(ĐNĐT) - Họ đã từng sinh sống, công tác ở Hoàng Sa, nhưng mỗi lần có ai hỏi “vậy có giữ kỷ vật nào không?”, là lòng họ lại dấy lên những buồn vui lẫn lộn. Ngày đó bình yên trên đảo, có mấy ai nghĩ đến chuyện ngày sau vật đổi sao dời...
Ông Nguyễn Giáo ghi chép số liệu trước lều khí tượng... |
Ông Khôi hiện ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, đi lính địa phương quân, ra Hoàng Sa đầu năm 1969. Ông bước chân lên đảo là quăng súng vô kho, cùng anh em tung tăn đi săn cá, bắt ốc. Ốc nhiều lắm, màu sắc, kích cỡ đủ loại, không sao gọi hết tên chúng được. Ông quy ra hai loại, căn cứ vào sọc màu trên vỏ của chúng: ốc gân và ốc hoa. Xen vào đó những con sò khổng lồ, lỡ lọt tay vào miệng nó, nó kẹp lại là “trời gầm mới nhả ra”. Lựa tới lựa lui một hồi, ông Khôi quyết định chọn một số vỏ ốc hoa thật đẹp, đem về làm kỷ niệm với đảo xa.
Trên đảo có một giếng cổ, tương truyền chúa Nguyễn Ánh, lúc bị vua Quang Trung đánh riết quá, ra ngoài đó đào giếng mà sống. Nước giếng nóng thì uống được, để nguội quá mặn. Ông Khôi kể, mỗi lần hết nước mưa dự trữ phải uống nước giếng, nhưng uống 3 ngày là đau bụng, thuốc không chữa được, chỉ ăn xôi đường rồi uống nửa ly sữa là hết ngay. Vỏ ốc đem về ông tặng hết, chỉ giữ lại hai cái mà ông thường dùng để pha sữa chữa bệnh đau bụng hồi ngoài đảo, nhưng rồi cuối cùng ông cũng tặng luôn cho UBND huyện đảo Hoàng Sa.
... và chụp ảnh lưu niệm trước Ty Khí tượng Hoàng Sa. (Ảnh do gia đình ông Giáo cung cấp) |
Kỷ vật biển đảo coi như hết, ông Khôi tiếc hùi hụi vì có lần câu được con cá nhám hơn nửa tạ mà không chụp được tấm hình mang về đất liền cho anh em “lạnh” chơi. Hồi đó, chỉ lính công binh họa may mới có máy ảnh, chứ các ngành khác thì dễ chi.
Ông Hai Song có tấm hình chụp ông ôm con cá he hồi ở ngoài đảo, bằng chứng cho cái “danh hiệu” tay câu thiện chiến của ông. Tấm hình quý giá là thế, nhưng chừ ông lục miết vẫn không biết nó lưu lạc ở đâu.
Có những tấm hình gây ngạc nhiên cho cả người trong cuộc.
Hôm tôi đến gặp ông Nguyễn Nhự, ông bảo tôi tạt qua nhà anh Nguyễn Hoanh ở phía sau nhà họp thôn Bắc An gần đó để chụp lại mấy tấm hình của ông Nguyễn Giáo, cha anh Hoanh. Anh Hoanh vừa hối vợ đi tuôn lúa chạy mưa dông, vừa lật đật lục tìm trên kệ sách. Tay tôi run lên khi chạm vào những tấm hình chụp hơn 35 năm trước, nước thuốc đã ít nhiều phai nhạt nhưng vẫn rõ nét.
Tấm thứ nhất chụp hai người đứng trên bãi cát, biển khơi mênh mông làm nền phía sau. Tấm thứ hai, anh Hoanh bảo, là hình cha anh đang ghi gì đó vào quyển sổ, mặt quay ra phía ống kính với nụ cười hơi nhăn nheo vì nắng. Tấm thứ ba chụp cha anh đứng trước cửa phòng làm việc, ba chữ “Ty Khí tượng” nổi bật phía trên, nhìn kỹ sẽ thấy hai cánh cửa gỗ được ghép cho chắc bằng các thanh gỗ hình chữ Z - kiểu ghép ván thường thấy ở miền Nam trước năm 1975.
