Kỳ 1: Đi an dưỡng nơi không có tiếng súng
(ĐNĐT) - Có một bãi cát vàng nằm giữa bốn bề trùng khơi, từ nghìn xưa đã lưu dấu hùng anh vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở nơi được xem như là một trong những ngọn hải đăng trên Biển Đông của Tổ quốc đó, lịch sử đã được viết bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ con dân Việt.
Ông Nguyễn Nhự: Mỗi lần mưa bão là nhớ đảo ghê lắm... |
Hôm đó, thôn Bắc An đang thu hoạch vụ mùa. Trời sắp chuyển mưa, mây đen sà sát dãy núi phía tây. Đón tôi là ông lão có đôi mắt sáng và chòm râu bạc trắng như cước. 82 tuổi, giọng ông vẫn ấm và khỏe. Mỗi khi nói về một điều gì đó thiêng liêng trong quá khứ, trán ông lại hằn lên những vết nhăn năm tháng.
Ông ra đảo cả thảy ba lần, từ 1969 đến 1972, được Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng cử ra công tác ở Ty Khí tượng Hoàng Sa. Hồi đó, nhân viên khí tượng ai cũng ít nhất một lần trong đời ra “đo mưa đếm gió” ngoài đảo. Tùy vào tình hình thời tiết, một đợt công tác kéo dài ba tháng, nhưng thực tế có khi ít hơn mấy ngày và cũng có khi kéo thêm gần tháng nữa. Lần đầu ra nơi đầu sóng ngọn gió ấy, ông không khỏi ít nhiều chạnh lòng, khi con tàu bỏ lại đất liền quê nhà phía sau vào tiến vào phía mênh mông trời nước.
Tới nơi, ông thấy đảo cũng như ở quê, chỉ khác là nhiều cát vàng và biển nước bao la. Rừng cây rậm rạp nhưng không cao lắm. Có mấy cây mù u, cây mít mang từ đất liền ra, chịu được khí hậu biển khơi và cho trái. Trên đảo, hai công trình xây dựng đáng kể nhất là đồn lính và nhà khí tượng cách nhau vài chục mét, nằm gần như ở trung tâm đảo. Mỗi ngày, ông cùng đồng nghiệp thả bóng thám không hai lần vào 6 giờ sáng và 12 giờ trưa; thực hiện tám lần quan trắc khí tượng, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Khi có bão, phải vất vả hơn chút, quan trắc và báo cáo hàng giờ về Sài Gòn để Nha Khí tượng thông báo dự đoán cường độ và hướng đi của bão...
Trời sập tối. Bản tin thời tiết lúc sáng cho biết có một cơn bão xa đang hình thành trên Biển Đông. Ông lão nhìn ra ngoài trời, chậc lưỡi: “Mỗi lần mưa bão là nhớ đảo quá, trước sau cộng hết cũng hơn một năm ăn dầm nằm dề ngoài đó, răng mà không nhớ cho được”. Tôi biết, hồi đó, qua hệ thống viễn thông phát đi từ Sài Gòn, cả vùng Đông Nam Á và Đông Á đều biết đến Hoàng Sa qua ký hiệu 48860; trong đó, 48 là vùng Đông Nam Á, 860 là Ty Khí tượng Hoàng Sa. Đóng góp cho việc quảng bá quần đảo của Tổ quốc ra thế giới bằng dự báo thời tiết ngày ấy có những người làm công việc thầm lặng như ông.
Ông lần đầu ra đảo, bốn mươi năm trước, với tâm thế của một người đã có độ “chín” khi bước qua tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”. Nhưng một người trai trẻ, tuổi có khi nhỏ hơn con ông, lần đầu ra đảo thì hẳn sẽ có cái nhìn rất khác. Ngay hôm sau tôi đã gặp người này và cảm nhận được sự tương đồng giữa hai thế hệ từng sống ở Hoàng Sa.
