Một trong số những anh chị mà Mai Lãnh nhắc đến trong những người thường chỉ vẽ công việc, chính là Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của UBND phường Thuận Phước Lê Thúy Hằng.
>> Kỳ 1: Đất khách quê người
Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước Lê Thúy Hằng trưởng thành hơn sau khóa đào tạo của Đề án 89. |
Dường như những điều kiện đó là mảnh đất làm cho Lê Thúy Hằng được trải lòng dễ dàng hơn với công việc của mình dù ở cương vị nào. Tốt nghiệp khóa đầu tiên Đề án 89, sau hai tháng là “cán bộ đụng-đụng gì làm nấy” ở cơ quan, Hằng được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường, phụ trách kinh tế. Mặc dù mới đảm nhận chức vụ hơn một tháng, nhưng những điều học được ở khóa đào tạo luôn giúp ích một cách thiết thực cho Hằng trong công việc. “Giả sử mình có được bổ nhiệm chức vụ như hiện nay trước một năm, thì thời gian thực tiễn đó cũng không thể bổ ích bằng được đi đào tạo trong 10 tháng của khóa học” - Hằng làm một phép so sánh để thấy cái được của khóa đào tạo. Bởi theo Phó Chủ tịch phường vừa đến tuổi 35 này, thì với một khóa học 10 tháng lý thuyết, các học viên có thể hình dung một cách toàn diện trong công việc của mình ở cơ sở, dù trong công tác Đảng hay quản lý Nhà nước. “Với nội dung được học, mỗi học viên có thể tiếp cận và mô tả được công việc mình đảm nhận dù ở cương vị nào, để từ đó xác định được mình phải bước đi từ đâu và đi về hướng nào để đến được đích”- Thúy Hằng khẳng định.
Với nền tảng kiến thức gần hơn thực tế đó, nhiều học viên Đề án 89 như Hằng đều cho rằng, mình có thể tiếp cận nhanh chóng hơn với công việc, nhiệm vụ được giao. Do đặc thù công việc, nhiều văn bản về kinh tế trước đây Hằng chưa hề quan tâm, nhưng khi đảm nhận chức vụ mới này, cô nhanh chóng hiểu được và nắm bắt nội dung để triển khai một cách có bài bản, lớp lang chứ không bị rối tơ vò như trước nữa.
Ở phường Thuận Phước, có một học viên của Đề án 89 xuất thân từ người của địa phương, chính là Nguyễn Phước Tâm. Là con của một lãnh đạo cấp sở ở Quảng Nam, nên sau một thời gian bay nhảy với công việc hợp với chuyên ngành được đào tạo là Quản trị du lịch (Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng), Tâm vẫn cảm thấy công việc đó chưa “thuận” với tính cách của mình. Suy nghĩ mãi, cộng với sự động viên từ phía gia đình cũng như những người thân quen, Phước Tâm nộp đơn vào học khóa đào tạo của Đề án 89 và dĩ nhiên được chọn vì đạt được những tiêu chí đề ra! Có thêm nhiều kiến thức được học ở khóa đào tạo đặc biệt này, chàng Bí thư chi đoàn số 15 của phường từ năm 2002, đã được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Bí thư Đoàn phường-nơi mình đã từng công tác và trưởng thành.
Phước Tâm nói: Rõ ràng, được trở về vẫy vùng với cái “ao” quen thuộc của mình, thì không phải là khó khăn lắm trong công việc. Thế nhưng, chức trách mới đòi hỏi mình phải có những cố gắng, nỗ lực mới chứ không thỏa mãn với kinh nghiệm công tác Đoàn cũng như kiến thức đã được học ở lớp. Đặc biệt, điều khiến Tâm càng thêm nỗ lực, đó chính là việc Phó Bí thư Đoàn phường này là một trong số 23 đảng viên trẻ được kết nạp ngay tại khóa học. “Điều đó làm cho mình càng tự hào nhưng cũng cảm thấy trách nhiệm nặng nề hơn”- Phước Tâm giãi bày. Bên cạnh đó, điều khiến cả Thúy Hằng và Phước Tâm đều cảm thấy tự hào, chính là việc họ được sẻ chia trong công việc từ những đồng nghiệp, cán bộ, công chức đến cả những người dân đã trở nên thân thuộc ở phường, từ đó họ cảm thấy thuận lợi hơn trong cống hiến cho chính mảnh đất mình sinh ra và được rèn luyện này.
Từ những điều kiện thuận lợi đó, họ đều nuôi những ước mơ làm sao phải cống hiến thực sự cho mảnh đất nuôi mình khôn lớn. Thúy Hằng chia sẻ, mặc dù hằng ngày phải đối diện với những công việc sự vụ luôn ùn ùn kéo tới, từ việc lớn đến việc nhỏ, nhưng cô vẫn dành một chút quỹ thời gian nghĩ ra một điều gì đó thật tốt để lo cho đời sống của nhân dân trong phường-nhất là đời sống của những ngư dân chuyển đổi ngành nghề khi kinh tế của phường đã chuyển từ cơ cấu thủy sản-thương mại-dịch vụ sang thương mại-dịch vụ-thủy sản. “Tôi vẫn nghĩ đến việc làm sao phối hợp với các đơn vị lữ hành, du lịch tổ chức các tour khám phá đời sống ngư dân, cùng ngư dân câu cá, đánh bắt hải sản… vốn là nghề truyền thống của ngư dân vùng cửa biển Thuận Phước để vừa bảo đảm phát triển kinh tế theo đúng định hướng, vừa nâng cao đời sống cho nhân dân”-Phó Chủ tịch trẻ tâm sự.
Không chỉ đau đáu cho công việc của mình như thế, điều mà cô đảng viên trẻ Lê Thúy Hằng luôn tâm sự, chính là làm sao để các bạn trẻ tốt nghiệp từ Đề án 89-dù là người địa phương hay không phải sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Đà Nẵng này, đều có những cơ hội để được làm việc và làm tốt hơn nữa công việc của mình như những người sinh ra đề án đầy táo bạo này kỳ vọng. Với cô, dù là cây nảy mầm từ hạt trên mảnh đất quê hương, hay cây được chiết từ nơi khác đem về, thì cũng đều cho ra những quả ngọt trên mảnh đất mà chúng bám rễ và được chăm bón…
Để mỗi cây khi ra quả ngọt, đều nghĩ rằng mảnh đất mình bám rễ chính là quê hương!
Ghi chép của NGUYỄN THÀNH