.

Để cho người giỏi đến nơi này

.

1
Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương có chính sách thu hút người giỏi tương đối sớm và cũng khá hấp dẫn. Nhờ vậy mà thời gian qua có nhiều chuyên gia giỏi có học vị cao như thạc sĩ, tiến sĩ và nhất là sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi tìm đến / trở về Đà Nẵng làm việc; hiện tượng người giỏi có sẵn tại chỗ từ giã Đà Nẵng đi tìm chỗ làm việc mới cũng giảm dần.

Các đồng chí Trần Thọ, Bùi Văn Tiếng và Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố Nguyễn Linh trao Giấy chứng nhận tốt nghiệp và bằng trung cấp chính trị-hành chính cho 5 học viên xuất sắc nhất khóa học (15-1-2010). 

Đương nhiên để cho người giỏi đến và quan trọng hơn là gắn bó với một nơi nào đó thì nơi ấy phải có hấp lực không chỉ hơn thiên hạ mà còn là và chủ yếu là hơn chính mình. Vì thế, trong cuộc chạy đua trải thảm đỏ nhằm thu hút người giỏi đến với thành phố bên bờ sông Hàn, cần không ngừng đổi mới cách tạo hấp lực sao cho không chỉ thu hút được người giỏi mà còn giữ chân được người giỏi để họ có thể đồng hành lâu dài cùng Đà Nẵng.

2
Trước hết là phải đổi mới cách tìm người giỏi, từ cách thụ động trông chờ người giỏi đến với mình - là cách mà cùng lắm chỉ có thể đáp ứng mục tiêu tìm được người nói chung chứ khó lòng tìm được người giỏi, càng khó lòng tìm được người giỏi nhất - sang cách chủ động phát hiện người giỏi, chủ động thuyết phục người giỏi chấp nhận cộng tác/hợp tác với mình.

Việc này đòi hỏi người đi tìm phải có con mắt xanh, phải có tấm lòng chân thật và đôi khi phải có cả sự kiên trì kiểu như Lưu Bị ba lần đến lều cỏ để mời gọi Khổng Minh. Tất nhiên thời buổi này bản thân người giỏi cũng có nhu cầu tự khẳng định tài năng của họ và do thế cả người đi tìm lẫn người được tìm vẫn có thể chủ động tìm đến nhau, người đi tìm không đến nỗi phải tam cố thảo lư như Lưu Bị ngày xưa, chỉ cần gõ cửa đúng cái lều cỏ ở đó có người giỏi người hiền là được.

3
Điều hết sức có ý nghĩa để cho người giỏi đến nơi này là phải xử lý thật hài hòa mối quan hệ giữa người-giỏi-tại-chỗ với người-giỏi-vừa-thu-hút. Đây cũng là điểm nhấn trong quá trình đổi mới cách tạo hấp lực ở Đà Nẵng. Không ít người giỏi trước khi quyết định nhận lời bước lên thảm đỏ của một địa phương đã quan tâm đến sự đãi ngộ và tôn vinh mà địa phương ấy đang dành cho số đông người-giỏi-tại-chỗ hơn là chú mục vào sự đãi ngộ và tôn vinh sắp dành cho chính mình.

Gần đây những người quan tâm đến chính sách trải thảm đỏ của Đà Nẵng đánh giá cao sự đãi ngộ theo tinh thần biệt nhãn liên tài của lãnh đạo Đà Nẵng dành cho một người giỏi dẫu người này không trực tiếp đầu quân về thành phố: bố trí căn hộ chung cư cho một thầy giáo dạy Đại học Đà Nẵng mắc bệnh hiểm nghèo đang cần chỗ ở trong khu vực nội thành để kịp vào bệnh viện mỗi khi cần cấp cứu.

4
Để cho người giỏi đến nơi này còn phải đổi mới cách dùng người giỏi. Lâu nay những người giỏi được thu hút về thành phố thường được sử dụng một cách riêng lẻ, người ở ngành này người ở nghề khác. Riêng lẻ như vậy cũng là bình thường, nếu được bố trí đúng sở trường và phù hợp với lĩnh vực chuyên môn sâu đồng thời được trọng dụng ngay tại nơi làm việc hằng ngày thì từng người giỏi vẫn có thể phát huy được năng lực, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển chung của thành phố.

Nhưng muốn phát huy cao độ chất xám của những người giỏi, cần tổ chức cho họ làm việc theo nhóm, cụ thể là hợp tác trong nghiên cứu khoa học nhằm tham mưu hoạch định chủ trương chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển đúng hướng hơn, rõ nét hơn. Thực tế cho thấy, nhiều khi không giữ chân được người giỏi là do chưa tạo điều kiện cho người giỏi phát huy tối đa chất xám và tự khẳng định mình.

5
Để phát huy chất xám của người giỏi vừa thu hút, nên chăng thành phố cần tập hợp đội ngũ này - cùng với người giỏi sẵn có tại chỗ - thành các nhóm chuyên gia chuyên ngành hoặc liên ngành và giao cho từng nhóm nghiên cứu đề xuất những giải pháp tối ưu để xử lý một số bài toán khó chẳng hạn của quá trình đô thị hóa.

Làm tốt việc này còn góp phần làm tăng thêm thu nhập chính đáng của những người giỏi và quan trọng hơn là tạo cơ hội để người giỏi khẳng định năng lực vượt trội cũng như phẩm chất tri thức của mình. Gần đây hàng chục cán bộ được chọn tham gia Đề án đào tạo 100 thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo nước ngoài trở về Đà Nẵng công tác, thành phố đã giao cho Câu lạc bộ cán bộ trẻ thành lập Ban Nghiên cứu chuyên đề nhằm tạo thêm sân-chơi-khoa-học nhằm giúp anh chị em có diễn đàn đề xuất ý tưởng và có môi trường giao tiếp bằng ngoại ngữ.

6
Tuy nhiên giải pháp mang tính quyết định để thu hút và giữ chân người giỏi là phải làm cho Đà Nẵng thực sự trở thành một đô thị phát triển theo hướng hiện đại, văn minh - hiểu theo nghĩa là biết lấy con người làm trung tâm và luôn thân thiện với môi trường. Chỉ có như vậy thì Đà Nẵng mới trở thành một thương hiệu ngời sáng, một điểm đến có hấp lực tự nhiên.
 
Chỉ có như vậy thì người giỏi đến với Đà Nẵng mới có đất dụng võ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mới có cơ hội bộc lộ hết tài năng và tâm huyết. Cũng cần nói thêm là, người giỏi đến nơi này không chỉ bằng con đường độc đạo là trở thành công dân của Đà Nẵng mà còn có thể đến với thành phố bên bờ sông Hàn bằng các ý tưởng độc đáo, qua đó gợi mở cho người Đà Nẵng những cách nghĩ cách làm mới mẻ, qua đó tạo ra cú hích tư duy nhằm giúp người Đà Nẵng tự khơi nguồn sáng tạo của mình...

Bùi Văn Tiếng

;
.
.
.
.
.