Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải bí mật trên biển Đông được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập vào tháng 7-1959. Đoàn 759, tiền thân của Đoàn 125 Hải quân (Đoàn tàu không số), được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự vào Nam trên tuyến vận tải chiến lược này, góp phần quan trọng cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trực tiếp tham gia Đoàn tàu không số, tại Quảng Nam-Đà Nẵng có 28 người, trong số đó có hai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau nhiều lối đi quanh co, vừa đi vừa dò hỏi, chúng tôi cũng tìm đến được nhà ông ở làng chài ven biển Nam Ô, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đó là một ông già năm nay đã bước sang tuổi 85 nhưng vẫn còn rắn rỏi, ngày ngày vui đùa, chăm nom miếng ăn, giấc ngủ cho các chắt ngoại để ba mẹ của bé đi làm công nhân dưới khu công nghiệp.
Tàu không số Hải quân đang vận chuyển vũ khí vào miền Nam (ảnh tư liệu). |
Ngoài người vợ hiền tần tảo, không một ai biết được quá khứ huyền thoại của ông. Ngày ngày, ông cũng vai lưới, tay chèo, lầm lũi đi biển, nhọc nhằn mưu sinh, sống chan hòa, chân chất như bao người dân làng chài. Cho đến một ngày, Thượng tướng Nguyễn Chơn (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc, hiện nghỉ hưu tại Đà Nẵng) về đây tìm ông, tìm một con người mà vị tướng này đã đón đợi và đi tìm ròng rã non nửa thế kỷ, người dân làng chài mới được hay và thán phục về một người từng đi mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Chuyến đi đêm 30 Tết
Ông là Huỳnh Ba, Bí thư Chi bộ của chiếc thuyền gỗ của Tập đoàn đánh cá Sông Gianh - đội hình tiền thân của Đoàn 759 sau này - chở 5 tấn vũ khí, thuốc men, quần áo, ni-lông cho bộ đội và du kích Khu 5, mở đường Hồ Chí Minh trên biển vào đêm 27-1-1960 (30 Tết Canh Tý). Địa điểm tập kết Hòn Chuối, phía Nam đèo Hải Vân. Tại đây, đồng chí Nguyễn Chơn được Liên khu 5 cử đến đón thuyền.
Trên thuyền có 6 người (do đồng chí Nguyễn Bất làm thuyền trưởng), lướt sóng ra khơi đến vùng biển quốc tế, ý định từ đó dẫn vào bờ Hải Vân, nhưng gặp sóng to, gió lớn, thuyền có nguy cơ bị lật. Sáu anh em cố chèo chống nhưng thuyền cứ dạt mãi về phía Nam. Đã vậy, tàu lại gãy mất một cần lái. Bất lực để thuyền trôi, đến ngày thứ 3 (ngày 30-1), thuyền dạt vào đảo Cù Lao Ré (Quảng Ngãi). Mọi người tập trung cho thuyền hướng về hướng Tây Bắc thì cần lái còn lại bị gãy nốt. Tại vùng biển này, tàu tuần tiễu của địch qua lại nhiều, nếu loay hoay mãi ở đây sẽ bị lộ. Thuyền trưởng Nguyễn Bất quyết định thả hàng xuống biển để giữ bí mật của con đường vận tải biển. Chiều hôm đó, 6 đồng chí trên thuyền đều bị địch bắt. Tuy có giấy tờ làm ăn hợp pháp do tổ chức lo, nhưng bọn địch vẫn tách, nhốt mỗi người mỗi nơi qua nhiều nhà tù. 5 đồng chí lần lượt hy sinh hoặc mất do bệnh tật.
Còn ông, ông bồi hồi nhớ lại: Trong thời gian bị giam cầm, ông (cùng với 5 đồng chí) bị chuyển đi nhiều nhà giam tại Huế, Đà Nẵng, Chí Hòa (Sài Gòn), Phú Lợi (Bình Dương). Bọn địch đã dùng mọi hình thức tra tấn cực hình nhưng không khai thác đựơc gì ở ông, bất lực đành phải nhốt biệt giam ông vào chuồng cọp tại Côn Đảo. Ở Côn Đảo, bọn địch 12 lần đưa ông về Sài Gòn để tra khảo, nhưng chúng vẫn không khai thác được gì liên quan đến bí mật con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông. Mãi đến năm 1974, ông mới được thả ra và trở về lại làng quê nghèo Nam Ô…
Sẵn sàng quyết tử…
Ông Huỳnh Ba cùng với tấm ảnh chụp kỷ niệm với Thượng tướng Nguyễn Chơn sau 30 năm gặp lại nhau. Ảnh: Nhân Mùi |
Trước khi được điều đến với “Đoàn tàu không số”, ông Huỳnh Ba cùng đồng đội nhiều lần hành quân vượt Trường Sơn ra Nghệ An nhận nhiệm vụ chở 3 tấn vũ khí bằng đường biển vào giao tại bến Hòa An, Tam Kỳ (khoảng tháng 4-1951). Sau chuyến đi đó, cấp trên chỉ thị cùng con thuyền quay ra Hòn Chuối (Nam đèo Hải Vân) lặn mò (số vũ khí của quân ta bỏ xuống biển tránh sự kiểm soát của địch) được khoảng 2 tấn vũ khí đưa lên thuyền và đến khoảng 23 giờ (không nhớ ngày), khi thuyền đi qua bãi Bắc Sơn Trà - Tiên Sa (Đà Nẵng) để vào Tam Kỳ thì bị giặc Pháp đuổi bắt, đưa về giam tại Đà Nẵng và Mang Cá (Huế). Tại đây, ông bị giặc Pháp đưa ra Tòa án binh, tuyên án 1 năm tù cho hưởng án treo. Về lại Đại đội 154 vận tải của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ vượt Trường Sơn ra Quảng Bình thực hiện được 3 chuyến chở hàng an toàn về Tam Kỳ. Tính từ tháng 4-1962 đến kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đoàn 759 đã thực hiện được 853 lượt chuyến tàu, vượt qua hàng vạn km, vận chuyển 47.450 tấn vũ khí tập kết trên 100 bến đậu tại các tỉnh, thành ven biển miền Trung, miền Nam và chở hơn 50 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đến các hướng chiến trường. Đặc biệt, trong chiến dịch mùa Xuân 1975 lịch sử, đơn vị đã huy động 143 lần tàu, vận chuyển 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, đưa trên 18 nghìn quân vượt 66 nghìn hải lý, tham gia giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa, các đảo thuộc vùng biển miền Trung và Tây Nam; đánh chìm nhiều tàu chiến và bắt sống nhiều tù binh địch.
Ở vào tuổi “cổ lai hy”, nhớ lại những năm tháng hoạt động cách mạng của mình, ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật tuyệt đối cho tuyến vận tải chiến lược trên biển. Tuyến vận tải còn tồn tại là vũ khí vào chiến trường tiếp tục được chi viện. Có vũ khí, quân và dân miền Nam tiếp tục diệt giặc lập công. Đối với chiến sĩ trên tàu không số, lúc nào tinh thần cũng đã sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” khi cần thiết…”.
Nhân Mùi - Hoàng Hiệp