.
Kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam (30-4)

Nhớ mãi những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử

(Tiếp theo kỳ trước)

Tuần trước, tôi nhận được bức điện khẩn từ Hà Nội do đồng chí Trần Văn Phác, Chính ủy Đoàn 232 cử liên lạc đem đến. (Cán bộ và chiến sĩ miền Đông Nam Bộ thân mật, quý mến gọi ông là ông Tám Trần, sau này ông là Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam). Bức điện viết: “Tổ phóng viên Báo Quân đội Nhân dân: Tô Phương, Cao Tiến Lê và Trọng Lượng do đồng chí Tô Phương làm tổ trưởng, theo kế hoạch trước đây sẽ đi Quân khu 9, nay các đồng chí hãy lập tức theo cùng các binh đoàn chủ lực tiến vào Sài Gòn”. Ký tên Nguyễn Đình Ước, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân.


Chúng tôi hành quân bằng xe bọc thép với Trung đoàn Đồng Xoài – Đơn vị anh hùng, nhận nhiệm vụ thọc sâu về hướng Tây-Nam để chặn địch ở đường số 4 và đánh thẳng vào Sài Gòn.

Đồng Tháp Mười mênh mông tít tắp, không có cây cối lớn, toàn là dưng và cỏ, thỉnh thoảng mới có những khóm tràm, không đi theo đường có sẵn, đội hình xe bọc thép như những mũi dao xé bưng, băng đồng mà đi. Dưng và cỏ lát cao quá đầu người phải rạp xuống dưới xích xe bọc thép, mở đường cho các đơn vị bộ binh tiến theo sau.

Cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn Đồng Xoài sinh ra và lớn lên ở Miền Đông, dấu chân của họ in khắp bưng biền Đồng Tháp Mười. Hôm nay tiến vào Sài Gòn theo hướng này, các chiến sĩ bộ binh mỗi người phải mang theo bốn ngày gạo, năm ngày lương khô, thêm một cơ số đạn và vác một quả đạn pháo trợ giúp đơn vị pháo binh. Ngoài bộ quần áo mặc trong người, chiếc võng quấn ngang lưng, chiếc bòng trên vai chỉ đựng gạo và đạn. Thà bỏ bớt áo quần, chứ không ai để thiếu một viên đạn.

Tin thắng trận dồn dập dội về: Phía nam, sau khi giải phóng Thịnh Trị, Thủ Thừa (Kiến Tường), đơn vị bạn làm nhiệm vụ chốt chặn chia cắt chiến lược đã làm chủ lộ 4 nhiều đoạn. Phía trước, một đơn vị khác đã đập tan căn cứ Hiệp Hòa (Long An). Toàn sư đoàn náo nức tiến nhập trận địa, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật.

Các đơn vị vừa hành quân vừa phổ biến Lời hiệu triệu chiến đấu của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận Tây-Nam Sài Gòn. Trung đoàn Đồng Xoài tổ chức Sở Chỉ huy nhẹ đi trước với tiểu đoàn 4 có xe bọc thép lội nước yểm trợ. Tôi đi cùng với Sở Chỉ huy nhẹ. Xe bọc thép chạy băng băng, vượt qua mọi tọa độ pháo bắn chặn của địch.

Tắc đường. Tắc đường nữa. Đồng Tháp Mười mênh mông, thế mà quân ta vẫn bị tắc đường. Bộ đội được lệnh tạm dừng để chở các đơn vị phía trước nhổ xong mấy cứ điểm cản đường. Tiếng các loại súng phía trước nổ inh tai, khói lửa cuộn lên rất gần, nhưng chẳng ai để ý. Những đồn bót giặc ở phía trước đã bị trung đoàn 1 và trung đoàn 3 dọn sạch. Sở Chỉ huy của Sư đoàn 9 đã lên kịp tiểu đoàn mũi nhọn.

Trời vừa xẩm tối, bộ đội và xe pháo lập tức rời khỏi những lũy tre của các làng Mỹ Thạnh, Mỹ Hào, Mỹ Hòa… Vượt qua những cứ điểm vừa bị quân ta đánh cách đây vài giờ, xác giặc ngổn ngang, cháy thui, mùi thuốc súng khét lẹt. Cánh đồng Trà Cao, Bầu Nóc bát ngát sau những cơn mưa đầu mùa, nước mới xâm xấp bờ ruộng thấp. Ếch nhái kêu ọt ẹt suốt đêm. Lúa Đồng Nai, lúa Sáo sậu lớp đang trổ, lớp vừa ngậm đòng, hương thơm ngào ngạt. Pháo sáng của địch ở các đồn bót phía xa bắn lên treo lơ lửng trên bầu trời.

