(ĐNĐT) - Thành phố Đà Nẵng kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 4 phải trả đúng lưu lượng dòng chảy về hạ lưu sông Vu Gia (47m3/s) . Nếu không, cả vùng hạ lưu này sẽ chết khát!
Đà Nẵng: Thủy điện Đăk Mi 4 đã có nhầm lẫn cơ bản
Sau khi UBND TP Đà Nẵng nhiều lần có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tranh chấp nguồn nước ở thượng nguồn sông Vu Gia, chiều 2-4, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo các ban ngành TP về quy trình vận hành liên hồ chứa nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, đặc biệt là vấn đề “xả nước sau đập thủy điện Đăk Mi 4 về lại hạ lưu Vu Gia”.
Trên công trình thủy điện Đăk Mi 4 (Ảnh tư liệu) |
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng một lần nữa khẳng định, dự án thủy điện Đăk Mi 4 không thực hiện theo nguyên tắc “trả nước về sông cũ” mà chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện tuy làm lợi cho chủ đầu tư nhưng chắc chắn sẽ gây hạn hán nghiêm trọng cho vùng hạ lưu sông Vu Gia, đe doạ cuộc sống, sinh hoạt của gần 1,7 triệu dân.
Theo tính toán của Đà Nẵng, nhu cầu nước ở hạ lưu sông Vu Gia trung bình 84,19m3 - 110,94m3/s được sử dụng cho các mục đích đẩy mặn, duy trì dòng chảy kiệt, cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ. Tuy nhiên, báo cáo cân bằng nước của Viện Quy hoạch thủy lợi đã chọn sai thông số thủy văn đầu vào, chọn thông số lưu lượng tháng thay vì lưu lượng trung bình tháng… dẫn tới tính toán thiếu nguồn nước trả lại cho vùng hạ lưu sông Vu Gia.
Ông Thắng nói: “Đơn vị tư vấn lập dự án thủy điện Đăk Mi 4 đã nhầm lẫn cơ bản là “nước sông Đăk Mi chuyển về sông Thu Bồn, sau đó sẽ lại chảy về sông Vu Gia”. Trên thực tế, chỉ có một lượng nhỏ nước sông Thu Bồn chảy về sông Hàn (Đà Nẵng, hạ lưu sông Vu Gia) qua sông Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam), nhưng không sử dụng được do nước sông Vĩnh Điện thường xuyên bị nhiễm mặn”.
Sau khi UBND TP Đà Nẵng có phản ứng quyết liệt, Bộ Công thương đã lập tổ chuyên gia thẩm định, nhưng rốt cuộc vẫn chấp nhận phương án do chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp VN - IDICO) đề xuất là thiết kế cống xả tại đập thuỷ điện Đăk Mi 4 với lưu lượng 8 – 12,8m3/s, bất chấp việc hai thành viên Đà Nẵng và Quảng Nam tham gia tổ chuyên gia không đồng thuận.
UBND TP Đà Nẵng buộc phải thêm một lần nữa gửi văn bản lên Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc tranh chấp nguồn nước ở thượng nguồn sông Vu Gia. Theo đó, TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo chủ đầu tư thuỷ điện Đăk Mi 4 bổ sung thiết kế tăng công suất phát điện trong mùa mưa và thiết kế cống xả qua thân đập thuỷ điện tại cao trình mực nước chết với lưu lượng trung bình 47m3/s là thông số lưu lượng trung bình mùa khô của sông Vu Gia tại đập Đăk Mi 4 (thành viên Quảng Nam trong tổ thẩm định đề nghị 42m3/s).
Tại buổi làm việc chiều 2-4, ông Huỳnh Vạn Thắng cũng kiến nghị các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn phải có quy trình vận hành hợp lý để tránh hiện tượng “lũ chồng lên lũ”. Các nhà máy thuỷ điện chỉ được phát trong giờ cao điểm để ổn định dòng chảy ở hạ lưu…
Bộ TN-MT: Không thể đổ hết trách nhiệm cho thủy điện Đăk Mi 4
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai xác nhận, sau khi đi thị sát trên nhiều hệ thống sông ở miền Bắc và miền Trung cho thấy, nơi nào phát triển thuỷ điện nhiều thì hạ lưu ở nơi đó cạn kiệt nguồn nước. Nguyên do là các chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận từ phát điện mà không có sự chú trọng đúng mức đến các vấn đề dân sinh liên quan.
