.

Lành lại những trái tim tật nguyền

.

Ở thành phố Đà Nẵng, nếu nói về việc khởi xướng Chương trình chữa bệnh tim bẩm sinh trẻ em, thì địa chỉ đầu tiên phải nhắc tới đó là Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh (BTPN&TENBH) thành phố. Với cách làm nghiêm túc, chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xác minh, khám sàng lọc và chỉ định mổ, nên sau 6 năm triển khai chương trình, những trái tim yếu ớt được cứu chữa ngay cả khi các em vẫn chưa cảm nhận hết về mức độ tổn hại của căn bệnh tim quái ác gieo trên cơ thể mỗi con người.

Với sự giúp đỡ của Hội BTPN&TENBH, Bảo Trân và Bảo Trâm đã được phẫu thuật thông liên nhĩ kịp thời tại Bệnh viện Đà Nẵng. 

Chúng tôi không biết nói gì hơn!

Những tập hồ sơ về những bệnh nhân đã và đang được chỉ định phẫu thuật tại Đơn vị tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng hầu hết là những bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình chính sách rất cần được hỗ trợ chữa bệnh. Vợ chồng anh Huỳnh Lê Duy Tâm và chị Nguyễn Thị Thanh Huyền cưới nhau từ năm 2007, sau đó chị Huyền sinh đôi hai cháu là Bảo Trâm và Bảo Trân. Từ ngày sinh con, hoàn cảnh gia đình vợ làm công nhân may, chồng lái xe trở nên căn cơ, chật vật bởi hai đứa con nhỏ do ốm yếu, liên tục đổ bệnh. Năm 2008, cả gia đình bàng hoàng khi phát hiện Bảo Trâm mắc bệnh tim bẩm sinh. Chưa hết, đến năm 2009, sau khi bế con đi tái khám nhiều nơi, các bác sĩ kết luận, đứa em sinh đôi Bảo Trân cũng bị bệnh tim bẩm sinh giống chị. Chạy đôn, chạy đáo để cứu con… Cuối cùng, hoàn cảnh gia đình chị đã được Hội BTPN&TENBH thành phố tiếp nhận và trực tiếp hỗ trợ, vận động các tổ chức từ thiện ủng hộ 88 triệu đồng để phẫu thuật cho cả hai cháu tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Trong nước mắt, chị Huyền tâm sự: “Nếu không được phẫu thuật thông liên nhĩ kịp thời, hai trái tim tật nguyền của con tôi chắc cũng sẽ ngày càng trở nên dị dạng, hoàn cảnh gia đình lâm vào bi đát. Gia đình tôi không biết nói gì hơn trước những tấm lòng hảo tâm, vì tương lai của những đứa trẻ không may mắc bệnh tim như con tôi”. Cùng chia sẻ vì con được chữa lành bệnh, anh Hoàng Văn Định, một sĩ quan quân đội đang công tác tại quần đảo Trường Sa vui mừng khôn xiết, bởi hai lần phẫu thuật miễn phí 100% cho đứa con của anh do Hội BTPN&TENBH hỗ trợ đều thành công. “Mặc dù ở nhà con cái bạo bệnh nhưng tôi hoàn toàn yên tâm cầm chắc tay súng canh giữ vùng biển Tổ quốc”. Điều đó đã góp phần trong thực hiện chính sách “hậu phương quân đội” của chính quyền thành phố Đà Nẵng những năm qua. Những đứa trẻ này, ngày sau lớn lên sẽ có một thể chất khỏe mạnh, từ đó có điều kiện học tập, rèn luyện để trưởng thành trong xã hội.

Bám sát tôn chỉ, mục đích, trong 6 năm qua, Hội BTPN&TENBH đã vận động kinh phí trên 10,4 tỷ đồng, giúp 400 trẻ em từ 1đến 20 tuổi được phẫu thuật, trở thành một trong số ít Hội từ thiện trên cả nước cứu giúp nhiều trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.  

“Tấm lòng vàng” và “bàn tay vàng”

“Làm từ thiện, mới nghe thì rất dễ, nhưng hoàn toàn không đơn giản bởi không chỉ là việc cho, nhận, cảm ơn. Người làm từ thiện phải khắc ghi chữ “Tâm” và lòng nhiệt huyết”. Đó là bộc bạch của ông Trần Chí Thành, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em thuộc Hội BTPN&TENBH Đà Nẵng.

Năm 2003, được sự nhất trí, ủng hộ của lãnh đạo thành phố, Chương trình mổ tim được khởi động, ông Thành là người lặn lội đến gõ cửa nhiều bệnh viện và Viện điều trị tim uy tín nhất nước để tìm hiểu, kêu gọi các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành về lĩnh vực tim mạch tham gia phẫu thuật tim cho những trẻ em tại Đà Nẵng. Qua 3 đợt khám sàng lọc, 45 trẻ em được Hội đưa ra Bệnh viện Việt-Đức để phẫu thuật. Thành công, uy tín cũng như kinh nghiệm, bài học rút ra từ những đợt phẫu thuật này đã mang lại sức mạnh và Hội BTPN&TENBH có những bước đi vững chắc trong việc kêu gọi vận động các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí cho chương trình.

Là người trực tiếp xác minh hoàn cảnh gia đình cho 400 ca phẫu thuật, ông Trần Chí Thành chia sẻ: Có tiền rồi, có bệnh nhân rồi, nhưng chưa đủ. Phải có những “bàn tay vàng” của những bác sĩ giàu kinh nghiệm và có tâm huyết mới cứu được những đứa trẻ mắc bệnh này. Có lần tôi gọi điện gấp ra Huế nhờ Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật một ca cấp cứu cho bệnh nhân nhi chỉ nặng dưới 10kg. Tìm nguồn tài trợ cho ca bệnh này rất khó khăn, nhưng thầy Phú nhận lời phẫu thuật ngay. Còn chuyện chi phí chúng tôi tính sau”. Từ những mối thâm giao đó, nhiều em có chỉ định phẫu thuật sớm đã được các bác sĩ bắt tay thực hiện ngay. Riêng đối với Đơn vị tim mạch của Bệnh viện Đà Nẵng, trong hơn hai năm qua, đã phẫu thuật cho gần 100 bệnh nhân do Hội BTPN&TENBH Đà Nẵng giới thiệu và hỗ trợ kinh phí.

Khó có thể thống kê hết tại Đà Nẵng có bao nhiêu người mắc bệnh tim, nhưng theo ước tính, mỗi năm thành phố có từ 60 đến 70 bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh mới - một con số rất lớn. Do vậy, mục đích và nhiệm vụ của Hội BTPN&TENBH Đà Nẵng trong 5 năm đến là tiếp tục phẫu thuật cho khoảng 350 trẻ em mắc bệnh tim. Sự cố gắng của những cán bộ Hội hướng đến mong ước đó là trả lại trái tim lành lặn trên cơ thể những trẻ em, để các em lớn lên hồn nhiên, vô tư; để mỗi nhà luôn có những nụ cười hạnh phúc trên môi.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

 

;
.
.
.
.
.