.

Đà Nẵng hướng về đất Tổ hùng thiêng

.

Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), là cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên… Để đón chào sự kiện trọng đại này, ngay từ những ngày đầu xuân Canh Dần, khắp nơi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú với nhiều sắc màu hướng về cội nguồn dân tộc.

Nhân dân làng Túy Loan thi nướng bánh tráng (đặc sản của làng) dâng cúng tổ tiên nhân dịp lễ hội đình làng 2010.  

Khi ánh nắng xuân tràn ngập khắp phố phường, cũng là dịp các địa phương rộn ràng bước vào mùa lễ hội. Chỉ tính từ mùng 9 tháng Giêng năm Canh Dần đến nay, trên địa bàn thành phố đã có gần 10 lễ hội đình làng diễn ra. Các lễ hội đình làng tiêu biểu có thể kể như: lễ hội đình làng Túy Loan; lễ hội đình làng Hòa Phú; lễ hội đình làng Hòa Mỹ; lễ hội đình làng Hải Châu; lễ hội đình làng Dương Lâm; lễ hội đình làng Bồ Bản… Mỗi làng, mỗi phố thường tổ chức lễ hội theo phong tục của từng địa phương mình với phần hội có nhiều trò chơi dân gian đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, về phần lễ, tất cả cùng chung một lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên và hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch. Ông Đặng Khôi, Trưởng Ban Quản lý đình làng Túy Loan cho biết, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 đã được Chính phủ quyết định tổ chức với quy mô cấp quốc gia, là Đại lễ cấp Nhà nước, điểm nhấn đầu tiên, mở màn cho các hoạt động lớn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với ý nghĩa đó, lễ hội đình làng Túy Loan năm 2010 đã diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, thu hút mọi giới, mọi ngành cùng nhau chan hòa trong không khí hội hè, góp phần làm cho lễ hội thành công tốt đẹp. Đó cũng chính là những đóng góp nhỏ bé của dân làng Túy Loan nói riêng và người Đà Nẵng nói chung cùng nhau dâng lên một nén hương lòng hướng về quê cha đất tổ - Ông Khôi chia sẻ.

Cũng trong những ngày này, nhân dân làng văn hóa Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đang tất bật chuẩn bị cho các hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với nhiều nét mới theo cách riêng của mình. Đến làng văn hóa Trung Nghĩa trong những ngày này, không khí thật rộn ràng và lộng lẫy cờ hoa khắp các đường làng, ngõ phố. Ông Trần Văn Hoa, Phó ban Thường trực Ban tổ chức lễ hội đình làng Trung Nghĩa năm 2010 cho biết: Để chuẩn bị cho lễ hội đình làng Trung Nghĩa, đồng thời hướng về cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên, ngay từ cuối năm 2009, được sự quan tâm của UBND thành phố, đình Trung Nghĩa đã được đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Sau gần một năm thực hiện đến nay đã hoàn thành, sáng 10-3 âm lịch tại di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp thành phố này sẽ diễn ra lễ Khánh thành trùng tu di tích với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc. Một trong số đó là hoạt động cắm trại với chủ đề “Hướng về cội nguồn”. Hội trại sẽ thu hút gần 300 trại sinh là cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, thanh-thiếu niên… tham gia, với các hoạt động văn hóa nhân ngày Giỗ Tổ 10-3 như: lễ cầu Quốc thái dân an; đêm hội Bài chòi; thi giã gạo, thi nấu cơm, gói bánh dâng cúng tổ tiên...

Từ bao đời nay, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm  đã trở thành truyền thống và được xem là điểm tựa của tinh thần văn hóa dân tộc. Mỗi người dân đất Việt, dù đi đâu về đâu, cứ đến ngày mùng mười tháng ba hằng năm, tất cả lại tụ về vùng đất thiêng Đền Hùng tri ân công đức Tổ tiên và khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.