Hiện nay, học sinh đã dần thay đổi quan niệm học nghề là cánh cửa sau cùng, trong điều kiện hết suất bước chân vào giảng đường đại học...
“Tiến công” bằng nhiều mũi
Học nghề đã trở thành lựa chọn nghiêm túc của nhiều học sinh, nhưng để giữ chân các em thì còn nhiều điều phải bàn. |
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, tại các TTGDTX trên địa bàn thành phố, tỷ lệ học sinh lớp 12 đăng ký vào trường nghề tăng lên rõ rệt. Hồ sơ thi đại học kiểu “gửi cho có” theo đó giảm đáng kể. Bà Hạnh thống kê: “Năm 2009, 70% học sinh khối 12 tại trung tâm làm đơn dự thi vào trung cấp, cao đẳng nghề.
Năm nay, dự kiến hồ sơ dự thi đại học hoặc vào trường nghề cũng sẽ thể hiện đúng nguyện vọng và năng lực của học sinh”. Tương tự, tại TTGDTX Thanh Khê, ông Nguyễn Văn Thục, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Đến nay, trong số hồ sơ nhà trường nhận được, tỷ lệ thi trung cấp, cao đẳng nghề cao hơn thi đại học. Nếu những năm trước, tất cả học sinh, phụ huynh đều mong mỏi có tấm bằng đại học bằng mọi giá, thì nay, các em đã nhìn thẳng vào sức học, điều kiện bản thân để đưa ra quyết định”.
Không chỉ học sinh mà cả các bậc phụ huynh cũng có cái nhìn khác về học nghề. Theo ông Thục, “Phụ huynh vẫn còn coi tấm bằng đại học như tờ giấy thông hành cho con mình vào đời, nhưng hiện nay có người thay đổi quan niệm và biết chấp nhận thực tế”.
Để có kết quả này, các TTGDTX đã thực hiện công tác hướng nghiệp dưới nhiều hình thức. “Nhà trường phân công ba nhóm vận động, gồm giáo viên chủ nhiệm, Đoàn Thanh niên và cán bộ giáo vụ liên tục tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh thấy con đường tối ưu nhất trong điều kiện học lực của các em còn hạn chế. Và học nghề là một trong những sự lựa chọn hợp lý”, ông Thục nói.
Chỉ là bước đầu...
Xác định học nghề thay vì thi đại học theo phong trào là một thay đổi đáng kể trong quan niệm chọn ngành, chọn trường của học sinh. Nhưng có thể nói, tất cả chỉ là bước đầu, bởi trong số này, không ít hồ sơ đăng ký vào trung cấp, cao đẳng nghề chỉ là một cách đi “đường vòng” để cuối cùng đạt mục đích vào đại học.
Ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết: “Để thực sự thay đổi quan niệm của học sinh về việc học nghề còn lắm gian nan. Với thực tế các trường đại học công lập, dân lập được mở tràn lan, thêm vào đó, những cơ sở này lại đào tạo luôn cả trung cấp, cao đẳng nghề rồi cho liên thông lên đại học, chẳng khác nào “đóng cửa dạy nhau”, khiến học sinh thích vào các trường này hơn là vào một cơ sở chuyên về dạy nghề”. Ông Tiềm cho rằng, ở tầm vĩ mô, cần xem lại vấn đề liên thông, quy hoạch tỷ lệ trường đại học với các trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Một yếu tố khác để học sinh sau khi đã vào trường nghề vẫn giữ quyết tâm theo đuổi con đường này đến cùng, thay vì bỏ học giữa chừng, là bản thân nhà trường phải tự thay đổi. Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Việt-Úc cho rằng: “Thay đổi, đó là trách nhiệm của nhà trường. Trường nghề phải đào tạo cái thị trường cần thay vì dạy cái mình có”. Trong khi đó, theo ông Tiềm, các trường nghề cần bảo đảm tiêu chuẩn về giáo viên, thiết bị để đạt hiệu quả tốt nhất. Có như vậy, trường nghề mới thực sự là nơi giữ chân những em ngay từ đầu coi việc đăng ký học nghề là một quyết định nghiêm túc.
Bài và ảnh: THU HOA