.

Đưa quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng đi vào cuộc sống

.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Sở Tài chính vừa ký kết Quy chế phối hợp công tác thực hiện Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ) theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. P.V Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng về nội dung này. Bà Phượng cho biết:

Hoạt động GSĐTCĐ được đánh giá có hiệu quả đối với công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong ảnh: Đường Phạm Như Xương. 

Việc ký kết Quy chế phối hợp công tác là thực hiện theo Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BKHĐT-BTC-BTT UB MTTQVN về hướng dẫn thực hiện Quyết định 80/2005/QĐ-TTg nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất triển khai thực hiện Quy chế GSĐTCĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công các công trình, dự án triển khai trên địa bàn dân cư (trừ dự án thuộc bí mật quốc gia) ở phường, xã.

* P.V: Được biết trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã triển khai thực hiện Quyết định 80/2005/QĐ-TTg và có hướng dẫn giao nhiệm vụ GSĐTCĐ cho Ban Thanh tra nhân dân ở phường, xã. Vậy sau ký kết quy chế với hai cơ quan Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, việc thực hiện có gì khác, thưa bà ?

- Bà Hà Thị Minh Phượng: Theo phản ánh của Thanh tra nhân dân (TTND) ở phường, xã, việc triển khai phổ biến Quyết định 80/2005/QĐ-TTg cho các cơ quan có trách nhiệm liên quan, đặc biệt là đối tượng chịu sự giám sát chưa đầy đủ. Do đó, TTND thường không nhận được sự hợp tác của chủ đầu tư về yêu cầu được cung cấp thông tin theo quy định. Mặt khác, TTND còn hạn chế về nghiệp vụ giám sát, chưa chủ động thu thập thông tin dự án. Sau khi ký kết quy chế phối hợp, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định về GSĐTCĐ, tạo điều kiện cho TTND thực hiện nhiệm vụ GSĐTCĐ; đồng thời sẽ hướng dẫn nghiệp vụ GSĐTCĐ cho các Ban TTND. Mới đây, Sở KH&ĐT đã cung cấp cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố danh sách một số dự án khai thác quỹ đất để bố trí tái định cư.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban TTND ở phường, xã thực hiện GSĐTCĐ, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tích cực thực hiện quyền GSĐTCĐ theo quy định tại Điều 5 của Quy chế GSĐTCĐ ban hành kèm theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg.

Sở Tài chính cũng đã hướng dẫn cơ quan tài chính các cấp tham mưu bố trí kinh phí chỉ đạo hoạt động GSĐTCĐ của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện là 5 triệu đồng/năm, kinh phí hoạt động GSĐTCĐ của Ban TTND là 3 triệu đồng/năm, thực hiện từ năm 2010.

* P.V: Cần phân biệt GSĐTCĐ với giám sát công trình như thế nào?

- Bà Hà Thị Minh Phượng: GSĐTCĐ là giám sát của nhân dân khác với giám sát công trình. Mục đích của GSĐTCĐ là nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm các quy định về quản lý và thực hiện đầu tư, xử lý những việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, xâm hại lợi ích cộng đồng. Nội dung của GSĐTCĐ là kiểm tra sự phù hợp giữa nội dung quyết định đầu tư với quy hoạch đã được duyệt; kiểm tra việc chấp hành quy định của chủ đầu tư và các nhà thầu. Ví dụ qua giám sát phát hiện, kiến nghị xử lý việc bờ rào bao quanh dự án vượt ra ngoài chỉ giới đất cấp cho dự án; theo thiết kế có công trình xử lý nước thải nhưng thực tế lại không đầu tư công trình xử lý nước thải...

Hoặc qua giám sát phát hiện, kiến nghị xử lý việc xâm hại lợi ích cộng đồng, gây tác động tiêu cực đến đời sống cộng đồng như: Khi đầu tư, vận hành, khai thác đã gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, làm hỏng hệ thống cấp thoát nước, thông tin liên lạc của cộng đồng, làm mất việc làm, ảnh hưởng nguồn thu nhập của một bộ phận cộng đồng nhưng không có biện pháp xử lý khắc phục. Nói tóm lại, GSĐTCĐ là giám sát tập trung vào những tác động, ảnh hưởng của dự án đối với lợi ích của cộng đồng.

Còn giám sát thi công công trình là việc nghiệm thu xác nhận công trình bảo đảm đúng thiết kế, chất lượng hoặc từ chối nếu công trình không đạt yêu cầu về thiết kế, chất lượng.

* P.V: Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn.

Sơn Trung (Thực hiện)

* Ông Đậu Lê Thống, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Cường Nam: Cần phổ biến Quyết định 80/2005/QĐ-TTg đến các đối tượng chịu sự giám sát.

Trong hệ thống Mặt trận đã triển khai Quyết định 80/2005/QĐ-TTg đến Mặt trận phường, xã. Ban Thanh tra nhân dân phường cũng đã được hướng dẫn nhận nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ). Chúng tôi tích cực làm nhưng GSĐTCĐ không hiệu quả do thiếu sự hợp tác của đối tượng chịu sự giám sát. Chỉ khi triển khai dự án gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng làm dân bức xúc, chúng tôi yêu cầu xử lý họ mới giải quyết.

Việc cung cấp thông tin về dự án theo quy định của Quyết định 80/2005/QĐ-TTg thì không. Theo tìm hiểu của chúng tôi có thể họ chưa được phổ biến Quyết định 80/2005/QĐ-TTg để nắm các quy định và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Ban Thanh tra nhân dân của phường, xã được giao nhiệm vụ GSĐTCĐ. Theo chúng tôi, cần tăng cường công tác phổ biến Quyết định 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế GSĐTCĐ đến các đối tượng chịu sự giám sát là: Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, các nhà thầu. Chỉ khi các đối tượng chịu sự giám sát nắm bắt được các quy định tại Quy chế GSĐTCĐ và có thiện chí hợp tác thì hoạt động GSĐTCĐ mới đạt mục tiêu: Phát hiện, ngăn chặn để xử lý hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định; các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm hại lợi ích cộng đồng.

* Ông Huỳnh Thanh Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu: Phải được cung cấp thông tin thì giám sát mới có hiệu quả.

Theo quy định của Quy chế GSĐTCĐ, Ban TTND được giao nhiệm vụ GSĐTCĐ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư trên địa bàn phường, xã; yêu cầu các đối tượng chịu sự GSĐTCĐ trả lời, cung cấp thông tin phục vụ việc giám sát. Đồng thời, Ban TTND có quyền kiến nghị cấp thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong trường hợp dự án có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế ngay cả chính quyền ở cơ sở còn chưa được cung cấp thông tin đầy đủ chứ nói gì đến Ban TTND. Mà không có thông tin thì GSĐTCĐ khó đạt được hiệu quả tốt. Hoạt động chỉ đạo thực hiện GSĐTCĐ của Mặt trận cấp trên cũng vậy, được cung cấp đầy đủ thông tin thì mới chỉ đạo có hiệu quả. Vì vậy, để đưa Quy chế GSĐTCĐ đi vào cuộc sống cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và Mặt trận trong triển khai đưa Quyết định 80/2005/QĐ-TTg đi vào cuộc sống. Quan trọng nhất là sự hợp tác thiện chí giữa Ban TTND được giao nhiệm vụ GSĐTCĐ với đối tượng chịu sự giám sát. Hoạt động GSĐTCĐ cũng cần tuân thủ quy định không gây cản trở công việc của đối tượng chịu sự giám sát.

* Ông Đỗ Thành Nhân, Phó trưởng Ban Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố: Tập trung giám sát, phát hiện những việc ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng.

Giám sát công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đòi hỏi thành viên của Ban TTND được giao nhiệm vụ GSĐTCĐ phải có hiểu biết thiết kế kỹ thuật của công trình. Đối với các công trình khác (trừ dự án thuộc bí mật quốc gia), hoạt động GSĐTCĐ cần tập trung vào những vấn đề cụ thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng. Chẳng hạn như cơ quan có trách nhiệm có thực hiện công khai hóa thông tin về dự án, phương án giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư? Qua GSĐTCĐ để phát hiện những mâu thuẫn giữa nội dung đã công khai với thực tế triển khai dự án; phát hiện sự thiếu công bằng, tiêu cực trong thực hiện chính sách đền bù, bố trí tái định cư.

Phát hiện quá trình triển khai dự án hoặc vận hành dự án làm mất an toàn giao thông, cản trở việc đi lại của nhân dân, làm hỏng hạ tầng cơ sở của khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường (chất thải rắn, nước, không khí, tiếng ồn...). Nói chung là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng làm người dân bức xúc. Ban TTND cần vận động nhân dân tham gia cùng giám sát.

Theo quy định, Ban TTND có quyền kiến nghị đối tượng chịu sự GSĐTCĐ xử lý, giải quyết những vấn đề gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cộng đồng. Nếu thấy xử lý chưa thỏa đáng thì tiếp tục kiến nghị lên cấp thẩm quyền cao hơn hoặc báo cáo Mặt trận cấp trên để kiến nghị xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đoàn Sơn (ghi)


;
.
.
.
.
.