(ĐNĐT) - Dù cho những ngày nắng nóng đến điên người hay những đêm mưa rét thấu xương, hơn chục con người làm nghề gác tàu tại hai đầu cung đường Hải Vân vẫn miệt mài với công việc của mình để cho mỗi chuyến tàu qua lại được trật tự, an toàn
30 năm gắn đời mình bên chiếc barier
Một buổi sáng tháng tư, bên trạm gác chắn của tổ trực phía Bắc đèo Hải Vân, một hồi chuông dài reo lên báo hiệu tàu sắp qua, ông Lương Văn Minh (50 tuổi), trú quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, nhấc máy alô. Bên kia đầu dây thông báo: Tổ trực chú ý, tàu E1 sắp qua, đề nghị cho hạ barier xuống. Tiếng hiệu lệnh vừa dứt, tổ trực hôm ấy gồm có 3 người nhanh chóng tiến ra đường để làm nhiệm vụ. Chưa đầy 30 giây, hai thanh barie đã đóng lại bên đường, mọi phương tiện tham gia giao thông đã nghiêm chỉnh dừng lại chờ tàu.
Ông Minh đang đóng barie chờ tàu qua đèo |
Tàu vừa qua, nhanh nhẹn nâng chiếc barie cho thông xe, ông Lương Văn Minh lật đật chạy đến tiếp chuyện. Ông Minh làm nghề gác tàu đã tròn 30 năm. Suốt 30 năm ấy, ông miệt mài bên chiếc barier cầm cờ, đón tàu, bảo vệ an toàn cho mọi người và phương tiện qua lại ở đèo Hải Vân.
Với điều kiện thiếu thốn, đường xá lại xa xôi, công việc buồn tẻ cho nên những ngày đầu mới vào làm việc, ít ai trụ nổi với nghề nên đã có nhiều người bỏ cuộc, ông tâm sự. Là một thanh niên trẻ, cũng mang “chí tang bồng”, cũng mong muốn “bay nhảy” làm nên sự nghiệp lớn nhưng như có một sức hút, ông Minh không bỏ được công việc mà người khác cho là nhàm chán ở nơi rừng núi thăm thẳm, cách trở này.
Ngày ngày, những người gác tàu chỉ làm bạn với những chuyến tàu, tiếng sóng biển và tiếng chim. Với hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, ông Minh đã để tuổi thanh xuân của mình trôi qua một cách nhanh chóng. Ngoảnh đi ngoảnh lại thấy mình vẫn đơn chiếc dù mái đầu đã bạc phai sương, ông Minh đành “tặc lưỡi” gắn nốt phần đời mình bên chiếc barier, làm bạn với sóng biển, rừng núi….
May mắn hơn, ông Vĩnh Hiền (53 tuổi), quê tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có cho mình một người bạn đời để sẻ chia ngọt bùi. Ông Hiền vào nghề cũng đã ngót 30 năm, những khó khăn khổ cực ông đã nếm đủ. Cống hiến gần như cả tuổi thanh xuân vì sự an toàn của những chuyến tàu, khi đến tuổi già, hạnh phúc gia đình mới mỉm cười với ông Hiền, để bây giờ ông có niềm trông mong mỗi lúc nghĩ về vợ con. Ông nói, hạnh phúc gia đình thật quý giá, là động lực lớn lao giúp ông vượt qua những khó nhọc mỗi ngày.
Phận má hồng bên gác chắn
Không chỉ dành riêng cho nam giới, trực tàu cũng là nghề mà nhiều phụ nữ lựa chọn. Tại gác chắn tàu Kim Liên (Liên Chiểu), tôi có dịp tiếp xúc với những người phụ nữ làm nghề gác tàu và mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của họ.
Chị Hải Yến đón tàu giữa trưa nắng oi ả |
Giữa trưa nắng oi ả, chị Hoàng Thị Hải Yến (45 tuổi), quê Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nhanh nhạy đón tàu qua hầm rồi nhanh nhẹn kéo barie sang một bên để phương tiện qua lại. Gặp chúng tôi, chị vội quẹt những giọt mồ hôi trên trán rồi thổ lộ: Chị làm nghề này ngót nghét đã 20 năm. Là đàn ông còn dễ chứ phụ nữ thì khó trăm bề. Dù nắng nóng hay mưa rét, chị vẫn phải trực chiến để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện khi có tàu qua lại.
Chị cho biết, ở gác chắn Kim Liên, trước đây còn ít vất vả và áp lực bởi lưu lượng người qua lại thưa. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, mọi chuyện đã khác, lượng người, phương tiện vào ra liên tục nên đặt lên vai người trực một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Đặc biệt, sợ nhất là những sự cố bất thường có thể xảy ra khi có tàu qua lại. 20 năm qua, chị cũng đã xử lý hàng chục trường hợp phương tiện chết máy giữa đường ray khi sắp có tàu đi qua. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, chị đã giải quyết mau lẹ, an toàn tuyệt đối. Chị tâm sự, công việc gác tàu thì không có gì mệt nhọc về thể xác nhưng lại rất căng thẳng về tinh thần, do đó đòi hỏi người gác tàu phải hết sức tỉnh táo để giải quyết những vụ việc bất ngờ có thể xảy ra.
Chị Ngô Lụa (46 tuổi), trú phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, cũng lựa chọn gác tàu làm nghề mưu sinh. Là đồng nghiệp của chị Yến, suốt thời gian qua, hai chị em đã chia sẻ với nhau những buồn vui, lo lắng trong cuộc sống và công việc. Gặp tôi, chị Lụa cười tâm sự: "Phận má hồng ngày ngày bên gác chắn thật nhọc nhằn. Nắng mưa, gió rét, ngày cũng như đêm, công việc phải luôn đảm bảo. Dù vậy, những người gác tàu như chúng tôi cũng tìm được cho mình niềm vui trong chính những công việc diễn ra hàng ngày, hàng giờ ấy. Bởi lẽ, với chúng tôi, gác tàu không chỉ là một nghề mà đã gắn bó như một phần của cuộc sống…"
NGỌC PHÚ