.

Ngán ngẩm xe máy “độ”

.

Sau khi Chính phủ cấm lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, lại là cơ hội tốt cho xe máy thồ phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, việc phát triển loại xe này đang kéo theo sự lo ngại khi rất nhiều xe gắn máy đã được “gia cố” thêm để tăng khả năng chở mà không hề chú ý gì đến yếu tố an toàn.

Những chiếc xe máy thồ không bảo đảm an toàn kỹ thuật, nhưng vẫn lưu thông
 bình thường. 

Tại các khu vực chợ, bến xe, các cửa hàng bán hàng cồng kềnh, và đặc biệt là khu vực bến cá Thọ Quang, được xem như là “câu lạc bộ” của những xe loại này. Lúc cao điểm, tại những khu vực này có rất nhiều xe máy với xuất xứ đủ nơi, từ Nhật, Nga, Trung Quốc…

Tuy nhiên, tất cả có chung đặc điểm là đều được xoáy nòng, gia cố thêm bộ phận lò xo để tăng sức chở của xe. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây khi Nghị quyết 32 của Chính phủ chưa ra đời, ngoài các loại xe tải chở hàng hóa, còn lại là các loại xe tự chế như xe ba gác, xích lô máy… với khả năng cơ động, giá cả phải chăng, nhưng sức chở tương đối nhiều nên đã giải quyết được bài toán vận tải cho nhiều đối tượng có nhu cầu. Thế nhưng sau ngày 1-1-2008, các loại phương tiện này bị cấm sử dụng, cơ hội lại rơi về các xe máy thồ.

 Anh Lê Văn Hưng, người có thâm niên chở cá từ bến cá Thọ Quang đi các chợ trong thành phố, cho biết: Xe Honda 67 của anh phải tốn gần một triệu đồng để đôn pit-tông từ 50 lên 100 phân khối, kèm theo đó là gắn thêm một bộ phụt sau, và phần sau của yên xe cũng được gắn thêm một ba-ga để có chỗ chất mấy giỏ cá, có thể chở lên đến 200kg. Vậy nhưng xe của anh Hưng không ăn thua gì so với chiếc Mink của anh H.H mà cả bến cá Thuận Phước (cũ) ai cũng “chào thua”, vì gần như các bộ phận cần thiết đều được gia cố bằng sắt Ø 8.
 
Vì vậy, anh là một trong số rất ít xe thồ tại khu vực này duy trì đều đặn mỗi ngày chở 150kg cá cùng một người lên tận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Anh cũng cho hay, “đi xe “khủng” thế này căng thẳng lắm vì tay lái rất nặng, nhất là mỗi khi qua ổ gà thì xe xóc lên đau lưng kinh khủng, nhưng phải cố thôi vì đi như vậy mới có thu nhập”. Chính anh cũng từng bị tai nạn và bất tỉnh hơn cả tiếng đồng hồ trên Phước Sơn khi đi vào đoạn đường trơn trượt. Mặc dù vậy anh cho biết, “đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên không thể bỏ nghề được”.

Xe rơi rụng dần những bộ phận “không cần thiết”, thế nhưng vẫn được sử dụng hằng ngày để chở than đá. 

Bên cạnh những chiếc xe được xoáy nòng, gia cố phần phụt, thì dòng xe Honda các loại, kể cả xe Trung Quốc lại ở tình thế ngược lại, rất nhiều xe không còn dè chắn bùn, đèn chiếu sáng, đèn xi-nhan, phanh và cả biển số xe cũng không còn. Ông L.Q. T, chủ cơ sở sản xuất nước đá ở phường Phước Mỹ, lý giải: Xe chở đá lạnh rất mau mục, vì thế chỉ cần đi một thời gian ngắn là những bộ phận “không cần thiết” rơi rụng hết. Ông còn khẳng định, những cái “làm đẹp” như vậy không quan trọng, miễn sao xe nổ và chạy được là dùng thôi. Hơn nữa, dùng những chiếc xe này được cái không sợ bị mất, vì “nếu kẻ trộm lấy đi, bán chẳng ai mua vì có giấy tờ gì đâu!”.

Việc nhiều xe thồ kiểu này gây ra phiền phức, nhất là tai nạn giao thông. Lực lượng CSGT cũng rất đau đầu với nạn xe máy thồ “độ” này. Hiện tại, kho lưu giữ xe vi phạm của Công an thành phố có hàng trăm chiếc xe dạng này, nhưng không ai đến nhận và đang trở thành một đống sắt hoen rỉ. Chính vì điều này mà khi trao đổi với lực lượng CSGT, hầu hết đều chung quan điểm là “thông cảm” với chủ nhân những chiếc xe này.

Bởi theo phân tích của CSGT,  đa số họ là lao động nghèo, và thời gian họ lưu hành chủ yếu vào lúc sáng sớm - thời điểm giao thông trên đường còn thưa thớt, nên cũng ít ảnh hưởng. Nếu xử lý nghiêm thì gần như 100% những chiếc xe này vi phạm vì tự ý thay đổi kết cấu xe, không có bộ phận phanh, không có biển số và thậm chí là không có giấy tờ xe. Đó là chưa kể những chiếc xe này khi lưu thông thường gây ra tiếng nổ rất lớn và kèm theo lượng khí thải đen ngòm.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.