Chỉ cần một ánh nhìn không bình thường, một sự thừa nhận thiếu trách nhiệm..., có thể chúng ta đang khiến người khuyết tật (NKT) nghĩ rằng mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu đánh giá một cách thực tế, có những việc người lao động khuyết tật vượt trội hơn so với người bình thường.
Những phụ nữ không khuyết ý chí
Trong xưởng may của NKT. |
Có lẽ, là khách hàng của món bánh mì, rất nhiều người biết đến thương hiệu bánh mì Thanh Thu. Đằng sau những ổ bánh mì giòn, ngon, thơm lừng ấy, ít ai biết đến chị Nguyễn Thị Thu bị khuyết tật, nhưng đã có trong tay 7 cơ sở bánh mì có tiếng. Chị vẫn ngày đêm miệt mài với công việc, vừa để chứng minh “NKT là những người có thể làm được mọi thứ mà người bình thường làm được”. Hay chị Đặng Thị Ngọc Ánh, chủ doanh nghiệp tư nhân may mặc Thiện Tâm. Biết bao lần, chị phải gạt nước mắt những khi gặp khó khăn trở ngại, để rồi gầy dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, lên cơ ngơi gọi là “khiêm tốn” như hiện nay. Nói như chị, đó cũng là cách “để nâng đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình vươn lên trong cuộc sống, xóa đi mặc cảm, tự ti”.
Thay đổi định kiến
Theo số liệu của Hội đồng BREC – Hoa Kỳ (Hội đồng Tư vấn người sử dụng lao động về việc làm cho người khuyết tật), tại Việt Nam, có đến 80% NKT không có việc làm và việc làm ổn định. Trong khi đó, phân tích của ông Robert Horvath (chuyên gia Hội trợ giúp NKT Việt Nam) cho thấy, NKT làm việc rất chăm chỉ, cần cù và tận tâm, do đó ít khi xảy ra tai nạn. Họ làm việc rất gắn bó, ít xin nghỉ việc, điều này giúp cho doanh nghiệp sử dụng lao động không lo đến việc thay đổi nhân viên. Ngoài ra, một số điều tra khác cho rằng, NKT biết lôi kéo những người thân của mình sử dụng sản phẩm họ làm ra. Những người này, chính là khách hàng của những doanh nghiệp có sử dụng lao động là NKT.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực sử dụng lao động là NKT thừa nhận: Khả năng của người lao động khuyết tật rất lớn. Rất nhiều NKT có khả năng lao động ở các mức độ khác nhau nhưng họ không có việc làm vì gặp phải nhiều rào cản, định kiến và thái độ tiêu cực. Và thực tế, NKT không chỉ đóng góp to lớn đối với nền kinh tế quốc dân mà sức lao động của họ giúp giảm đáng kể chi phí phúc lợi cho NKT và xóa đói giảm nghèo.
* Ông Greig Craft (Chủ tịch Quỹ điều hành Công ty MBH Protex Việt Nam) “Đừng xem họ là người khác biệt”: “Một số người đến công ty chúng tôi tham quan đã khóc vì thấy rất nhiều NKT đang làm việc dưới sàn nhà. Điều này vô hình trung đẩy những người đang gặp khiếm khuyết về mặt nào đó trong cơ thể cảm thấy họ đang bị người khác thương hại. Để giúp họ, chúng ta nên nhìn những NKT bằng cái nhìn bình thường, bởi họ cũng làm được những gì như chúng ta chứ không có gì là khác biệt”. |
Bài và ảnh: Duyên Anh