.

15 năm chống chọi di chứng chất độc da cam

.

Mang trong mình di chứng chất độc da cam, cô sinh viên năm thứ hai ngành Sư phạm này nói rằng tuy thời gian còn lại không nhiều nhưng luôn muốn mình sống có ích.

Di chứng

Phan Thị Thu Hiền trong một tiết học tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. 

Năm Phan Thị Thu Hiền 12 tuổi, các xương tay bắt đầu teo lại, da lốm đốm đen. Đây là di chứng của chất độc da cam từ ông Phan Đức Thuận - bố của Hiền - từng công tác thời hậu chiến ở Bình Trị Thiên. Rồi các ngón tay không thẳng ra được nữa, bà Nguyễn Thị Hải Sâm - mẹ của Hiền - cứ nắm lấy bàn tay cong queo của con gái mà khóc. Bà tằn tiện, vay mượn khắp nơi để đưa Hiền ra Hà Nội chạy chữa.

Tuổi thơ của Hiền là những tháng ngày không ngọt ngào bởi từ 9 tháng tuổi đã thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố. Bố mẹ ly hôn, bố chuyển công tác, ra quân rồi vào Nam sinh sống, mất hẳn liên lạc với gia đình. Thêm vào đó là sự mặc cảm vì hình dáng xấu xí, cùng nỗi đau và nước mắt của mẹ đã làm vỡ vụn những ước mơ trong trẻo. Hiền nghĩ, giờ đây mình cầm bút còn khó khăn, nói gì đến chuyện tiếp tục đi học và ước mơ. Chị gái của Hiền động viên rằng chỉ có học là con đường duy nhất để hai chị em thoát khỏi cuộc sống nghèo khó ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Thế là Hiền kẹp bút vào hai ngón tay cái và trỏ rồi tập viết. Do cử động nhiều nên các ngón tay ngắn ngủn đau buốt.

Trúng tuyển vào ĐH Đà Lạt và Trường CĐ Sư phạm Nghệ An nhưng Hiền đành từ bỏ giấc mơ đến giảng đường vì một mình mẹ không thể lo cho cả hai chị em cùng đi học. Thấy hai cô con gái nhường nhau việc học, bà Sâm nghẹn ngào, nước mắt chảy dài. Tuy nhiên, thời gian này cũng là lúc Hiền mang trong mình đủ bệnh: viêm phổi mãn tính, nội tạng suy giảm chức năng, khuôn mặt biến dạng, làn da xạm đen với nhiều mảng loang lổ, đôi bàn tay co quắp lại vì bị teo hết xương… Suốt bảy năm chống chọi với bệnh tật ở hết bệnh viện này đến bệnh viện khác và bị sốc thuốc, phải thở bằng máy, Hiền không còn nghĩ gì đến tương lai nữa.

Năm 2007, điều trị tại Bệnh viện phổi Trung ương, xem ti-vi thấy một bạn cùng trang lứa bị ung thư xương, thời gian sống chỉ còn 6 tháng nhưng vẫn tham gia các hoạt động xã hội, gây quỹ cho người bị ung thư, Hiền chợt nhận ra mình đã lãng phí quá nhiều thời gian. Cùng với sự động viên của người chị gái, khi ra viện, Hiền quyết tâm ôn thi đại học và năm 2008 cô đã trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng.

Thắp lên nhiều ngọn lửa nhỏ

Tháng 3 vừa qua, Hiền là một trong 4 sinh viên của ĐH Đà Nẵng cùng 7 giảng viên nữ tham dự cuộc gặp mặt biểu dương nữ giảng viên, sinh viên xuất sắc “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” khu vực miền Trung -Tây Nguyên do Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức tại ĐH Tây Nguyên (Đắc Lắc). Phát biểu của Hiền tại diễn đàn đã khiến hơn 300 đại biểu xúc động. Thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, cho biết: Không ít đại biểu đã khóc khi nghe những tâm sự của một sinh viên bị nhiễm chất độc da cam với những ước vọng sống, học tập và đóng góp cho cộng đồng. Thầy Hoàng Đình Tân, Ban Công tác học sinh - sinh viên ĐH Đà Nẵng, chủ nhiệm lớp Hiền nói rằng, Hiền là tấm gương cho nhiều sinh viên trong khoa, trong trường. Trong cuộc gặp mặt tại Đắc Lắc, Hiền đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân vì thành tích xuất sắc trong công tác “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”.  

Cả lớp 08SGC khoa Giáo dục chính trị - Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và khu nhà 1 ký túc xá đều dành nhiều tình cảm cho Hiền. Lúc mới bước chân vào khu ký túc xá, trước những ánh mắt ái ngại và có phần sợ hãi của mọi người, cô tân sinh viên này muốn quay trở về Nghệ An. “Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng môi trường mới lạ, học tập căng thẳng cùng với sự khó khăn trong đi lại, sinh hoạt đã khiến tôi cảm thấy mình rất lẻ loi”, Hiền tâm sự.

Được thầy cô, bạn bè hết lòng yêu thương và giúp đỡ, dần dần Hiền cũng thích nghi được cuộc sống xa gia đình ở một thành phố xa lạ. Nhưng việc giặt quần áo bằng chân đã khiến đôi chân của cô sưng tấy lên, lòng bàn chân bung mủ, buộc phải mổ, thậm chí có lúc phải trải qua hai lần lọc máu. Giờ đây, việc đi lại của Hiền rất khó khăn vì khớp chân không cử động được. Tuy nhiên, khao khát được học tập và sống có ích vẫn cháy bỏng trong Hiền.

“Bác sĩ nói tôi chỉ còn sống nhiều nhất là 10 năm nữa, có thể sớm hơn, nhưng tôi muốn mình sống và làm được nhiều việc có ý nghĩa”, Hiền chia sẻ. Tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng, Hiền chăm sóc, tắm rửa cho các em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam như tìm kiếm sự sẻ chia của những người đồng cảnh ngộ. “Tôi thấy mình may mắn hơn các em vì tôi có tri thức”, Hiền nói như tự an ủi. Còn Trung tâm Bảo trợ trẻ em tại Đà Sơn (TP. Đà Nẵng) cũng quen với sự có mặt của Hiền. Nhìn bọn trẻ đủ lứa tuổi, đủ số phận hồn nhiên vui đùa, ca hát, Hiền mong muốn thắp lên nhiều ngọn lửa nhỏ để mang lại một chút ấm áp cho các em. 

Liên tiếp ba học kỳ, Hiền đều xếp top 3 trong lớp. Cô sinh viên 27 tuổi này đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để tham gia bảo vệ vào cuối tháng 4 này tại trường.  

Bài và ảnh: TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.