Từ bao đời nay, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm đã trở thành truyền thống và được xem là điểm tựa của tinh thần văn hóa dân tộc. Mỗi người dân đất Việt, dù đi đâu về đâu, bao thế hệ con cháu Lạc Hồng cũng luôn nhớ về cội nguồn của mình. Để rồi, cứ đến ngày mùng mười tháng ba hằng năm, tất cả lại tụ về vùng đất thiêng Đền Hùng để tri ân công đức Tổ tiên...
Ảnh: ĐINH VŨ |
Năm Canh Dần 2010, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cũng là thời điểm mở đầu các hoạt động trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Gắn với đó là lễ khai mạc Ngày hội văn hóa - thể thao - du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII. Do đó quy mô của lễ hội năm nay được tổ chức lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia trực tiếp của 17 tỉnh, thành trong cả nước. Không chỉ bó hẹp tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, các hoạt động trực tiếp của lễ hội trải dài từ Đền Hùng đến ngã ba Bạch Hạc và nhiều địa điểm ở 2 huyện Lâm Thao và Phù Ninh. Tại đây, các hoạt động văn hóa mang đậm màu sắc dân gian, huyền thoại sẽ được tái hiện. Trong 10 ngày diễn ra lễ hội, hàng loạt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn bản sắc và các nét văn hóa dân gian của nhiều vùng miền trong cả nước cũng sẽ diễn ra liên tục như: Chương trình hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với màn biểu diễn nghệ thuật do các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân các tỉnh, thành tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương, các tỉnh vùng Đông Bắc, các đoàn nghệ thuật Trung ương trình diễn; tổ chức rước kiệu truyền thống các xã vùng ven khu di tích vào Đền Hùng, triển lãm ảnh tư liệu “Các vùng kinh đô Việt Nam”, “Giỗ Tổ Hùng Vương xưa và nay”, triển lãm tác phẩm hội họa, tranh thờ dân gian các dân tộc vùng Đông Bắc; triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ các làng nghề truyền thống; hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh dày, thi đấu các môn thể thao các dân tộc; giao lưu dân ca các vùng miền trong cả nước...
Đua thuyền truyền thống nơi đất Tổ. |
Ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng cho biết: Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của Quốc lễ Giỗ Tổ năm nay, Đảng và Nhà nước đã đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình kiến trúc thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh để xứng đáng là di tích lịch sử đặc biệt quốc gia. Đền Thượng được tôn tạo khang trang bề thế, sân vườn được mở rộng để đón đồng bào cả nước về tri ân công đức Tổ tiên. Đền Trung cũng được tu bổ, tôn tạo khang trang hơn. Từ cổng đền xuống đến chân núi, nhìn về phía Tây có sân Trung tâm lễ hội sức chứa vài vạn người. Xung quanh núi Nghĩa Lĩnh, các đường dạo được tu sửa, nâng cấp. Những cây xanh bản địa được trồng mới theo từng hàng lớp, tạo cảnh quan môi trường thêm hấp dẫn đối với du khách. Khu vực ngã năm Đền Giếng tập trung các cửa hàng dịch vụ được sắp xếp lại với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, giúp du khách có nhiều lựa chọn những vật lưu niệm khi về thăm đất Tổ.
Năm nay, du khách về dự lễ hội còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của 32 nhà điêu khắc quốc tế và trong nước - là thành quả của Trại Sáng tác Điêu khắc Quốc tế lần thứ 2 tại Phú Thọ, với chủ đề “Ấn tượng đất Tổ Hùng Vương”. Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được trưng bày xung quanh hồ nước trong xanh bên chân núi Nỏn, tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách tham quan. Đặc biệt, để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào cả nước, nhiều công trình mới thờ tự các bậc tiền nhân có công với đất nước đã được đầu tư xây dựng. Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Vặn, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng tại núi Sim trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là các đền thờ cha “Rồng”, mẹ “Tiên” của con cháu Lạc Hồng. Những ngôi đền mới được xây dựng khang trang bề thế, ngày ngày đón con cháu về tưởng nhớ tiền nhân, nhớ tới cội nguồn “cùng chung một bọc” với nghĩa “đồng bào” để gắn kết cộng đồng tạo thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc...
Những ngày này, con Rồng cháu Tiên từ khắp mọi miền đất nước, từ nhiều nước trên thế giới, đang nườm nượp đổ về đất Tổ, mong được ướm dấu chân mình lên dấu chân xưa của các bậc tiền bối; thắp nén hương kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã trở thành di tích đặc biệt của quốc gia, trở thành điểm du lịch của cả nước - nơi hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN - ĐINH VŨ