.

Góp sức giải phóng Sài Gòn

.

Sự sụp đổ của đế quốc Mỹ và tay sai tại miền Nam mà điểm cuối cùng là Dinh Độc Lập trong “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử là một mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ta; dấu hỏi lớn cho những ai quan tâm tìm hiểu về cuộc chiến tranh này. Dưới đây là lời kể của các nhân chứng tại Đà Nẵng – những người từng thực hiện khẩu hiệu “Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên”.

Phụ nữ Đà Nẵng tiếp tế cho bộ đội tiến vào Sài Gòn trên Quốc lộ 1A. 

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng một mặt ổn định tình hình, chuẩn bị đối phó nếu đế quốc Mỹ quay lại can thiệp bằng quân sự, mặt khác ra sức chi viện sức người, sức của để giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà nhớ lại: “Giải phóng xong, Đà Nẵng lại tiếp sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đặc biệt hướng về Sài Gòn. Khẩu hiệu lúc này là: “Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên!”.

Từ những chiến lợi phẩm thu được của địch tại Đà Nẵng, chúng ta có nhiều phương tiện chiến tranh hơn trong việc chi viện cho Sài Gòn. Đồng chí Lê Văn Huấn – nguyên Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà cho chúng tôi biết: “Giải phóng Đà Nẵng, ta thu được 109 khẩu pháo, 138 xe tăng và xe bọc thép, 115 máy bay, 47 tàu thủy. Chúng tôi thu gom tất cả những chiến lợi phẩm nói trên để chuyển vào giải phóng Sài Gòn. Từng đoàn xe lũ lượt nối đuôi nhau chạy hối hả trên quốc lộ 1A để vào Nam”. Tuy ta thu được hàng trăm máy bay của địch tại sân bay Đà Nẵng song làm thế nào để sử dụng được số máy bay trên để tiếp tục tiến công giải phóng Sài Gòn là một yêu cầu bức thiết lúc bấy giờ của Khu ủy Khu 5.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: TTXVN 

Theo đồng chí Nguyễn Quang Thái - nguyên Trưởng ban Binh vận Đặc khu ủy Quảng Đà cho chúng tôi biết: “Ngày 4-4-1975, tôi được cấp trên chỉ đạo xét chọn ra 3 sĩ quan ngụy biết sử dụng loại máy bay A37 để giao về trên huấn luyện cho anh em phi công ta sử dụng loại máy bay này tại sân bay Đà Nẵng, để ném bom vào các mục tiêu quân sự quanh Sài Gòn. Cũng trong thời gian đó, tôi đã chọn một số cơ sở trà trộn vào dòng người di tản vào Nam để tuyên truyền, vận động binh lính ngụy đào rã ngũ và làm binh biến, nhiều người trong số đó hiện vẫn còn sống tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng kêu gọi anh em thanh niên lên đường nhập ngũ, “tiến về Sài Gòn”, nhiều người trong số hàng ngàn người con quê hương xứ Quảng ra đi ngày ấy đã mãi mãi không trở về.

Không chỉ chi viện sức người và chiến lợi phẩm cho Sài Gòn, nhiều cơ sở cách mạng tại Đà Nẵng, nhất là những người chuyên doanh xe khách, đã tự nguyện điều động hàng ngàn lượt xe đưa bộ đội vào Nam chiến đấu. Ông Đinh Thọ - người phụ trách Ban khởi nghĩa tài xế ô-tô tại Đà Nẵng trong mùa xuân 1975 tâm sự: “Vui lắm, trước và sau ngày giải phóng Đà Nẵng, 800 anh em tài xế chúng tôi làm việc không ngơi nghỉ. Số chở bà con Quảng Trị, Thừa Thiên... tản cư về quê. Những chuyến xe đưa bà con tản cư về quê của anh em chúng tôi chưa kịp nghỉ lấy một ngày, thì được lệnh chuyển 18.200 quân giải phóng vào giải phóng Sài Gòn. Lúc này, ngoài 800 xe đã có, Ban khởi nghĩa đã vận động được 13 chiếc xe loại 52 chỗ ngồi ở các tỉnh khác vào thành phố lấy xăng dầu, tham gia chuyển quân. Trong đợt phục vụ chiến dịch này, chiếc xe mang biển số HA2505 do anh Đoàn Văn Nhứt lái bị trúng mìn, anh đã anh dũng hy sinh.

Cũng như các anh Trứ, Hòe, Quý, Tâm, Hội, Vinh, Mẫn, Diện, Hải, Thận đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch “tiến về Sài Gòn”. Họ đã ngã xuống trong những ngày mà cả nước đang tiến thật gần đến ngày thống nhất!”. Trong khi đó, phụ nữ thì nấu cơm, nấu nước phục vụ cho bộ đội. Bà Nguyễn Thị Nhạn - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Quảng Nam-Đà Nẵng (bà vừa qua đời tại Đà Nẵng) có lần kể với tôi: “Ngày 10-4-1975, trên quốc lộ 1A, từng đoàn xe nườm nượp vào Nam, chị em phụ nữ chúng tôi phân công nhau nấu cơm nắm, thực phẩm, nước uống, trái cây cho anh em bộ đội. Hễ thấy xe bộ đội chạy qua là vẫy cờ cho xe dừng lại và trao tận tay cho anh em. Nhiều chị gánh thức ăn đến trễ, chạy theo xe không kịp nên ngồi khóc ngon lành!”.

Đúng như đồng chí Lê Duẩn từng nhận định: “Tấn công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng có ý nghĩa quyết định sự sụp đổ quân ngụy ở cả miền Nam”. Đến lượt mình, Đà Nẵng lại có tác động một cách mạnh mẽ trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã 35 năm trôi qua, tinh thần “Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên” đã góp phần không nhỏ trong tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân dân ta. Sự gắn kết mang tính lịch sử được xây bằng máu và nước mắt đó là một điểm tựa cho tình đoàn kết của nhân dân ở 2 thành phố anh hùng này cho cả hôm nay và mai sau.                 

LƯU ANH RÔ

;
.
.
.
.
.