.

Đề án 89: Chuyện ba người

.

Kỳ 1: Đất khách quê người

Ngay từ khi những ý tưởng về chuyện đào tạo nguồn cán bộ các chức danh chủ chốt xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang đến giai đoạn chín muồi trên bàn nghị sự của Thành ủy, HĐND thành phố, cũng như trong các tập tài liệu đang dần dày lên của Ban Tổ chức Thành ủy vào giữa năm 2008, chàng sinh viên Mai Lãnh, quê xứ cát Điện Dương, Điện Bàn (Quảng Nam) cũng vừa rời ghế Trường Đại học Nông lâm Huế với tấm bằng loại khá.


 Anh Mai Lãnh (giữa) đi vận động học sinh bỏ học trở lại trường.

Loay hoay với công việc ở một tập đoàn chuyên về nông nghiệp được vài tháng, tình cờ, Lãnh đọc được những thông tin đầu tiên về việc tuyển học viên cho Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (thường được gọi với cái tên quen thuộc là Đề án 89). Xét thấy mình cũng không đến nỗi nào so với những chỉ tiêu đặt ra, trong đó trình độ tốt nghiệp loại khá, vóc dáng hình hài chẳng kém cạnh ai, Lãnh một mình ra Đà Nẵng tìm hiểu thêm thông tin, điền những chi tiết đầy đủ vào hồ sơ. “Làm thì cho vui vậy thôi chứ em chẳng hy vọng chi. Bởi theo thường lệ những vị trí đó chỉ dành cho những người thuộc dạng CÔCC (con ông cháu cha). Vì thế em nộp hồ sơ cũng chỉ là để thử sức mình, tìm kiếm thêm một cơ hội được nâng cao “nghiệp vụ trả lời phỏng vấn”, trang bị thêm kinh nghiệm để đi phỏng vấn xin việc chỗ khác mà thôi” - Sau này nhìn lại, Mai Lãnh cũng không xóa đi được suy nghĩ của những ngày đầu nộp đơn vô chỗ “hóc hiểm” này.

Không hóc hiểm sao được, khi trong thời điểm đó, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng cũng bày tỏ bất ngờ khi nhận được đến 394 bộ hồ sơ dự tuyển ban đầu cho cái đề án, mà anh em so sánh vui là giống phút “89” trong bóng đá-phút táo bạo và bất ngờ! Nói táo bạo và luôn chứa đựng những bất ngờ bởi đây là một trong những bước đi “chưa từng có” trong lịch sử công tác cán bộ-chỉ chuyên đào tạo cán bộ cho những chức danh cụ thể với một giáo trình 80 học phần “hổng giống ai” trên toàn quốc này. Nhưng nó không mạo hiểm bởi đã được ghi thành câu chữ hẳn hoi trong Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X: “tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở”.

Cũng bất ngờ không kém dành cho cậu sinh viên “nông dân” khi Mai Lãnh lọt qua 200 đối thủ ở vòng sơ tuyển, tiếp tục vào “vòng chung kết” cùng gần 200 đối thủ sừng sỏ khác được phỏng vấn trực tiếp. Cuối cùng, Mai Lãnh được chọn ra trong số 100 người sau cuộc phỏng vấn cam go để hãnh diện tham dự buổi khai giảng khóa học đặc biệt được tổ chức vào ngày 3-1-2009, và được trực tiếp nghe Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh-người khai sinh ra Đề án 89, đến nói chuyện và dặn dò.

“Cảm giác lúc đó giống như trong mơ vậy anh, bởi mình không nghĩ là được qua vòng sơ tuyển, chứ chưa nói đến chuyện được ngồi đàng hoàng trong lớp trên cương vị học viên chính thức. Ba mẹ em, cả làng em ai nghe chuyện cũng bất ngờ bởi đó là chuyện xưa nay hiếm. Một đứa nhà quê, “đất cát” Quảng Nam, chẳng có ai họ hàng thân thích “làm quan”, không một xu dắt túi, lại được thành phố Đà Nẵng chọn đi học để làm cán bộ, lại được trả lương để đi học.
 
