đoàn 52 tiêu diệt cụm địch Suối Đá.
- Trung đoàn 36 tiêu diệt cứ điểm Hàn Thôn, bao vây bức hàng Chi khu quận lỵ Phước Lâm, Trung đoàn 1 (Ba Gia) dự bị.
- Trung đoàn pháo 572 chi viện hỏa lực cho Lữ đoàn 52. Trung đoàn pháo 368 chi viện cho Trung đoàn 31 và 38. Trung đoàn cao xạ 573 của Quân khu bảo đảm đội hình cho đơn vị chiến đấu Tiên Phước, Suối Đá.
Đêm 8 tháng 3, các đơn vị của ta tiến vào vị trí tập kết an toàn. Ở Sở chỉ huy tiền phương của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, chúng tôi – những người lăn lộn ở vùng đất này hồi hộp theo dõi. Chín giờ sáng ngày 9 tháng 3 có tin Liên đoàn 12 Biệt động ngụy, từ căn cứ Phú Lộc đang hành quân vào Tuần Dưỡng, địch phát hiện được điều gì chăng? Tại sao tiểu khu Quảng Tín không báo động? Nhưng đến lúc này địch làm gì cũng đã chậm rồi.
4 giờ 30 phút ngày 10 tháng 3, phối hợp với Buôn Mê Thuột, từ chân đồi Dương Côn, nơi đóng sở chỉ huy Sư đoàn 2, hai phát pháo hiệu xanh, đỏ vút lên bầu trời báo hiệu giờ G đã điểm, trận tấn công giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm bắt đầu.
Đến 16 giờ cùng ngày, quân ta đã hoàn toàn làm chủ các mục tiêu trong phương án, đánh tan rã toàn bộ các đơn vị địch, nhưng chưa diệt gọn được đơn vị nào; nhiệm vụ diệt quân đồn trú đã được thực hiện, chiến sự diễn ra chỉ bằng 1/3 thời gian dự kiến ban đầu.
Bị một đòn choáng váng, theo lệnh của Ngô Quang Tưởng, điều Sư đoàn 2 ngụy từ Quảng Ngãi ra Tam Kỳ, chuẩn bị cho cuộc hành quân giải tỏa; ngày 11 tháng 3, Liên đoàn biệt động 12, cùng tiểu đoàn bảo an, chi đoàn xe bọc thép từ Tuần Dưỡng lên Cẩm Khê. Cùng ngày, Trung đoàn 5 và Trung đoàn 2 ngụy từ Quảng Ngãi ra cùng 2 tiểu đoàn bảo an có xe thiết giáp chi viện đánh lên Dương Leo – Dãy Thám.
Ngô Quang Tưởng ra lệnh điều tiếp Trung đoàn 4 Sư đoàn 2 ngụy từ Quảng ngãi ra, Trung đoàn 2 Sư đoàn 3 ngụy từ Quảng Đà vào để tăng cường lực lượng phản kích. Hành động này của địch đã tạo điều kiện cho lực lượng 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Đà, Quảng Nam nổ súng tấn công, nổi dậy diệt các mục tiêu đã định trong phương án chiến dịch đã đề ra. Trong hai ngày 13-14 tháng 3, quân dân Quảng Nam tiêu diệt và bức rút 11 chốt điểm ở 3 xã phía tây Thăng Bình, mở đường để đưa 3 tiểu đoàn bộ binh và hỏa lực xuống vùng đông.
Trên hướng Tiên Phước, Phước Lâm, sau 7 ngày đêm chiến đấu tấn công và nổi dậy, ta đã làm chủ một khu vực rộng lớn, giải phóng 2 quận lỵ 2 chi khu rộng hơn 200km2, giải phóng 21.000 dân, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên ngụy. Bằng chính sách binh địch vận, đoàn công tác của tỉnh cùng cán bộ huyện đi từng nhà có con em đi lính ngụy, tuyên truyền giải thích cụ thể chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, kêu gọi con em về với gia đình.
