Năm nay chúng ta kỷ niệm 140 năm Ngày sinh của V.I.Lê-nin (22-4-1870 - 22-4-2010) – người thầy vĩ đại của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và nhân loại tiến bộ, và Người cũng là một bậc thầy của công tác tuyên truyền.
Tượng đài V.I. Lê-nin tại nước Nga. (Ảnh tư liệu) |
Năm 1917, Lê-nin đã trực tiếp lãnh đạo, tổ chức giai cấp công nhân, nhân dân lao động Nga làm cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới – Cách mạng XHCN Tháng Mười năm 1917 thắng lợi. Đó là cuộc cách mạng khai phá con đường cho nhân loại đi tới tương lai, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, nước Nga Xô-viết bắt đầu tiến bước trên con đường xây dựng CNXH với biết bao khó khăn về kinh tế-xã hội. Để động viên cổ vũ toàn Đảng, toàn dân đồng lòng giải quyết khó khăn, bắt tay vào xây dựng xã hội mới, Lê-nin đã xác định một số nội dung công tác tuyên truyền của Đảng vô sản Nga như: Tuyên truyền học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học; về phong trào công nhân quốc tế; về nhiệm vụ của giai cấp công nhân. Người đã có nhiều bài báo, tập sách với những nội dung tuyên truyền, giải thích những vấn đề này. Đồng thời, trong nhiều tác phẩm, Lê-nin đã cụ thể hóa nhiệm vụ và nội dung của công tác tuyên truyền như phát triển rộng rãi việc tuyên truyền tư tưởng cộng sản, truyền bá khoa học-giáo dục và những tri thức văn hóa chống các thiên kiến tôn giáo; giải thích về lợi ích của công xã nông nghiệp; giới thiệu một cách đầy đủ những văn kiện của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền thường xuyên vấn đề bầu cử, tuyên truyền và cổ động cho chính sách đoàn kết các dân tộc...
Đối với Lê-nin, những nguyên tắc trong công tác tuyên truyền đòi hỏi người cán bộ tuyên truyền phải nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thông qua các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, thông tư của Đảng, do đó người cán bộ tuyên truyền không những phải trau dồi tri thức lý luận mà còn phải thường xuyên sâu sát thực tiễn, kịp thời định hướng các nhiệm vụ cụ thể trong hoạt động tuyên truyền của mình phù hợp với diễn biến tình hình thực tế; công tác tuyên truyền và cổ động phải có mục đích đúng đắn, rõ ràng, không phải để phô trương, hình thức, lãng phí công của mà phải xác định rõ mục đích – đem chân lý thâm nhập vào quần chúng, cổ động quần chúng hành động. Về nguyên tắc này, chúng ta có thể ghi nhớ theo cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”.
Đối với lĩnh vực công tác tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của chúng ta, những bài học kinh nghiệm, những nguyên tắc công tác tuyên truyền của Lê-nin luôn là bài học quý giá. Vận dụng quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo nên những bài học vô giá về công tác tuyên truyền của Đảng ta – những bài học từ kết quả “Ý Đảng, lòng dân”. Trong điều kiện cuộc sống hiện nay, khi trình độ dân trí nước ta khá cao, các phương tiện thông tin đại chúng phong phú và hiện đại, bên cạnh những tác động tích cực về phương diện cập nhật thông tin đã nảy sinh những vấn đề phức tạp về việc nhiễu loạn thông tin, thông tin không chính thống... điều đó đòi hỏi công tác tuyên truyền phải hết sức chú ý đến phương pháp tuyên truyền, văn hóa tuyên truyền...
Những chỉ dẫn của Lê-nin về công tác tuyên truyền luôn là bài học quý, giúp chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”.
Thy Phương