Toàn mặt trận được lệnh: “Đánh địch mà đi. Dàn hàng ngang mà tiến!”. Trăng rằm mười sáu sáng vằng vặc. Đêm nay Trung đoàn Đồng Xoài vượt sông Vàm Cỏ Đông. Các chiến sĩ quê ở Hà Nội, Vĩnh Phú, Hà Tây, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… vừa đến bờ sông đã reo lên: “Vàm Cỏ Đông! Vàm Cỏ Đông…!”. Mọi người chụm bàn tay vục một vốc nước uống ừng ực ngon lành, không phải vì khát, mà để kỷ niệm về một dòng sông trìu mến!

Địch bắn pháo tọa độ chụp xuống quanh bến. Trận địa pháo binh của Trung đoàn 262 phía sau phản pháo lại, pháo của địch câm tịt. Máy bay C130 bay cao tít, cắt bom tọa độ, bị tên lửa của ta phụt lên, vội cút mất.
Nhân dân các xã Lộc Giang, Lộc Tấn, huyện Đức Hòa (Long An) phục vụ bộ đội vượt sông. Khu vực bộ đội vượt sông có đến 7 bến, 5 bến dành riêng cho bộ binh, 2 bến cho xe tăng, xe bọc thép và pháo binh.
Trong chốc lát, Đoàn 8 công binh đã bắc xong cầu phao. Bộ binh rầm rập tiến theo xe tăng. Nhiều đơn vị đi thuyền gắn máy của bà con quanh vùng. Bến nào cũng có hàng trăm thuyền gỗ chờ sẵn. Mỗi chuyến thuyền chở được từ 30 đến 40 người.

Các đơn vị xe tăng, xe bọc thép vượt sông xong, tiến nhanh quá các đơn vị bộ binh phải chạy theo mới kịp. Mũi đi trước chạm tiểu đoàn 46, sư đoàn 25 ngụy nống ra. Lập tức, chúng bị quân ta đập tan ngay. Lúc đi qua xã Ninh An (Hậu Nghĩa), chúng tôi gặp rất nhiều anh chị em du kích xã đang khiêng vác chiến lợi phẩm và áp giải từng đoàn tù binh. Toàn là bọn lính của sư đoàn 25 ngụy bị ta đánh chạy dạt vào làng, lại bị du kích đánh bồi và tóm cổ. Tôi gặp anh Ba Trung, cán bộ Huyện đội Đức Huệ. Anh cho biết, sáng nay ở bót An Mỹ, Lộc Giang, du kích vừa nổ súng, địch đã tháo chạy. Chiều nay, trong buổi mừng chiến thắng, bà con hai xã An Mỹ và Lộc Giang đã cử hơn 30 thanh niên tòng quân. Sau chiến thắng Đức Hòa, Đức Huệ, nhân dân náo nức về lại làng cũ, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho mặt trận. Bộ đội cần gì, nhân dân sẵn sàng phục vụ để góp phần giành thắng lợi trọn vẹn.

Bà con đang tràn ra đường đốt duốc, gõ chiêng, trống, mõ nồi dậy diệt bọn ác ôn ngoan cố, và kêu gọi lính ngụy ra đầu hàng. Và không biết chuẩn bị từ lúc nào, bộ đội đi đến đâu cũng có bà con chạy theo trao cơm nếp, bánh tét, thịt gà quay cho các chiến sĩ. Các mẹ nói với theo những lời rất xúc động: “Ăn đi các con, vừa đi vừa ăn cũng được, để lấy sức mà hành quân chiến đấu…!”.

Rời Sở Chỉ huy nhẹ của Trung đoàn Đồng Xoài, tôi bám theo một đơn vị xe bọc thép khác của đoàn 232 đang tiến lên. Cuộc chiến đấu trong trung tâm thị xã Hậu Nghĩa diễn ra không đầy hai tiếng đồng hồ thì bọn địch đầu hàng. Vừa tảng sáng, Quân giải phóng đã kiểm soát hoàn toàn thị xã Khiêm Cường (tỉnh lỵ Hậu Nghĩa). Lúc ấy, Chi khu Quân sự Hiệp Hòa (Long An) cũng bị các tiểu đoàn 2, 3, 4 của Trung đoàn 26 và Đoàn thiết giáp số 23 Quân giải phóng đánh cho tan tành. Bà con ở các xã phụ cận đã dùng gậy gộc vây bắt tù binh, phá cửa nhà tù, giải phóng đồng bào yêu nước bị địch bắt giam. Sau đó 2 giờ, địch cho tiểu đoàn 2, trung đoàn 50, sư đoàn 25 ra tiếp viện cho Hậu Nghĩa. Dọc đường, chúng bị Trung đoàn Đồng Xoài đánh cho chạy tan tác, buộc phải kéo cờ trắng đầu hàng.

TÔ PHƯƠNG

(Còn nữa)

;
.
.
.
.
.