Tin Nhà nước làm đường hầm xuyên qua đèo Hải Vân để giao thông thuận tiện với nhiều người là một tin vui, nhưng với bà Châu Thị Lan ở tổ 11, phường Hòa Hiệp Bắc là điều ngược lại.
Đường công vụ phục vụ công trình đường hầm Hải Vân, giờ đây đã trở thành con đường du lịch sinh thái. |
Giữa cái nắng chang chang của trưa tháng 4, dưới một tấm bạt che tạm trên đường tránh gần hầm Hải Vân, trong lúc chờ xe khách, bà Lan tâm sự: “Thực sự cái lo của tôi là đúng, vì thời gian đầu khi có đường hầm, việc buôn bán của tôi trở nên ế ẩm vì mất một lượng khách lớn đi qua đèo. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn khi tôi chuyển qua bán trên đoạn đường này thì thu nhập đã trở về như lúc trước”. “Gần 35 năm bán trên đèo, tôi đã chứng kiến bao nhiêu tai nạn thảm khốc ở đây, còn bây chừ thì không còn nữa. Rứa là quá tốt rồi còn gì”, bà cười mãn nguyện.
Trước đây khi chưa có hầm Hải Vân, trục đường độc đạo Bắc-Nam này mỗi ngày có trung bình 7-8 ngàn lượt xe khách và xe du lịch, kéo theo đó là rất nhiều dịch vụ như ăn uống giải khát, sửa chữa xe… Thế nhưng từ khi có đường hầm xuyên qua đèo Hải Vân, tuyến đường này lại rơi vào cảnh vắng vẻ, và hệ quả là rất nhiều người sống bằng nghề dịch vụ phục vụ hành khách gặp khó khăn trong việc làm ăn. Ông Trần Văn Tề, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Không riêng gì người dân mà chính quyền cũng lo sốt vó vì phải làm sao nhanh chóng ổn định làm ăn cho bà con khi đường hầm đi vào hoạt động. Với rất nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự năng động của bà con nên khó khăn cũng nhanh chóng qua đi. Hiện nay có thể nói, Hòa Hiệp Bắc là một trong những địa phương được hưởng lợi nhiều nhất khi công trình này đưa vào khai thác. Trước hết, đó là tình hình tai nạn giao thông đã giảm hẳn, trật tự an toàn xã hội cũng chuyển biến rất tích cực. Về không gian đô thị, công trình đường hầm Hải Vân đã mở rộng không gian của phường thêm về hướng bắc.
Ông Nguyễn Như Hân, cán bộ văn hóa của phường rất tâm đắc với sự đổi thay của địa phương khi có đường hầm Hải Vân. Trước đây, gần như tháng nào đoạn quốc lộ 1A chạy qua địa bàn phường cũng có chuyện. Lúc thì tai nạn giao thông, lúc thì gây rối trật tự. Đặc biệt là trên đỉnh đèo, nơi giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên-Huế, tình hình luôn phức tạp. Tuy nhiên khi có con đường hầm Hải Vân, gần như cùng lúc những tồn tại này đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Thay vào đó là địa phương có thêm nhiều cơ hội giúp bà còn có việc làm mới để ổn định đời sống. Một ví dụ điển hình là đường công vụ dài gần 3km phục vụ cho quá trình thi công công trình hầm Hải Vân, sau khi hoàn thành đã giao lại cho địa phương quản lý. Và hiện nay, nơi đây người dân mở dịch vụ du lịch sinh thái. Những khu du lịch sinh thái như Thủy Vân Sơn, Suối Lương, Hương Rừng… đã trở thành địa chỉ hấp dẫn của du khách. Cũng nhờ con đường này mà những cánh rừng dọc theo con đường được chăm sóc tốt hơn và màu xanh cũng đã trở lại. Nhờ vậy, công tác phòng cháy chữa cháy rừng được bảo đảm. Câu lạc bộ Vườn rừng của phường cũng ra đời từ khi con đường này được chuyển cho địa phương quản lý, rất thành công trong việc giới thiệu những mô hình làm ăn hiệu quả. Theo thống kê sơ bộ, có gần 200 việc làm cho người lao động trên con đường này.
Phải nói rằng, Hòa Hiệp Bắc “thấy” rõ nhất và cũng sớm nhất việc tạo công ăn việc làm khi xây dựng hầm Hải Vân. Khi công trình được khởi công, với chính sách ưu tiên cho người dân địa phương, Hòa Hiệp Bắc đã có gần 100 lao động được nhận vào làm tại công trình hầm Hải Vân. Và khi đường hầm đi vào hoạt động, gần 10 người dân được nhận vào làm việc ổn định tại trạm trung chuyển phía Nam hầm Hải Vân. Sắp đến đây, khi dự án trạm dịch vụ tổng hợp (đang trong quá trình thi công, ngay cửa ngõ phía Nam của hầm) ra đời, có thể tạo việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó người dân Hòa Hiệp Bắc có sự ưu tiên.
Hình ảnh một “thị trấn nhỏ” dưới chân đèo Hải Vân với rất nhiều bất cập về an ninh trật tư, an toàn giao thông… đã trở thành quá khứ. Thay vào đó là một không gian đô thị rộng mở ngay phía Nam đèo Hải Vân, với khu dân cư mới, khu công nghiệp đang được hình thành, đã làm thay đổi căn bản diện mạo phố thị nơi đây.
Hầm đường bộ Hải Vân được khởi công xây dựng vào ngày 20-8-2000, với tổng kinh phí 150 triệu USD, từ vốn vay của Ngân hàng JBIC Nhật Bản. Đây được xem là một trong 30 hầm đường bộ lớn nhất thế giới, và là số 1 của khu vực Đông Nam Á. Hầm dài 6.280 mét, rộng 10 mét, cao 7,5 mét. Đường thoát hiểm dài 6.280 mét, rộng 4,7 mét, cao 3,8 mét. Đường hầm thông gió dài 1.810 mét, rộng 8,2 mét, cao 5,3 mét. Để bảo đảm không khí lưu thông tốt, ngoài hệ thống quạt gió gắn dọc theo thân hầm, còn có hầm lọc bụi tĩnh điện với thể tích dài 150 mét, rộng 10,2 mét, cao 6,7 mét. Ngày 5-6-2005, hầm chính thức khánh thành và đưa vào khai thác. Thời gian qua đèo Hải Vân của các phương tiện trước đây phải mất gần một tiếng đồng hồ, nay rút xuống dưới 7 phút. Điều này không những đem lợi ích về kinh tế, mà còn bảo đảm an toàn giao thông cho hàng ngàn lượt xe qua lại mỗi ngày. |
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN