.

Gặp người đã 7 lần được truy điệu sống

.

Một ngày cuối tháng 4, đúng dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đến thăm gia đình Đại tá Phạm Duy Tam, nguyên Phó Tham mưu trưởng Tác chiến Quân chủng Hải quân - người từng 7 lần được truy điệu sống tại số 20 - Triệu Việt Vương (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Đại tá Phạm Duy Tam bên cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Ông quê ở Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Từ thủa ấu thơ ông đã gắn bó với biển nên tính cách của ông đậm chất biển cả, thật hồn hậu, hòa đồng. Mẹ ông mất khi ông mới 6 tháng tuổi; khi cha mất thì ông đang làm nhiệm vụ trên biển không thể về chịu tang cha. Thời đánh Mỹ, ông là một trong những thuyền trưởng của đoàn tàu không số cùng những huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày đó, ông đã không cho người thân biết mình vào Nam chiến đấu, vì mỗi chuyến đi phải đối mặt với sóng gió, với máy bay địch, với những kẻ thù hung dữ giữa biển khơi. Ra đi không hẹn ngày trở về, do vậy mỗi lần trước khi tàu nhổ neo, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đến làm lễ truy điệu cho anh em đi làm nhiệm vụ. Sau này, chiến thắng trở về, vợ ông mới biết chồng mình vào Nam chiến đấu. Còn trong công việc, dù ở cương vị nào ông cũng luôn tỏ rõ là người chỉ huy có bản lĩnh, kinh nghiệm, quyết đoán và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trở về đời thường, ông vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn như hồi công tác và tham gia tích cực các hoạt động phong trào địa phương; ông hạnh phúc bên người vợ hiền hậu, thủy chung, tần tảo cả đời vì chồng, vì con.

Khi được hỏi về những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ, ông bồi hồi nhớ về những kỷ niệm chiến đấu, nhớ về đồng đội cùng ông vào sinh, ra tử, có người đã vĩnh viễn nằm dưới biển xanh và những con tàu đã gắn bó với ông để làm nên những chiến công. Trong dòng ký ức ấy, có cả câu chuyện ông cùng đồng đội làm nhiệm vụ giải phóng Trường Sa.

 ... Ngày 29-3-1975, thành phố Đà Nẵng được giải phóng thì sau hai tuần, một biên đội tàu cá giả dạng của Đoàn tàu không số 125 được lệnh hành quân cấp tốc từ Hải Phòng vào Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng khẩn trương tiếp nhận quân, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cùng với các cánh quân trên đất liền thần tốc tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam. Đây là một mũi tiến công duy nhất trên hướng biển, do các tàu không số phối hợp với các lực lượng đặc công của quân chủng Hải quân và Sư đoàn 2, Quân khu 5 nhanh chóng nắm chắc thời cơ, bí mật, bất ngờ, thần tốc tiến ra đánh chiếm các đảo do quân ngụy Sài Gòn chốt giữ trên quần đảo Trường Sa.

 Biên đội gồm 3 tàu: Tàu 673 do đồng chí Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng; tàu 674 do đồng chí Nguyển Văn Đức làm thuyền trưởng; và tàu 675 do ông-Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng, còn đồng chí Dương Tấn Kịch là biên đội trưởng. Biên đội tàu 673, 674, 675 có nhiệm vụ chở lực lượng đổ bộ gồm: Đội 1, Đoàn 126 đặc công Hải quân và một bộ phận của Sư đoàn 2 (đơn vị phối thuộc) đánh chiếm các đảo. Cả hai lực lượng này do đồng chí Mai Năng (Anh hùng LLVT nhân dân) chỉ huy. Đúng 4 giờ sáng ngày 11-4-1975, từ cảng Tiên Sa, 3 con tàu nhỏ bé được lệnh xuất kích, lướt sóng ra khơi thẳng hướng đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa với niềm tin và quyết tâm chiến thắng.

