Trong dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng TP. Đà Nẵng, muốn gặp ông quả là không dễ. Ông bận bịu suốt ngày, hàng chục Ban liên lạc các đơn vị quân đội, bạn chiến đấu một thời với ông, các huyện, thị, thành phố tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng mời ông đến dự gặp mặt, dự lễ kỷ niệm. Rồi các cơ quan báo chí xin gặp phỏng vấn, nghe ông kể chuyện về ngày 29-3. Ông là Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà, là một thành viên ở Sở chỉ huy tiền phương và Đặc khu ủy Quảng Đà vào những ngày lịch sử tháng 3-1975.
Đã vào tuổi 84, nhưng sức khỏe ông khá hơn nhiều so với đồng đội, đặc biệt là trí nhớ ông còn rất tốt. Chuyện đã hơn 30 năm rồi, nhưng ông có thể nhớ đến từng ngày, từng giờ, địa điểm, con người, vùng đất, từng đơn vị, nhất là diễn biến của những ngày tháng 3 lịch sử ấy.
Ông kể: “Những ngày tháng 3 ấy, phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và Quảng Nam, Mặt trận 4 Quảng Đà liên tục tiến công, tiêu diệt một số cứ điểm quan trọng của địch như đánh đồn Ngũ Giáp (Điện Bàn) cắt đường giao thông, bắn hàng trăm tên lửa tầm ngắn vào sân bay Đà Nẵng, uy hiếp mạnh và làm rối loạn tinh thần của quân địch. Ban đầu, trên giao Mặt trận 4 giải phóng vùng đông Duy Xuyên, giữ vững vùng B Điện Bàn, song tình hình chiến sự diễn biến nhanh quá. Đặc khu ủy Quảng Đà nhanh chóng có chủ trương “Huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã” để dồn binh lực cho trận chiến giải phóng Đà Nẵng. Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy chủ trương này vừa nhanh chóng, vừa kịp thời, sáng suốt.
Liên lục trong các ngày từ 27 đến 29-3-1975, trước áp lực đấu tranh của quần chúng, LLVT địa phương, lần lượt các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, thị xã Hội An, Hòa Vang được giải phóng. Bọn địch từ Huế chạy vào, phía Nam chạy ra, dồn về Đà Nẵng hàng chục vạn tên, trong tình trạng vừa hoảng loạn cùng… Ngô Quang Trưởng bỏ chạy, Nguyễn Văn Thiệu kêu gào trong tuyệt vọng “Tử thủ Đà Nẵng”.
Lúc này, Đặc khu ủy Quảng Đà có yêu cầu: đánh nhanh, chia cắt, không cho địch co cụm hoặc chạy về hướng Nam, hạn chế tổn thất cho dân và bảo đảm cho thành phố nguyên vẹn. Hai Trung đoàn 96, 97 và các đơn vị trực thuộc Mặt trận 4 Quảng Đà phối hợp nhịp nhàng cùng các đơn vị của Bộ và Quân khu như Sư đoàn 2, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến công liên tục, toàn diện, trên tất cả các hướng vào Đà Nẵng, cùng lúc quần chúng nổi dậy.
Khí thế tiến công như sóng vỡ bờ của quân và dân ta làm địch hoàn toàn tê liệt và tan rã nhanh chóng. Trong lúc LLVT của Mặt trận 4, các đơn vị chủ lực của Bộ, Quân khu áp sát thành phố, tự vệ và biệt động Lê Độ đã chiếm giữ, cắm cờ trên Tòa thị chính Đà Nẵng và ở các công sở, xí nghiệp, nhà máy. Ta huy động các phương tiện vận tải đưa bộ đội và cán bộ vào giải phóng thành phố hoàn toàn vào lúc 15 giờ ngày 29-3-1975. Phấn khởi, tự hào không thể nào kể xiết. Ngày 30-3, ra mắt Ủy ban Quân quản TP. Đà Nẵng. Tôi được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản quận 1 (bây giờ là quận Hải Châu).
NGUYỄN PHÁT
(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà)
.
.
Ký ức về ngày quê hương giải phóng
Thứ Tư, 07/04/2010, 08:01 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.