Đó là anh Lê Lan, ra đảo lần đầu năm 1971. Ngày đó anh làm y tá cho Tiểu khu Quảng Nam trong Quân đội Sài Gòn cũ, cái nghề xem ra chẳng ăn nhập gì với nghề cơ khí hiện nay của anh ở tổ 13 phường Sơn Phong, thành phố Hội An. Anh nhớ lại: “Mười chín tuổi, chân ướt chân ráo ra đảo, ai mà không sợ. Mới bước lên cầu tàu, thấy đá san hô hai bên, ở giữa có đường ray để chuyển hàng bằng wa-gông, dây leo phủ bít bùng, mới ngó lên tưởng như lạc vào một cửa động âm u, huyền bí. Đến khi theo con đường độc nhất từ cầu tàu dẫn vào giữa đảo mới thấy nhà cửa”.
Ra Hoàng Sa, dù trai tráng hay đã có tuổi, riết một hồi rồi cũng đều cảm nhận ở nơi xa xôi ấy có gì gần gũi, thân thương chẳng khác đất liền. Bước chân lên đảo, việc đầu tiên là đến thắp hương nơi miếu Bà, một ngôi miếu nhỏ ở phía Nam đảo đã đi vào ký ức tất cả những ai từng đến công tác nơi hòn đảo xa xôi của Tổ quốc này. Ông Nguyễn Nhự nhiều lần đứng trầm ngâm nhìn ra vùng biển trước mặt miễu Bà, nơi không ai dám lai vãng, dù ở đó có rất nhiều cá. Ông từng nghe kể về cái chết của một viên đội người Pháp, khi anh này đem chất nổ ra đó đánh cá. Là lính công binh thì anh ta còn lạ gì với chất nổ, thế mà khi châm ngòi, anh ta chờ mãi không thấy lửa. Thì ra, lửa chỉ cháy nửa ngòi rồi âm thầm ăn sâu vào trong và nổ tung làm anh ta chết ngay tại chỗ!
Trai trẻ như anh Lan mà vẫn “lạnh tóc gáy” mỗi khi kể lại câu chuyện thương tâm về hai người lính Việt. Thấy có cặp cá bự xà lự lờn vờn gần bên các tảng đá phía trước miễu, hai người lính rủ nhau đi bắt. Một người châm ngòi nổ, lửa cháy, nhưng cứ đứng trân người ra như có ai giữ lại, không chịu ném đi. Anh kia thấy hoảng, co giò chạy. Thuốc nổ, người đứng lại chết ngay, người chạy đi bị thương nặng.
Từ đó, thanh âm gợi lên chết chóc của chiến tranh đã rời xa hẳn nơi miếu Bà linh thiêng. Mọi người tìm đến Bà với một nén nhang, một ngọn nến, như tìm một niềm an ủi, một chỗ dựa tinh thần ở nơi bốn bề bao la trời nước...
Một tia chớp rạch ngang bầu trời xám xịt kèm theo tiếng nổ ầm vang phía núi xa. Ông Nguyễn Nhự hối người nhà lo tuôn lúa vô bồ. Ông cúi xuống bên chén nước trà, chòm râu ánh lên màu cước trắng dưới ánh sáng hiếm hoi trời chiều hắt qua cửa sổ. “Ngoài đảo, giông bão khủng khiếp lắm – giọng ông chìm trong hoài niệm. Tui nhớ có ghi trong sổ lưu niệm của Ty Khí tượng Hoàng Sa cái trận bão dữ dằn năm 71 hay 72 chi đó. Chừ, mỗi lần nghe bão là muốn thót tim”...
Tôi mang theo nỗi niềm của ông lão ngoại bát tuần trên đường về và hôm sau đã có cái để có thể sẻ chia với anh Lê Lan. Anh thật thà: “19 tuổi mà ra đảo thì ai không chán, rứa mà đi một đợt là ‘ghiền’, lần sau trông không có ai đi thì mình đăng ký xin đi. Hồi đó ở đất liền sống rày chết mai, còn ra đảo thì như đi an dưỡng, quanh năm suốt tháng không biết tới tiếng súng”.
VĂN THÀNH LÊ