Anh Hoanh nói cha anh ra đảo hai đợt, đợt cuối bị bắt khi Trung Quốc tấn công lên đảo ngày 19-1-1974. Mấy tấm hình này cha anh giữ bo bo từ hồi đó tới chừ, trước khi qua đời mấy năm trước, ông dặn anh cất kỹ, có ngày cần dùng tới chúng. Mà đúng thế thật, mấy tấm hình đã làm sửng sốt những ai từng sống những ngày khó quên ở đảo.
Ngay như ông Nhự, anh Hoanh kêu bằng bác, cũng bất ngờ: Mấy chục năm rồi mà chú nó có cho tôi biết mô. Ông Nhự nhìn tấm hình người em họ của mình đứng trước một cái hộp màu trắng có mái che (ông gọi là “lều khí tượng”), cửa mở thấy rõ máy móc bên trong, giọng như lạc đi: Trời ơi, mấy cái máy đo nhiệt độ, đo độ ẩm ni thì hồi còn ngoài đảo, ngày nào mà tui không đụng tới. Rồi ông chỉ cho tôi vị trí của cây phượng, cây dương liễu, bồn nước, cái ghế nơi ông và đồng nghiệp ngồi chơi cờ...
Tính đến nay, người ngoài đời già hơn người trong hình ít nhất cũng 35 năm. Không chỉ nhân vật trong hình mà ngay cả những người từng ra Hoàng Sa cũng không khỏi chạnh lòng nhớ lại cảnh cũ người xưa. Anh Nguyễn Văn Cúc hiện ở tổ 11 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, còn giữ được tấm ảnh chụp chung với ông Thịnh bên cầu tàu Hoàng Sa trong lần thứ hai ra đảo để sửa chữa hệ thống nước ngầm trong nhà khí tượng do Pháp để lại.
Anh Nguyễn Cúc (đứng) và ông Thịnh ở cầu tàu Hoàng Sa 36 năm trước. (Ảnh do anh Cúc cung cấp) |
Lần đó, anh Cúc ra đảo với anh em trong trung đội công binh, thêm một người thợ nề là ông Huỳnh Chánh hiện ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Cả đoàn mang theo 2 tấn xi măng và 2 xe ben cát, nhưng lại không mang theo ống nước, do ngoài đảo điện vô nói không rõ ràng. Thành thử, cả ba tháng trời anh em được dịp đi chơi thả giàn.
Bữa đó, ông Chánh kể, anh em xin đi qua đảo Robert, người Việt gọi là đảo Hữu Nhật, cách Hoàng Sa 3 hải lý, khoảng 5 cây số rưỡi, về phía Nam. Ở lại đêm, nửa khuya anh em dậy đi bắt 3 con vích to bằng nửa cái bàn, sáng khiêng ra ho-bo, nhưng lại bị pan máy tới quá ngọ, đành căng bạt che nắng, lấy dầm bơi về. Ông Thịnh ở nhà, sốt ruột quá, sợ anh em gặp điều chi bất trắc, cứ lấy ống nhòm ra xem hoài.
Khi ho-bo cập bến, ông Thịnh mới yên tâm. Sẵn cái máy ảnh, ông Thịnh ngồi xuống bệ đá trên cầu tàu, anh Cúc đứng bên cầm cái điện thoại C25 có cây ăng-ten dài ngoằng, anh em chụp tấm hình kỷ niệm. Mấy tháng trước, qua sự giới thiệu của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao từ Hà Nội vào đã chụp lại tấm hình này và phóng lớn tặng anh Cúc một bản. 37 năm qua, không biết cái cầu tàu chừ ra răng, giọng anh Cúc buồn buồn. Hồi đó, nó làm bằng xi-măng nên bị loang lổ nhiều chỗ, mấy cái cột sắt thì cũng đã gỉ rồi.
Sau từng ấy năm, chưa lần nào họ gặp nhau. Mới đây, mấy anh em ra đảo cùng đợt ngày đó như ông Trương Quá, ông Nguyễn Văn Lượng (hiện nay đều ở ngã ba Phú Lộc) đi đám cưới có ghé lại nhà ông Chánh chơi. Các ông bàn nhau liên lạc với anh Cúc, anh Thịnh (hiện ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu), hẹn “làm một trận” một để ôn lại buồn vui kỷ niệm xưa. Khi tôi báo tin này, anh Cúc mừng ra mặt. Anh cẩn thận xếp tấm hình kỷ niệm Hoàng Sa lại, trầm ngâm: Một số người đã lớn tuổi rồi, không chừng gặp họ lần cuối cùng cũng nên...
VĂN THÀNH LÊ
Tin liên quan | |