Trở lại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh (BTNNCĐDC&TEBH), các em ở đây ôm chầm lấy chúng tôi như những người thân quen. Sau hơn 3 năm trở lại nơi này, nhiều thầy, cô năm xưa đã chuyển sang công tác khác, nhưng chúng tôi vẫn thấy rõ niềm vui ấm áp trên những gương mặt dị dạng không giấu vẻ hồn nhiên của các em.
Gồng nỗi đau, gắng cái chữ
Hai em nhiễm chất độc da cam đang giúp nhau làm hương. |
Đối với người bình thường, việc học văn hóa đã là gian khổ, với những trẻ em thiểu năng về trí tuệ lại càng khó khăn và gian nan hơn. Chúng tôi lại càng cảm phục khi biết rằng, các em ở trung tâm đang vượt qua nỗi đau trong cơ thể, cố gắng vượt lên chính mình để học cái chữ, viết được những cái tên của mình. Đây cũng là nguồn động viên lớn cho các bậc phụ huynh và các thầy cô tình nguyện ở trung tâm. Anh Nguyễn Ngọc Phương, nhân viên xã hội và cũng là thầy dạy điện cơ tại cơ sở 1 của Trung tâm BTNNCĐDC&TEBH cho biết, ngoài những em khiếm thị và khiếm thính có thể tiếp thu bài nhanh nhẹn, những em bị thiểu năng trí tuệ do nhiễm chất độc da cam phải vất vả và khổ công mới viết nên được cái tên của mình.
Em Hồ Văn Hải (13 tuổi), nhà ở tổ 93, Hòa Minh đã quyết tâm tự tập xe đạp để tới trường một mình mà không cần sự giúp đỡ của gia đình. Đặc biệt, các ngón tay của Hải bị dính lại với nhau nên rất khó khăn để cầm bút, tuy nhiên với sự ham học và chịu khó luyện tập, em đã biết đọc và biết viết. Ngoài ra, Hải cũng cố gắng cầm kéo để học may. Thầy Phương cho biết, mặc dầu học sau các bạn khác một tháng nhưng Hải đã có tiến bộ vượt bậc và đuổi kịp các bạn trong lớp. Hầu hết các em bị nhiễm chất độc da cam đều bị thiểu năng về trí não. Vì vậy, việc học văn hóa rất gian nan.
Đặc biệt, những hôm thời tiết thay đổi, các em còn lên cơn co giật ngay trong lúc học hay trong cả bữa ăn. Cô Võ Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm BTNNCĐDC&TEBH cho biết, trước khi chuyển đến đây, nhiều em thường đánh bạn, đánh luôn cả cô giáo mỗi khi lên cơn đau. Tuy nhiên, sau một thời gian các em rất ngoan và biết yêu thương, giúp đỡ nhau học tập. Do các em thiểu năng về trí tuệ nên các thầy cô tình nguyện chỉ cho các em vui chơi là chính, việc học văn hóa là nhằm giúp các em đi vào nền nếp, thế nhưng các em rất thích học, thích đọc và thích vẽ. Đa số các em vào trung tâm đều chưa biết đếm, nhưng nhờ sự cố gắng của mình, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô tình nguyện và nhân viên xã hội nên các em đã biết đọc, biết viết. Để viết được cái tên của riêng mình, các em phải mất đến 3-4 tháng tập luyện. Riêng chỉ mỗi con chữ trong bảng chữ cái, các em phải viết đi viết lại nhiều trang giấy mới nhớ được. Tuy nhiên, sự vất vả cuối cùng cũng được đền đáp, nhiều em không chỉ viết được họ tên mà còn viết được địa chỉ của nhà mình, điển hình như em Bùi Công Huy Nhật, Phạm Nguyên Dũng, Lý Văn Công, Lê Trùng Dương, Bùi Tấn Thọ...
