.
Hội nghị bàn tròn về Mục tiêu Thiên niên kỷ

Đẩy mạnh giáo dục về bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ

.

(ĐNĐT) - Ngày 23-4, ngay trên tàu Hòa Bình đang neo đậu tại cảng Đà Nẵng, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã phối hợp với Mạng lưới giao lưu không chính thức của các tổ chức phi chính phủ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UN-NGO-IRENE) tổ chức hội nghị bàn tròn về Mục tiêu Thiên niên kỷ với chủ đề “Báo cáo tiến độ cho Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ về 10 năm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và vấn đề tăng quyền năng cho phụ nữ”.

Tham dự hội nghị có đại diện các nước Lào, Camphuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Philippin.


Trọng tâm của hội nghị bàn tròn lần này là vấn đề bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ. Đây cũng là một trong những nội dung chính của các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) mà LHQ phấn đấu hoàn thành vào năm 2015. Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, tỷ lệ phụ nữ ở những vị trí có quyền ra quyết định vẫn thấp.

Tiến sĩ Hanifa Mezoui, đại diện UN-NGO-IRENE, cho biết nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ nữ tham gia vào bộ máy chính quyền và ở những vị trí có thể ra quyết định chưa đạt đến có số 30%, nhiều nơi chỉ khoảng 10% hoặc ít hơn, duy nhất ở Thụy Điển con số này là 43%. Điều này đã hạn chế việc phát huy vị thế và năng lực của phụ nữ và chưa tạo nên sự bình đẳng cần thiết cho nữ giới trong việc ra quyết định, nhất là những quyết định liên quan đến lĩnh vực chính trị, kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, cho rằng phụ nữ ở nhiều nơi còn nhiều thiệt thòi, đau khổ. Họ chưa được tham gia đóng góp vào công việc của đất nước, của xã hội theo khả năng của họ. Do vậy, trách nhiệm tạo sự bình đẳng và tăng quyền năng cho phụ nữ trước hết thuộc lãnh đạo của từng quốc gia, thuộc phong trào phụ nữ ở mỗi nước.

Tiến sĩ Jayant Kumar Routray, Giám đốc Trung tâm chất lượng cao về Mục tiêu thiên niên kỷ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh: nhiều chính phủ đã có sự quan tâm hơn đến vấn đề tăng quyền năng cho nữ giới, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến vấn đề này. Việc phụ nữ có được quyền năng trong lĩnh vực chính trị là một dấu hiệu tốt vì họ có thể tham gia vào sự phát triển của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Bình và các nạn nhân bom nguyên tử đến từ Nhật Bản

Đại diện chính quyền thành phố Đà Nẵng, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố khẳng định, ở Đà Nẵng ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị - kinh tế - xã hội, được giao giữ những vị trí công tác quan trọng trong bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu. Vấn đề bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ vẫn còn là một quá trình phấn đấu lâu dài và gian truân, đòi hỏi những người hoạch định chính sách và cả cộng đồng xã hội sự bền bỉ, nỗ lực trên tinh thần đồng tâm hiệp lực.

* Trước khi diễn ra hội nghị bàn tròn, tại tàu Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Bình đã gặp gỡ và nói chuyện thân mật với các nạn nhân của bom nguyên tử tại Nhật Bản. Với tư cách Chủ tịch danh dự Hội nạn nhân chất độc da cam, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ những mất mát, đau thương mà nhân dân Nhật Bản cũng như Việt Nam phải gánh chịu vì những vũ khí, chất độc giết người.
 
Bà Bình nhấn mạnh: Nhân dân Việt Nam và Nhật Bản cần sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh và ngăn chặn các vũ khí giết người hàng loạt. Cuộc đấu tranh này không đơn giản, sẽ khó khăn nhưng vì cuộc sống của con người, nhân dân hai nước phải đoàn kết, làm tất cả những gì làm được để duy trì nền hòa bình cho thế giới.

M.Hạnh

;
.
.
.
.
.