.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

.

* Thêm tư liệu về chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa

Sáng 28-4, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Lý Sơn và họ tộc huyện đảo Lý Sơn chính thức tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Lễ hội truyền thống thả thuyền và hình nhân tưởng nhớ các chiến sĩ đội Hoàng Sa  (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Từ sáng sớm, đại diện 13 họ tộc ở huyện đảo Lý Sơn tề tựu về đình làng An Vĩnh chuẩn bị các lễ vật để rước các linh hồn của các tiền nhân đã hy sinh trong quá trình đi bảo vệ Hoàng Sa, Trường sa đang thờ tự tại Âm linh tự.

Ngày mai (29-4), Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - hoạt động tâm linh của người dân huyện đảo Lý Sơn đã có từ hàng trăm năm trước sẽ được chính thức tổ chức với sự tham gia của cả cộng đồng cư dân trên đảo.

Nhân dịp này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khánh thành quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa bao gồm các công trình như Đình làng An Vĩnh, tượng đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, nhà trưng bày các tư liệu quý về đội hùng binh, khánh thành miếu thờ đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, trao bằng khen của Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch cho dòng tộc họ Đặng đã có công giữ gìn và hiến tặng tài liệu lịch sử quý giá liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

* Nhân Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã sưu tầm, bổ sung một lượng lớn hình ảnh, tư liệu quý có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tư liệu này được “trình làng” tại Nhà trưng bày các tư liệu quý về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Mô hình thuyền câu được trưng bày tại Nhà trung bày đội Hoàng Sa. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Có tổng cộng 70 hình ảnh, 50 hiện vật và 60 tài liệu quý được trưng bày, gồm mô hình thuyền đi biển và các vật dụng đi kèm như nồi đồng, nồi đất, lu đựng nước ngọt của Đội Hoàng Sa mang theo sử dụng... Phục dựng nguyên mẫu thuyền trong lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” và các vật đi kèm như bài vị, linh vị, chiếu, các hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh được khai quật từ di chỉ Suối Chình, xã An Hải, huyện Lý Sơn. Các tài liệu thời Chúa Nguyễn (bằng chữ Hán) về việc điều binh phu của xã An Hải và An Vĩnh đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Các văn bản từ thời Pháp thuộc về việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Toàn bộ hình ảnh, tư liệu của nhà trưng bày được được chia làm ba nội dung chính là Lý Sơn - Tịnh Kỳ - Quảng Ngãi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa và sự tôn vinh của nhân dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; nhân dân Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Theo Vietnam Plus, VOVNews

;
.
.
.
.
.