Càng nghĩ, càng tự hào, thế là ráng mà học!”. Mai Lãnh tâm sự mộc mạc khi ngồi trong căn phòng làm việc ở trụ sở UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Sau khi bế giảng khóa học vào đầu năm 2010, Mai Lãnh được phân công về phường nghèo nhất nhì của quận Sơn Trà này để đảm nhận chức danh cán bộ văn hóa-xã hội của phường. Đất khách quê người, lại chưa một ngày làm công chức phường, xã, nên Mai Lãnh không giấu được cảm giác lo lắng khi đảm nhận công việc đầy thách thức ở một phường còn nhiều khó khăn bộn bề như thế. Trong những lúc như vậy, Lãnh nhớ đến những lời căn dặn, nhắn nhủ “truyền lửa” của các vị lãnh đạo thành phố trong thời gian học tập của mình: “Em vẫn tự nhủ rằng, phải làm gì đó thực sự có kết quả để đền đáp lại sự kỳ vọng của những người đã chọn lựa mình đi đào tạo, nên phải gắng sức làm.

Em vẫn biết rằng, mình được đào tạo ra không phải để làm lãnh đạo ngay, mà phải đi từ thực tiễn. Bởi có va chạm với thực tế, mới biết rằng mình còn phải học nhiều, chứ không đơn giản chỉ là những kiến thức từ khóa học!”. Lo lắng cho công việc, nên mặc dù cha mẹ già, thương binh ở quê vẫn thường đau yếu khi trái gió trở trời, lại là người “có chữ” nhất trong số 7 anh em đang lặn lội bám biển, bám đất ở quê, nhưng Mai Lãnh không thể sớm đi chiều về trên đoạn đường chưa đầy 20 cây số. Mai Lãnh ở lại ngay tại trụ sở phường, cơm nước tự lo với số tiền thu nhập chưa đến 2 triệu đồng mỗi tháng.

Không phải chỉ để tiết kiệm từng đồng gửi về giúp cha mẹ già, mà cái chính là để có thêm thời gian thâm nhập thực tế, nắm chắc tình hình ở địa phương để xử lý công việc một cách hiệu quả hơn. Để có cớ cho việc này, Mai Lãnh cùng tham gia vào đội dân quân tự vệ của phường, đi tập luyện, đi tuần tra canh gác để nắm chắc địa bàn, nắm tình hình cụ thể từng hộ dân, nhất là dân nghèo để phục vụ cho công việc. Mai Lãnh tâm sự: Khó khăn về sinh hoạt với sức trẻ thì chẳng là gì, cái khó nhất là làm sao cho đạt kết quả để khỏi phụ lòng những người đã tin tưởng mình. Nhưng làm cái mảng này mà muốn kết quả liền thì hơi khó!

Mai Lãnh dẫn chứng luôn chuyện triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Phường Nại Hiên Đông đã có danh sách những hộ đặc biệt nghèo đợt 1, nhưng để bổ sung danh sách 56 hộ cho đợt 2 này thì phải đi khảo sát. Nhưng xuống thực tế thì thấy hộ nào cũng “xứng đáng” với các tiêu chí đề ra, thế là lúng túng, đêm về nằm suy nghĩ mãi… Hoặc khi đi vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, có gia đình mắng thẳng vào mặt cán bộ rằng, con tui tui lo, không cần mấy người. Cứ để cho hắn đủ 16 tuổi rồi đi biển kiếm đồng ra đồng vô, chớ đi học thì ai lo! Cắn răng vận động đi được mấy ngày, thì lại nghe nhà trường báo về là đã bỏ học lại rồi…

Những lúc gặp tình huống khó khăn như thế, cùng với sự giúp đỡ của những cán bộ sở tại, điều Mai Lãnh thường nghĩ đến là gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử cầu cứu những học viên cùng lớp. Đó là những anh chị đã từng kinh qua công tác nhiều năm, va chạm nhiều với thực tế để họ hướng dẫn cách xử lý công việc cụ thể và hiệu quả hơn. Bởi theo Lãnh thì: “Lớp này hay lắm! Những anh chị em học viên 89 chúng em như thể anh em một nhà. Có gì cần chia sẻ thì í ới nhau một tiếng, chẳng ai nề hà trong việc giúp đỡ, kể cả trong công việc cũng như đời sống. Chính nhờ thế mà em thấy ấm lòng thêm và trưởng thành nhanh hơn, dù mới chân ướt chân ráo đi làm công chức nơi đất khách quê người!”.

(Còn nữa)


Ghi chép của NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.