.

Trưởng thành tuổi 35

.

35 năm sau ngày đất nước thống nhất, thành phố Đà Nẵng đã có sự phát triển bứt phá trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trong sự phát triển của thành phố, có đóng góp của tuổi trẻ Đà Nẵng, trong đó có thế hệ những người sinh năm 1975. Chào đời trong thời điểm lịch sử, lớp trẻ ngày ấy bây giờ đã trưởng thành, đang có mặt trên nhiều lĩnh vực công tác, lao động, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Nhân dịp 35 năm Ngày giải phóng thành phố, Báo Đà Nẵng giới thiệu một số gương mặt trong lớp trẻ đó cùng những suy nghĩ của họ về trách nhiệm đối với quê hương, đất nước...

* Nguyễn Hoài Nam, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, Chủ tịch Hội LHTN thành phố

Được sinh ra vào thời điểm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, bản thân những người trẻ như chúng tôi luôn tự hào và biết ơn sâu sắc thế hệ cha anh đi trước. Sự hy sinh của họ chính là động lực, nền tảng vững chắc cho tuổi trẻ chúng tôi tự tin vững bước để xung kích, tình nguyện trong cuộc sống và năng động, sáng tạo trong hội nhập. So với trước đây, hoạt động Đoàn-Hội-Đội bây giờ có nhiều thuận lợi hơn. Trên tinh thần kế thừa truyền thống tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng đã được thế hệ cha anh đi trước nêu gương, hoạt động Đoàn-Hội-Đội của thành phố đang chuyển biến theo hướng tập trung vào các thế mạnh của thế hệ trẻ: nâng cao chất lượng trong học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo và tham gia phát triển kinh tế-xã hội.

Với trách nhiệm của “người anh cả” trong phong trào thanh-thiếu nhi thành phố, Ban Chấp hành Thành Đoàn Đà Nẵng xác định, công tác giáo dục tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống cho thanh-thiếu nhi thành phố trong giai đoạn hiện nay là hướng đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của thanh-thiếu nhi về phương châm sống “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

KHÁNH HÒA (lược ghi)

* Lê Văn Nghĩa, Phó phòng Giáo dục-Đào tạo quận Liên Chiểu

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành Nhạc-Đoàn đội, thầy Lê Văn Nghĩa được phân công làm chuyên viên Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Liên Chiểu. Năm 2000, thầy được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng và năm 2001, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, khi ấy vừa tròn 28 tuổi. Ở độ tuổi này, thầy Lê Văn Nghĩa là Hiệu trưởng trẻ nhất so với các Hiệu trưởng của các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Với cương vị lãnh đạo một ngôi trường nằm ở vùng ven, khó khăn nhiều mặt về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên..., thầy Nghĩa luôn trăn trở tìm mọi cách xây dựng, phát triển trường lớn mạnh. Qua một thời gian nỗ lực phấn đấu của Ban giám hiệu nhà trường, đến năm học 2001-2002, Trường tiểu học Trần Bình Trọng được công nhận “Trường đạt chuẩn quốc gia mức 1”. Chất lượng giáo dục nhà trường tăng dần hằng năm. Đến năm học 2007-2008, Trường tiểu học Trần Bình Trọng trở thành một trong hai trường tiểu học đầu tiên của thành phố được công nhận “Trường đạt chuẩn quốc gia mức 2”. 

 Năm 2009, thầy Lê Văn Nghĩa được bổ nhiệm làm Phó phòng Giáo dục-Đào tạo quận Liên Chiểu. Qua 14 năm công tác trong ngành Giáo dục-đào tạo quận Liên Chiểu, thầy Nghĩa đã có 13 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó, năm 2008 được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp thành phố.

Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng, thầy Lê Văn Nghĩa được UBND thành phố tặng danh hiệu thanh niên tiêu biểu xuất sắc. Đặc biệt, tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2009, thầy Lê Văn Nghĩa đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục (trước thời hạn 6 năm). Ngoài ra, thầy còn được tặng nhiều Bằng khen và giấy khen của các cấp.

NGỌC ĐOAN

* Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Phó trưởng khoa Nội thần kinh-cơ xương khớp, huyết học Bệnh viện Đà Nẵng

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh thăm khám cho bệnh nhân. 

Ở Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh là một trong những người có nhiều thành tích, được phát triển Đảng ngay tại đơn vị công tác. Sinh sau ngày đất nước giải phóng (10-12-1975), cậu học trò Đại Vĩnh nuôi ước mơ trở thành một bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho những người dân quê anh - xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vốn còn nghèo khó.

Tốt nghiệp Đại học Y-Dược Huế, bác sĩ Vĩnh về Bệnh viện Đà Nẵng công tác theo chính sách thu hút nhân lực có trình độ của thành phố. Những năm vào nghề, anh đã thể hiện là người hăng say với công việc. Mặc dù bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, Khoa lại ít bác sĩ, nhưng vượt lên khó khăn đó, anh chịu khó tìm tòi nghiên cứu những tiến bộ mới trong y học để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Sau khi lấy bằng Thạc sĩ chuyên khoa về xương khớp tại Hà Nội, anh được bổ nhiệm vị trí Phó Trưởng khoa Nội thần kinh-cơ xương khớp, huyết học của Bệnh viện Đà Nẵng - một trong những khoa có lượng bệnh nhân nhiều, do vậy anh luôn xác định phải phấn đấu, nỗ lực trong chuyên môn. “Tôi đi nhiều nơi, nhưng về lại thành phố tôi thấy mình là người Đà Nẵng, được thành phố tạo mọi điều kiện để làm việc, nên bản thân phải phấn đấu góp phần cho sự phát triển của thành phố”, bác sĩ Đại Vĩnh chia sẻ.

V.DŨNG

* Đại úy Phan Văn Thương, Đội phó Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng

Sinh năm 1975, được sống và học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, Thương có điều kiện học tập và cống hiến. Với ước mơ trở thành người cảnh sát nhân dân, anh quyết định chọn học Trường Đại học Cảnh sát. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát, anh về nhận nhiệm vụ tại Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng, ở bộ phận tuyên truyền, xử lý.

Năm 2002, anh được điều động về Đội Tham mưu tổng hợp. Phát huy được năng lực và sở trường của mình, anh đã tham mưu cho lãnh đạo phòng nhiều biện pháp, giải pháp liên quan đến vấn đề giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Anh cho biết: Muốn kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, đòi hỏi người tham mưu phải chủ động và linh hoạt, có những giải pháp, biện pháp sáng tạo, mới mẻ. Do đó, cần phải học tập, nghiên cứu tìm tòi để có những đề xuất hay, giải pháp tốt cho lãnh đạo.

35 tuổi, với 2 bằng đại học, 1 bằng cao cấp lý luận chính trị và đang học cao học. Với những kiến thức đó, nhiều năm qua, Phan Văn Thương đã cùng Đội Tham mưu tổng hợp giúp lãnh đạo phòng tham mưu cho Ban Giám đốc Công an  thành phố triển khai các  kế hoạch của Bộ Công an, Ban An toàn giao thông, Tổng cục Cảnh sát và chỉ đạo Công an các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, anh cùng đơn vị trực tiếp đề xuất các ngành chức năng về sửa đổi những bất cập trong vấn đề giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông; chủ động tham mưu đề xuất những giải pháp tốt ngay cả khi chưa có sự chỉ đạo của cấp trên.

Ước mơ của anh là tiếp tục học tập, cống hiến, đồng thời không ngừng tìm tòi, suy nghĩ để tìm ra những giải pháp tốt nhất, phục vụ cho công tác an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.