.
Ý kiến

Cần quan tâm, hỗ trợ người gác đường ngang không chuyên

.

Báo Đà Nẵng số ra ngày 10-2 có đăng bài: “Những người gác đường ngang không chuyên”, trong đó nêu những nỗi niềm của những người làm nghề này về điều kiện làm việc quá thiếu thốn, khắc nghiệt, mà tiền “lương” chỉ là 25 ngàn đồng/ngày; thanh gác “barie” chỉ là ngọn tre yếu xìu và tình trạng thường xuyên bị người qua đường xem thường, nhiều lần mở “barie” để đi qua dù đoàn tàu sắp chạy đến…

Đường ngang dân sinh tại tổ 13, phường Hòa Thọ Tây có nhiều người, xe qua lại và thường xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. 

Ông Nguyễn Văn Ca – người gác đường ngang dân sinh tại km 778+760, thuộc tổ 43, phường Hòa Hiệp Nam cho biết: “Sau khi báo đăng, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, UBND quận Liên Chiểu, Sở Giao thông-Vận tải và Ga Kim Liên đã hỗ trợ tổng cộng 1,2 triệu đồng/người để ăn Tết. Cũng từ số tiền này, tôi đã mua một cây tre chắc chắn và sơn lại để làm thanh “barie”, Tết này bảo đảm an toàn cho người, xe qua lại đường ngang dân sinh này”.

Nhưng cũng thật đáng tiếc, vào lúc 7 giờ sáng ngày 21-2, tại đường ngang dân sinh ở km799+210, thuộc tổ 13, phường Hòa Thọ Tây, ông N.X.P (51 tuổi, hành nghề xe ôm) điều khiển xe máy chở theo hai mẹ con chị N.T.H (36 tuổi, trú tại Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam) tuy đã nhìn thấy người gác đường ngang đang hạ thanh “barie” xuống nhưng vẫn băng qua đường ngang đương lúc một đoàn tàu lao tới. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra khiến ông N.X.P đã chết trước khi vào viện, chị N.T.H và con nhỏ khoảng 8 tuổi bị thương nặng.

Ngoài nguyên nhân do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông quá kém, còn do ngày 21-2 tàu chạy quá nhiều, vào ban ngày cứ 20 phút là có một chuyến tàu chạy qua. Trong khi người gác đường ngang không được cung cấp thông tin về giờ tàu chạy qua, phải luôn quan sát bằng mắt thường và đôi tai, mà khu vực này có độ ồn rất cao từ xe cộ lưu thông ở quốc lộ 1A kế bên, tàu thì chạy với tốc độ lớn, nên thời điểm hạ thanh “barie” xuống thì đoàn tàu cũng đã chạy gần đến nơi. Sau vụ tai nạn, ông Lê Đức Hề - người gác đường ngang lúc xảy ra tai nạn đã viết đơn xin thôi không làm nữa.

Còn ông Ngô Lực thì cho biết: “Tôi làm hết tháng ni cũng xin nghỉ thôi. Vì mình là không chuyên nên khá nhiều người đi đường xem thường cảnh giới, còn chửi lại mình; một chốt gác để trú mưa cũng không có, không có các phương tiện hỗ trợ khác, thậm chí giờ giấc tàu chạy qua cũng không biết được, đành phải ngồi cảnh giới ở đây cả ngày; trong khi đó tiền “lương” chỉ 25 ngàn đồng/ngày…”.
Qua đây, chúng tôi đề nghị Sở Giao thông - Vận tải, UBND các quận và phường, ngành đường sắt cần quan tâm, hỗ trợ thêm phương tiện làm việc và tiền “lương” cho những người gác đường ngang không chuyên; người dân cần có ý thức chấp hành cảnh giới của họ, bảo đảm an toàn khi mỗi chuyến tàu chạy qua.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.