Sáng ngày 28-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng gồm các ông, bà: Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố; Nguyễn Thị Kim Thúy, ĐBQH chuyên trách đã có buổi tiếp xúc với cử tri trên địa bàn quận Thanh Khê nhằm chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 7, QH khóa XII khai mạc vào ngày 20-5 sắp tới.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh trao đổi với cử tri quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: SƠN TRUNG |
Tham dự buổi tiếp xúc có Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Ngọc Dũng cùng đại diện các ban, ngành liên quan của thành phố và địa phương. Thay mặt đoàn, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn thông báo những nội dung chủ yếu của Kỳ họp thứ 7, QH khóa XII. Theo đó, trong kỳ họp này, QH sẽ xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và cho ý kiến các vấn đề quan trọng khác; trong đó tập trung xem xét việc triển khai kế hoạch, tình hình kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm. Theo báo cáo, GDP tăng 5,83%, gấp 1,9 lần so với quý 1 năm 2009; kinh tế đang tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai nhằm ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; tuy nhiên chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, kinh tế vĩ mô chưa cân đối, chỉ số giá cả tiêu dùng tăng cao… đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Việc giám sát chuyên đề tập trung vào thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo (chương trình 135 giai đoạn 2); giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; xem xét các báo cáo về quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2009 và tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2009 theo quy định của luật; xem xét dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh...
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày (dự kiến ngày 14, 15 và sáng 16-6) được tiếp tục đổi mới, việc gửi câu hỏi thực hiện sớm và đề xuất các nhóm giải pháp cũng như nội dung chất vấn tập trung phản ánh bức xúc của nhân dân, các nhóm vấn đề lớn, tăng cường đối thoại và tranh luận trực tiếp…Về công tác xây dựng pháp luật, kỳ họp lần này sẽ thông qua 12 dự án luật và dự thảo 2 nghị quyết; đó là các luật: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thuế nhà, đất, Nuôi con nuôi, Thi hành án hình sự, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Người khuyết tật, Bưu chính, Trọng tài thương mại, An toàn thực phẩm, Biển Việt Nam và Thủ đô; Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH 11 về công trình, dự án quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; cho ý kiến 7 dự án luật: Thuế bảo vệ môi trường, Thanh tra (sửa đổi), Tố tụng hành chính, Viên chức, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Khoáng sản (sửa đổi) và Đầu tư công.
Về hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến góp ý, trực tiếp tổ chức 6 hội nghị lấy ý kiến và đề nghị các ngành hữu quan tổ chức lấy ý kiến đối với 4 dự án luật; trong đó chủ yếu tập trung lấy ý kiến đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, những vấn đề trong thực tiễn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Đoàn đã tham gia 3 đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH thực hiện giám sát chuyên đề; thực hiện 2 nội dung giám sát tại địa phương về tình hình thực hiện cơ chế xổ số kiến thiết và tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2008 và 2009 trên địa bàn Đà Nẵng.
Trong công tác dân nguyện, cùng với việc tổ chức tiếp xúc giữa ĐBQH với cử tri nơi cư trú, tiếp xúc tiểu thương các chợ trên địa bàn, Đoàn ĐBQH thành phố đã tiếp nhận 45 kiến nghị của cử tri, trong đó đã có 37 ý kiến trả lời của các bộ, ngành Trung ương. Thời gian qua, Đoàn đã tiếp 33 lượt công dân trực tiếp đến Đoàn để khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận 84 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chuyển các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời…
Tại buổi tiếp xúc ĐBQH, các cử tri cũng đã nêu lên những ý kiến bức xúc từ thực tiễn cần xem xét, giải quyết. Đó là các vấn đề liên quan đến giải tỏa, đền bù, tái định cư; xây dựng hệ thống đường kiệt hẻm; tình hình chiếu sáng trong khu dân cư; chế độ, chính sách cho nạn nhân chất độc da cam, đối tượng tham gia kháng chiến, lương hưu; quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm, giải quyết tình trạng học sinh bỏ học; chấn chỉnh tình trạng quảng cáo trên truyền hình; nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Đại diện Đoàn ĐBQH thành phố đã phát biểu tiếp thu và giải đáp những ý kiến, kiến nghị của cử tri quận Thanh Khê.
* Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Thị Kim Thúy có buổi tiếp xúc với cử tri quận Ngũ Hành Sơn để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII.
Sau khi nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn báo cáo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, nhiều ý kiến cử tri phản ánh tình hình hoạt động khai thác hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn do hành động cản trở của tàu thuyền nước ngoài, đề nghị Nhà nước có biện pháp bảo đảm an ninh để ngư dân làm ăn thuận lợi trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng vẫn có xu hướng tăng, đề nghị Nhà nước tăng cường các biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn, đặc biệt là việc công khai minh bạch tài sản, thu nhập của những người có chức vụ. Nhiều cử tri bày tỏ lo lắng việc các địa phương cho người nước ngoài thuê rừng lâu năm liệu có ảnh hưởng đến an ninh-quốc phòng. Đề cập vấn đề liên quan đến thành phố, cử tri phản ánh: Hiện nay, nhiều khu tái định cư của thành phố đã có đông người đến ở nhưng vẫn chưa hoàn thiện về hạ tầng, thiếu cây xanh, thiếu nhà sinh hoạt tổ dân phố.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã giải đáp một số vấn đề cử tri nêu; đồng thời đồng tình với ý kiến cử tri cho rằng: Tăng cường bảo đảm an ninh chủ quyền trên biển là cần thiết để bảo vệ ngư dân an tâm khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; cần công khai minh bạch tài sản và thu nhập hằng năm của người có chức vụ để phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu quả...
N.T và S.T