Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng vừa tiến hành kiểm tra về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) ở 7 phường, xã đại diện của 7 quận, huyện (chưa tính huyện Hoàng Sa). Qua kiểm tra, giải thích, tuyên truyền, lãnh đạo ở các địa phương mới “vỡ lẽ” thì ra TTND hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ sẽ có tác dụng tốt trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền cơ sở. Điều này cũng cho thấy một thực trạng hoạt động TTND ở phường, xã đang có nhiều bất cập, hạn chế.
Một buổi tập huấn nghiệp vụ TTND cho thành viên Ban TTND và cán bộ Mặt trận khu dân cư của phường Thuận Phước. |
Một cán bộ của Ban Dân chủ - Pháp luật (thành viên Đoàn kiểm tra) cho biết: Hoạt động của Ban TTND ở phường, xã rất mờ nhạt, chưa phát huy tốt việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện dân chủ ở cơ sở để góp phần phát huy dân chủ, chống tiêu cực và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức. Về cơ cấu tổ chức, Ban TTND ở một số cơ sở cơ cấu cả người đang đảm nhiệm công tác ở chính quyền phường, xã hoặc tổ trưởng dân phố làm thành viên mà không biết là sai quy định.
Có nơi cơ cấu số lượng thành viên Ban TTND vượt quá số lượng quy định là 11 người. Không ít những hiện tượng lập Ban TTND theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Đoàn kiểm tra đánh giá: Hầu hết các thành viên của Ban TTND đều chưa nắm vững về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mặc dù được tập huấn rất nhiều, tài liệu được cung cấp đầy đủ nhưng tập huấn xong rồi để đó. Đa số thành viên Ban TTND không hiểu, không nắm được kiến thức pháp luật và văn bản liên quan về TTND. Thậm chí có nơi vẫn còn nhầm lẫn rằng: Ban TTND lập ra chỉ để đi thanh tra vụ việc trong nhân dân. Do vậy hoạt động của Ban TTND mờ nhạt, người dân không hề biết đến TTND là ai, làm gì. Hầu hết người dân khi có vấn đề bức xúc, kiến nghị thì gửi thẳng đến UBND phường, xã, không thông báo cho TTND biết để giám sát chính quyền trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Hầu hết, Ban TTND chỉ thực hiện kiến nghị bằng miệng, không thực hiện kiến nghị bằng văn bản. Việc này làm giảm tính hiệu lực của việc kiến nghị, đồng thời các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm cũng không có căn cứ để trả lời theo đúng thời hạn quy định.
Đa số thành viên Ban TTND ở phường, xã chưa làm việc thật sự hết mình, còn e ngại, chưa mạnh dạn có tiếng nói thẳng thắn. Nhiều nơi TTND hoạt động thụ động, không chủ động tiến hành thu thập thông tin ý kiến, kiến nghị của nhân dân, không cập nhật thông tin về văn bản mới nên hiện nay vẫn sử dụng những văn bản đã hết hiệu lực. Khi nhận được ý kiến của nhân dân thì không biết kiến nghị ở đâu, kiến nghị với ai. Trong hoạt động giám sát, Ban TTND cũng chưa nắm được lĩnh vực, phạm vi được giám sát. Hoạt động giám sát của Ban TTND ở một số nơi còn chịu sự giám sát của UBND phường, xã. Ban TTND chỉ thực hiện nhiệm vụ khi được UBND phường, xã giao nhiệm vụ giám sát.
Trong hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng, hầu hết thành viên Ban TTND chưa nắm được tinh thần Quyết định 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên chỉ giám sát được các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thành viên Ban TTND không chủ động yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định của Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng mà bị động đợi được các chủ đầu tư mời đến các cuộc họp để nghe công bố thông tin dự án, chủ trương, chính sách về giải tỏa, đền bù và tái định cư nên trên địa bàn có bao nhiêu dự án thì hầu hết thành viên Ban TTND không nắm được.
Có dự án, Ban TTND cho rằng khó giám sát, nhưng khi được hỏi vướng ở đâu thì không chỉ ra được. Nhiều thành viên Ban TTND còn nhầm lẫn giám sát công trình với giám sát đầu tư của cộng đồng. Chính vì hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng của Ban TTND không hiệu quả nên không huy động được nhân dân tham gia cùng giám sát. Thực tế cho thấy, hoạt động của TTND thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn của Mặt trận quận, huyện…
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban TTND |
Bài và ảnh: Hoàng Anh