Lúc đầu họ ngần ngại, sau đó một số anh em lính ngụy về ta giải thích chính sách, gia đình bảo lãnh, nên hầu hết 2.000 lính ngụy trở về với gia đình; có nhà làm thịt heo ăn mừng, hoan hô chính sách khoan hồng của Mặt trận. Trong lúc này, 12.000 dân huyện Tiên Phước ta giải phóng hồi tháng 9-1972, vì sợ mất dân nên di dời qua Phước Lộc cũng trở về. Lúc này huyện Tiên Phước có thêm dân cư đông vui, rất phấn khởi. Cùng với hàng nghìn dân công Trà My, Phước Sơn cùng Trung đoàn 803 công binh làm đường xuống tận Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà, Bình Phú, góp 60.000 ngày công vận tải vũ khí, lương thực tiếp tế cho bộ đội. Trên sông Khang, ghe thuyền của nhân dân được huy động, tấp nập chở súng đạn tham gia chiến dịch.
Đêm 23-3-1975, các đơn vị tham chiến trên chiến trường Phước Lâm – Tiên Phước được lệnh phản công địch, tiêu diệt Sư đoàn 2, 2 lữ đoàn biệt động ngụy, giải phóng thị xã Tam Kỳ. Cùng đêm đó, tôi và Sở chỉ huy tiền phương, được lệnh của Quân khu để bộ đội địa phương huyện phát động quần chúng, du kích giữ vùng giải phóng đông Thăng Bình, sử dụng 2 tiểu đoàn 70 + 72 đánh vượt qua Bình Nam – Kỳ Anh – Kỳ Phú (nơi chưa giải phóng) đánh vào diệt trận địa pháo Núi Cấm, đánh sập cầu Kỳ Phú, bao vây phía đông, quyết chặn không cho địch ở thị xã Tam Kỳ tháo chạy ra biển.
Sau 2 giờ rưỡi chiến đấu quyết liệt trên hướng tiến công chủ yếu, quân ta đánh diệt Trung đoàn 4 Sư đoàn 2 ngụy, làm chủ khu vực ngã ba Trường Xuân, sân bay Kỳ Bích. Trên hướng tấn công quan trọng, quân ta đánh chiếm Cẩm Khê, Cốc Rạng, Liên đoàn 12 biệt động bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy về Quán Rườn.
Tuyến phòng ngự lâm thời phía tây Tam Kỳ của địch bị phá vỡ, bọn sĩ quan, binh lính hoang mang, sở chỉ huy Sư đoàn 2, Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Liên đoàn biệt động 12 bị diệt và tháo chạy. Bọn địch ở tiểu khu Quảng Tín đốt tài liệu chuẩn bị tháo chạy, trận địa pháo địch ở Chu Lai kêu hết đạn.
Thừa thắng, quân ta từ 3 hướng: Đông, tây, nam có xe tăng dẫn đầu ồ ạt tấn công vào thị xã Tam Kỳ - một số bị tiêu diệt, số còn lại cùng Đào Mộng Xuân – tỉnh trưởng ở trần tháo chạy. Sở chỉ huy tiền phương tỉnh Quảng Nam điều 2 tiểu đoàn chặn địch ở Ngọc Phô diệt được 3 xe, bọn địch còn lại tháo chạy ra Đà Nẵng. 10 giờ 30 phút ngày 24 tháng 3 năm 1975, thị xã Tam Kỳ được giải phóng; ngày 27-3-1975 toàn tỉnh Quảng Nam được hoàn toàn giải phóng.
Có được thắng lợi to lớn đó, điều đáng ghi lại trong lịch sử tỉnh nhà chính là do Tỉnh ủy lúc bấy giờ có sự chọn hướng đúng đắn, đột phá mở màn cho chiến dịch đánh địch giải phóng Phước Lâm – Tiên Phước có ý nghĩa quan trọng góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.
Ngày 10 tháng 11 năm 2009
HOÀNG MINH THẮNG