Nhiệm vụ trên giao cho biên đội là phải phát hiện và phân biệt các đảo có quân ngụy Sài Gòn, tuyệt đối không được đánh nhầm vào các đảo do Philippines và Đài Loan đang chiếm giữ. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và các đảo lại thấp lè tè (chiều cao các đảo ở Trường Sa hồi đó so với mặt nước biển chỉ từ 1,5m đến 4,5m). Ban ngày phát hiện đã khó, ban đêm lại càng khó hơn. Mặt khác, hồi đó máy móc hàng hải dẫn đường cho tàu đi biển quá thô sơ. Trên tàu chỉ có một la bàn từ chỉ hướng đi, một máy 1/6 dùng để đo mặt trời, một đồng hồ thiên văn, không có rađa, định vị, máy đo sâu… Nhưng được Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 tin tưởng giao nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ của biên đội luôn vững tin ở chính mình, đặc biệt đã được rèn luyện thử thách, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá trong những năm tháng vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Quyết tâm của thuyền trưởng Phạm Duy Tam cùng đồng đội là phải bằng mọi cách khắc phục khó khăn, với phương châm: Chớp thời cơ, nhanh chóng, bí mật, bất ngờ đánh chiếm đảo.

Sau 3 ngày đêm hành quân liên tục vượt gần 500 hải lý, biên đội tàu 673, 674, 675 đã phát hiện được đảo Song Tử Tây và thực hiện đúng ý định, mệnh lệnh trên giao. Lúc này, 2 tàu 674 và 675 án ngữ phía bắc đảo 15 hải lý để đề phòng địch từ phía bắc xuống và nghi binh 2 tàu chiến của ngụy đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết. Tàu 673 bí mật tiếp cận vào gần đảo, thả xuống ca nô loại nhỏ lần lượt chở 40 chiến sĩ đặc công do đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, đội trưởng đội 1, Đoàn 126 chỉ huy đổ bộ lên đánh chiếm đảo. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, ta bất ngờ nổ súng, đồng loạt tấn công. Sau 15 phút chiến đấu cực kỳ căng thẳng, ta đã giải phóng hoàn toàn đảo Song Tử Tây (đảo đầu tiên được giải phóng), tiêu diệt 7 tên và bắt sống 33 tên địch.

 Đêm 14-4-1975, thuyền trưởng Phạm Duy Tam trực tiếp chỉ huy tàu 675 chở tù binh từ đảo Song Tử Tây về Đà Nẵng. 18 giờ ngày 18-4 tàu cập cảng Tiên Sa an toàn và  bàn giao tù binh cho Ban quân quản Đà Nẵng. Đêm 23, rạng sáng 24-4, tàu 641 của Đoàn 125 tiếp tục chở phân đội đặc công nước gồm 20 chiến sĩ, do đồng chí Đỗ Viết Cường, đội phó Đội 1, Đoàn 126 (Anh hùng LLVT nhân dân) chỉ huy đổ bộ đánh chiếm đảo Sơn Ca. Sau ít phút nổ súng, ta đã giải phóng đảo, bắt sống 7 tên địch. Lúc này, trên đất liền, quân ta liên tục thắng lớn. Quân ngụy hoang mang không thể cố thủ các đảo còn lại ở quần đảo Trường Sa, chúng sử dụng 2 tàu chiến ở khu vực đảo Nam Yết bốc toàn bộ quân của 4 đảo: Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa và An Bang rồi tháo chạy.

Biên đội tàu của Đoàn 125 chớp thời cơ, thừa thắng xông lên, tàu 675 do đồng chí Tam  chỉ huy đã nhanh chóng đưa lực lượng của Trung đoàn 2, Sư đoàn 2 bộ binh Quân khu 5 từ Đà Nẵng thần tốc ra tiếp quản, chốt giữ các  đảo. Đúng 2 giờ sáng ngày 29-4-1975, ở hướng tấn công bằng đường biển, quân ta đã kéo cờ Giải phóng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc trong niềm vui khôn xiết của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Những kỷ niệm của 35 năm về trước vẫn tươi rói trên khuôn mặt dày dạn sương gió, trận mạc của người Cựu chiến binh Hải quân. Nhìn vào tấm hình người con trai là Thượng úy Phạm Duy Phương trong bộ quân phục Hải quân bên những tàu chiến hiện đại, mắt ông sáng lên niềm tin về thế hệ trẻ hôm nay sẽ đủ sức kế tục sự nghiệp cha, anh đi trước, viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Mai Xuân Hưởng

 

;
.
.
.
.
.