Mặc dù thừa nhận Đà Nẵng có thể thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cùng đoàn công tác Bộ TN-MT lại tính toán và cho rằng, việc xả nước đập theo đề nghị của TP là không hợp lý. Ông nói: “Chúng ta phải nhìn nhận đây là một “tổ hợp” thiếu nước chứ không chỉ riêng sông Đăk Mi. Nếu theo tính toán của Đà Nẵng thì vô hình chung là không còn xây dựng nhà máy nữa, hoặc nhà máy có thể buộc phải đóng cửa vì không có nước để phát điện”.
Theo ông, vấn đề tranh chấp nguồn nước trên sông Đăk Mi cần phải được các bên xem xét một cách toàn diện và cụ thể, nếu không sẽ trả giá đắt. Ông cho rằng, cần phải có một biện pháp công trình, đó là xét đến 7 nhà máy thủy điện lớn được xây dựng ở thượng lưu sông Vu Gia (gồm Sông Boung 2, Sông Boung 4, Sông Boung 5, A Vương 1, Đăk Mi 1, Đăk Mi 4 và Sông Côn 2), chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho thuỷ điện Đăk Mi 4. Bên cạnh đó, phải tính toán việc tiết kiệm nước. Hiện nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm đến 78%, còn lại 22 % cho dịch vụ và sinh hoạt. Để xây dựng thuỷ điện phục vụ cho nhiều mặt của cuộc sống thì phải giảm nông nghiệp hoặc giảm hệ số tưới tiêu...
Ông Huỳnh Vạn Thắng đồng ý với khái niệm “tổ hợp thiếu nước” và xác nhận, trước khi có thủy điện Đăk Mi 4 thì ở hạ lưu sông Vu Gia cũng đã xảy ra hạn hán. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định, sự xuất hiện của thuỷ điện này, với nguyên tắc hoạt động trái ngược hoàn toàn với 6 thuỷ điện còn lại của hệ thống thuỷ điện bậc thang trên thượng lưu sông Thu Bồn – Vu Gia, sẽ khiến tình trạng hạn hán ở hạ lưu sông Vu Gia càng nghiêm trọng hơn nữa, do lượng nước mà nó lấy đi quá lớn so với lượng nước bổ sung từ các hồ chứa trong lưu vực cho vùng hạ lưu.
Ông dẫn chứng: “Dung tích hữu ích các hồ chứa sông Côn, sông Boung 4 bổ sung nước cho sông Vu Gia đều bị giảm từ 668 triệu m3 tại Quyết định phê duyệt quy hoạch bậc thang thuỷ điện xuống còn 247 triệu m3 ở bước thiết kế kỹ thuật và xây dựng. Vậy mà báo cáo cân bằng nước sông Vu Gia của tổ thẩm định và Bộ Công thương vẫn khẳng định tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia sẽ được cải thiện hơn khi hoàn thành hệ thống thuỷ điện. Do mất cân bằng quá lớn giữa lượng nước bị lấy đi và lượng nước được bổ sung, nên chỉ với tần suất thiết kế P = 50% (tức 2 năm xuất hiện 1 lần) thì cũng đã xảy ra thiếu nước rất nặng trong mùa khô”.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho hay, Bộ TN-MT sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Bộ như Viện Nước, Khí tượng thuỷ văn… phối hợp với Viện Quy hoạch thủy lợi, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tính toán lại lượng nước đến, nhu cầu nước của vùng hạ lưu sông Vu Gia… để trình Thủ tướng quyết định về quy mô xây dựng cống xả sau đập thuỷ điện Đăk Mi 4 trả lại nước cho sông Vu Gia.
Có ý kiến quan ngại trong khi các bên hữu quan đang tranh cãi thì thuỷ điện Đăk Mi 4 vẫn tiếp tục được thi công. Và nguy cơ đập thuỷ điện này đạt đến cao trình không thể xây dựng cống xả được nữa cũng đang ngày càng gần. Tuy nhiên, ông Huỳnh Vạn Thắng khẳng định, công trình đang tranh chấp và đang chờ Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành hữu quan có quyết định cuối cùng nên chủ đầu tư không thể xây dựng vượt quá cao trình mực nước chết.
“Nếu họ làm như vậy, TP Đà Nẵng sẽ có văn bản kiến nghị dừng ngay lập tức. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu phải trả đúng lưu lượng dòng chảy về hạ lưu sông Vu Gia (47m3/s) . Nếu không, cả vùng hạ lưu này sẽ chết khát”, ông Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh.
Cẩm An