Ngoài việc học văn hóa, các em còn được học may áo quần, thêu, kết cườm, làm hoa, làm hương, điện cơ... Tùy theo sức khỏe và trình độ năng lực, các thầy cô sẽ xếp các em vào lớp phù hợp để có điều kiện dạy dỗ cho các em mau chóng tiếp thu.
Trốn nhà đi vì nhớ trung tâm
Một em thiểu năng trí tuệ đang được cô giáo dạy học may. |
Thầy Nguyễn Ngọc Phương cho biết, khi mới được đưa vào đây, nhiều em đã khóc và la hét. Không ít em đã bỏ trốn khỏi trung tâm khiến thầy cô và phụ huynh hoang mang. Tuy nhiên, sau một thời gian không lâu, các em quen dần, gắn bó thân thiết với bạn bè, thầy cô ở trường. Thầy Phương kể lại, trường hợp em Đinh Thanh Xuân những ngày đầu chưa quen với môi trường tại trung tâm nên đã leo rào bỏ trốn khiến thầy cô phải chia nhau đi tìm, nhưng không bao lâu em đã quen dần và không muốn ở nhà. Đặc biệt có em Trần Quốc Chính, nhà ở tận Hòa Vang, đã lén phụ huynh đi bộ một mình lên trung tâm ở 119 Nguyễn Như Hạnh, quận Liên Chiểu chỉ vì nhớ trường, nhớ thầy cô và bạn bè. Phụ huynh em Chính cho biết, hôm đó mẹ của Chính bận việc nhà nên xin trung tâm nghỉ học một buổi. Nhưng vì nhớ trung tâm, Chính đã trốn nhà đi bộ lên trung tâm một mình mà gia đình không hay biết. Trong khi đó, em Trần Quang Hải ở Hòa Phước, Hòa Vang tự đón xe đi lên trung tâm. Có những hôm vào thứ bảy, chủ nhật, nghỉ học, vì nhớ bạn, các em đã tự đi lên trung tâm một mình.
Khi đã quen với bạn bè, thầy cô, các em thích đến trường để tham gia các hoạt động vui chơi. Nhiều em còn biết hát, biết múa... Thầy Phương cho biết thêm, trung tâm rất mong có nhiều em được đưa đến đây để học tập, vui chơi. Hiện nay có nhiều gia đình khó khăn, lại có đến 3-4 em bị nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn chưa biết đến trung tâm này. Vì vậy, đến với trung tâm, các em sẽ được các thầy cô chăm sóc, nuôi dưỡng, luyện tập phục hồi chức năng, vui chơi, ca hát để phát triển về thể chất, tinh thần, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Ngoài ra, các em cũng được học nghề để hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Rời trung tâm, chúng tôi không khỏi xúc động khi có em chạy theo níu áo chúng tôi ngọng ngịu: “Ở lại chơi đã, ở lại chơi đã... về sớm rứa”. Nhìn gương mặt hồn nhiên của các em, chúng tôi chợt nhớ lại câu nói của thầy Phương: “Rất mong các nhà tài trợ, lãnh đạo các cấp quan tâm tới các em hơn nữa để các em vơi bớt nỗi đau, đỡ bớt gánh nặng cho gia đình...”.
Nhằm chia sẻ những nỗi đau thương mất mát của nạn nhân chất độc da cam, Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng (hơn 1.600 hội viên) đã thành lập Trung tâm BTNNCĐDC&TEBH với 2 cơ sở tại 119 Nguyễn Như Hạnh, quận Liên Chiểu và K112/11 Quang Trung, quận Hải Châu để nhận nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 80 em là nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo bất hạnh. Ngày 3-4-2010, được sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ Lanza, Hội tiếp tục khởi công xây dựng thêm cơ sở 3 tại thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng, trên diện tích 11.000m2. Công trình này sẽ trở thành nơi chăm sóc NNCĐDC&TEBH của khu vực Hòa Vang. |
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG