Một ngày đầu năm 2010, Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đã đến thăm gia đình cụ bà Vũ Thị Hồng Hải (vợ đồng chí Trần Hưng Thừa) và hỏi xem, sau khi qua đời, đồng chí Trần Hưng Thừa đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng nhì chưa, vì theo tiêu chuẩn thì đồng chí Trần Hưng Thừa rất xứng đáng; nếu chưa được xét tặng thì sẽ làm thủ tục đề nghị. Cụ bà trả lời là không biết, vì mọi giấy tờ của ông đều do đứa con độc nhất của vợ chồng bà cất giữ, nhưng người con gái yêu quý và độc nhất ấy đã vĩnh biệt cõi đời vài năm nay do tai nạn!
Nhớ chồng, nhớ con và ý thức về ý nghĩa của tấm Huân chương đó nên thôi thúc bà cần mẫn lục tìm trong bao nhiêu giấy tờ mà con gái bà cất giữ.Thế là rất mừng! Bà đã tìm thấy tấm Huân chương ấy! Song, có một điều lý thú là ngoài Huân chương đã tìm thấy, còn có một kỷ vật quý báu của chồng bà đã được cất giữ từ mấy chục năm trước, lúc ông còn sống.
Để có ngọn ngành về báu vật kỷ niệm ấy, xin lần lại lịch sử năm 1975:
Sau khi quân giải phóng nổ súng tấn công giành thắng lợi ở Ban Mê Thuột vào ngày 10-3-1975, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5 từ căn cứ Khu ủy, lập tức lên ô-tô vào đó. Nhưng đang trên đường đi thì được tin quân ngụy rút bỏ Gia Lai, Kon Tum để kéo về giữ đồng bằng, thế là đồng chí không đi nữa mà quay trở về để quyết định chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng.
Sau Ban Mê Thuột là Quảng Ngãi, Tam Kỳ rồi đến Huế, ngày 26-3 đều được giải phóng. Vậy mà Ngô Quang Trưởng vẫn huênh hoang tuyên bố tử thủ Đà Nẵng.
Ngày 28-3, đồng chí Trần Hưng Thừa, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, sau khi dự họp Ban Thường vụ, tức tốc vào trước nội thành để xem xét tình hình, khẩn trương chuẩn bị cho giải phóng Đà Nẵng. Việc phải đi ngay giữa ban ngày, trong lúc bọn địch canh gác nghiệm ngặt mọi nẻo đường dẫn vào thành phố thì làm sao qua được? Đồng chí đã tính toán là phải bằng cách hợp pháp để đi, không thể chờ đến ban đêm vì tình hình rất khẩn trương! Nhưng để hợp pháp qua mắt bọn địch, ngoài giấy tờ đầy đủ ra, còn phải có cách ăn mặc hợp pháp. Thế là qua đường dây giao liên, đồng chí đã cấp tốc chỉ đạo cho anh Sơn và anh Hiệp, hai cán bộ hợp pháp từ Đà Nẵng đem bộ quần áo ra vùng kiểm soát của ta trao cho đồng chí. Với chiếc quần tây màu đà và chiếc áo sơ-mi màu trắng đã xuống màu, mặc vào nhìn khá tốt, trông khác hẳn anh “Việt cộng” trên núi. Đồng chí cùng 2 anh cán bộ hợp pháp kia đi vào Đà Nẵng.
Khi chiếc xe chở đồng chí đang chạy trên đường vào thành phố thì bọn lính gác chặn ngay lại xét hỏi. Đồng chí Trần Hưng Thừa ra vẻ hớt ha hớt hải nói giọng rặt Huế với chúng (đồng chí vốn là người Thừa Thiên-Huế): “Tôi từ Huế vào Đà Nẵng tìm vợ con đang chạy lạc vào đây từ hôm 26-3 khi Việt cộng đánh chiếm Huế”. Chúng nhìn chằm chằm vào ông, trông có hơi khang khác. Nhưng quần áo mặc thì có vẻ là “mốt” may ở thành phố và việc ông nói thì rõ ràng là người Huế chính cống nên chúng tin và để cho đi.
Đồng chí đã trót lọt vào đến nhà cơ sở, tổ chức ngay cuộc họp để lãnh đạo nhân dân sẵn sàng nổi dậy. Sau khi nắm chắc tình hình mọi mặt, đồng chí liền tức tốc gửi thư ra báo cáo để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hình thức nổi dậy của quần chúng nhân dân với quân giải phóng tiến công vào. Thư gửi đến đồng chí Trần Thận, Bí thư Đặc khu ủy trong bộ phận tiền phương, đang đóng tại xã Điện Hòa, Điện Bàn, đồng thời từ nơi này cũng được báo cáo ngay về Khu ủy. Ngày 29-3-1975, lực lượng cách mạng ào ạt dũng mãnh như “trúc chẻ, ngói tan” đã vào giải phóng hoàn toàn thành phố thân yêu mà bao năm nằm trong tay Mỹ-ngụy.
Đà Nẵng giải phóng xong, bộ quần áo cải trang ấy đồng chí xếp cất. Với cương vị Bí thư Quận ủy quận 1, đồng chí bận rộn giải quyết bao nhiêu công việc để rồi thời gian trôi qua gần hai mươi năm sau, cho đến một ngày vào năm 1992, tình hình sức khỏe không tốt, căn bệnh nặng không thể đi đâu được, đồng chí bèn viết một lá thư gói cùng bộ đồ mặc hợp pháp đi vào Đà Nẵng ngày ấy, với một tâm nguyện là xin được giao bộ đồ vào “Nhà truyền thống” (Bảo tàng). Đồng chí cũng dặn vợ con như vậy. Ngày 18 tháng chạp Nhâm Thân (10-1-1993), do căn bệnh hiểm nghèo, không còn cứu chữa được nên đồng chí đã ra đi, nhưng bộ quần áo đầy ý nghĩa về ngày giải phóng Đà Nẵng không đưa theo đồng chí mà vẫn để nguyên trong tủ cho đến một ngày vào đầu năm 2010 nói trên.
Bộ đồ ấy sau 35 năm, cụ bà Vũ Thị Hồng Hải đã trao lại cho các đồng chí ở Bảo tàng Đà Nẵng cùng lá thư nói trên để đưa vào Bảo tàng. Đó là bộ đồ lịch sử, kỷ niệm 29-3-1975, ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng thân yêu của chúng ta.
ĐỖ HÙNG LUÂN
.
.
Bộ đồ lịch sử
Thứ Sáu, 30/04/2010, 08:01 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.