“Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng” - lời thông báo phát ra từ chiếc radio đã khiến cho những người tù chính trị tại Côn Đảo ngập tràn sung sướng. Bao nhiêu năm đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, giờ đây, trong vòng tay đồng đội, trong nước mắt và nụ cười hạnh phúc, họ đã cảm nhận trọn vẹn niềm hân hoan và sự thiêng liêng của ngày vui chiến thắng.
Những cựu tù chính trị Quảng Nam - Đà Nẵng luôn tự hào về những năm tháng đấu tranh kiên cường tại nhà tù Côn Đảo thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. |
Ông Phạm Văn Ba, người tù chính trị Quảng Nam - Đà Nẵng bị giam cầm tại Côn Đảo năm xưa bồi hồi nhớ lại: “22 giờ ngày 30-4-1975, đại úy Kiều Văn Dậu, chỉ huy trưởng đại đội bảo an vào khu H phòng 24 thông báo với anh em tù chính trị: Sài Gòn đã được giải phóng, Dương Văn Minh đã đầu hàng. Tuy nhiên, anh em trong nhà lao chưa tin vào lời thông báo và nhận định: Có thể đây là sự thật nhưng phải cảnh giác, biết đâu lại là âm mưu để địch tạo cớ giết hại ta. Anh em tù chính trị đã yêu cầu cho mượn radio và cử người ra nắm tình hình. Khi nghe lời tuyên bố dõng dạc phát ra từ chiếc radio, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, sung sướng”.
Ở những khu trại giam khác nhau trong nhà tù Côn Đảo, nhiều chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm vẫn chưa hề hay biết cách mạng đã thắng lợi, Sài Gòn đã giải phóng. Một số người khi biết tin lại không nghĩ đó là sự thật và đề phòng đây là âm mưu của địch, chúng sẽ tìm cách thủ tiêu chứ không trả tự do cho mọi người. Ông Phạm Văn Sinh, tù chính trị Côn Đảo xúc động kể: “Lúc đầu chúng tôi không tin là Sài Gòn đã được giải phóng, chỉ khi nghe lời thông báo trên radio thì mọi người mới vỡ òa vui sướng. Không có gì tả được niềm hạnh phúc đó. Nhưng thời điểm ấy, liên lạc với đất liền đã bị cắt đứt nên mọi người phải cảnh giác, đề phòng địch có thể quay lại chiếm đảo. Vì vậy, ngay 2 giờ sáng ngày 1-5, chúng tôi đã thành lập đội tự vệ, lấy vũ khí của địch, bắt giam những kẻ ác ôn, kiểm tra kho lương thực để tính toán lượng dùng phòng trường hợp địch quay lại. “Ủy ban hòa hợp, hòa giải dân tộc” đã ra đời ngay trong ngày 1-5 với nhiệm vụ chỉ đạo anh em tù chính trị tiếp quản nhà tù Côn Đảo, đào giao thông hào lên núi để chiến đấu nếu kẻ thù phản công”.
8 giờ ngày 1-5, toàn bộ tù nhân tại Côn Đảo được giải phóng, trong đó có 494 nữ tù chính trị. Chị Phạm Thị Liên rưng rưng nước mắt hồi tưởng: “Nữ tù chính trị chúng tôi bị giam tại trại 6 khu B. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, địch nghe tin quân ta chiến thắng ở nhiều nơi nên chúng siết chặt lệnh giam cầm, việc ăn uống, sinh hoạt của mọi người rất kham khổ nhưng ai cũng cố gắng chịu đựng. Thậm chí, địch đã đặt sẵn 4 quả lựu đạn tại mỗi phòng giam định thủ tiêu tù nhân. Tuy nhiên, trước chiến thắng như chẻ tre của ta, địch không dám ra tay. 1 giờ sáng ngày 30-4, anh em mở khóa phòng giam nữ, giải phóng cho tất cả chị em đang bị giam cầm tại trại 6 này”.
Theo lời kể của ông Phạm Văn Ba, trưa ngày 1-5-1975, một tiểu đoàn vũ trang đã được thành lập, phân công một đại đội chiếm giữ sân bay Cỏ Ống và đài Lôran (đài tình báo Mỹ), trung đội bảo an ở đây đã đầu hàng và giao nộp vũ khí, lực lượng cách mạng đã thu 27 máy bay. Một đại đội khác chiếm Chi khu Bến Đầm và Đài rađa trên núi Thánh Giá. Đến 16 giờ ngày 1-5, Côn Đảo hoàn toàn giải phóng và do lực lượng tù chính trị làm chủ, trực tiếp lãnh đạo. Mặc dù Côn Đảo đã về tay những chiến sĩ cách mạng nhưng Đảng ủy Côn Đảo vẫn đề phòng địch có thể phản kích, chiếm lại đảo nên đề ra chủ trương đào hầm, lập phòng tuyến, cấp lương thực cho từng người mang theo, khi địch phản kích sẽ rút vào núi chiến đấu chờ lực lượng ta từ đất liền ra. Đồng thời, cũng lên kế hoạch quản lý, bảo vệ đảo, chuẩn bị phương tiện để về đất liền báo tin, yêu cầu chi viện.
Ngày 4-5, bộ đội ta đổ bộ lên đảo, tiếp quản Côn Đảo và chan hòa niềm vui chiến thắng với những người tù chính trị kiên trung. Ngày 7-5, Côn Đảo làm lễ mừng chiến thắng với sự tham gia của cả tù chính trị, người dân và các thường phạm khác. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại những ngày tháng 4 rực lửa năm 1975, nhiều tù chính trị Quảng Nam - Đà Nẵng đã từng bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo vẫn bồi hồi xúc động. Ông Phạm Văn Sinh ví niềm vui ấy như là lúc được sinh ra một lần nữa. Chị Phạm Thị Liên nhắc lại chi tiết xúc động: “Sáng ngày 4-5, bộ đội từ đất liền mang ảnh Bác Hồ đến nơi ở của những nữ tù chính trị.
Nhiều chị đã khóc òa khi nhìn thấy ảnh Bác vì dù đã tham gia cách mạng nhiều năm nhưng chưa bao giờ được nhìn, được gặp Bác, giờ chiến thắng thì Bác đã đi xa”. Nhớ về một thời quá khứ hào hùng, ông Ngô Văn Hà, một tử tù chính trị tại Côn Đảo cho biết: “Tinh thần của mình lúc đó giống như chim sổ lồng, ăn ngủ không được, thức cả đêm vì vui mừng. Lúc trở về đến đất liền, ai cũng hết sức xúc động, niềm vui khó tả xiết”. 35 năm sau ngày giải phóng, những tù chính trị tại Côn Đảo năm xưa luôn tự hào về một thời kỳ đấu tranh gian khổ, kiên trung. Tự hào về những đồng đội đã hy sinh, những anh chị em đã dũng cảm đương đầu với sự khắc nghiệt của nhà tù Côn Đảo, giữ vững tinh thần và bản lĩnh chính trị cách mạng trước thách thức của kẻ thù. Độc lập, tự do, thống nhất đất nước hôm nay đã trả bằng bao xương máu của biết bao người, trong đó có những người tù chính trị tại Côn Đảo và sự hy sinh này luôn khắc ghi trong tim mỗi người con đất Việt đến ngàn đời sau.
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh