.
Những chiến sĩ trung kiên đường Hồ Chí Minh trên biển:

Bài 2: Thuyền trưởng 9 chuyến tàu không số

.

Trong ngôi nhà của ông (trong một kiệt nhỏ đường Nguyễn Tri Phương, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật, hình ảnh về những chuyến vận chuyển hàng quân sự tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Tâm đắc nhất đối với ông là những tấm ảnh ông và đồng đội Đoàn 130 Hải quân chụp lưu niệm với Bác Hồ tại Quân cảng Hải quân bên dòng sông Tam Bạc, Hải Phòng năm 1960 và tấm ảnh lớn trân trọng trong khung kính về con tàu không số do Hội Truyền thống tặng, nhân kỷ niệm 45 năm ngày mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.       

        >> Bài 1: Người mở đường

         
Nhiệm vụ tuyệt mật

Tâm đắc nhất đối với ông Vũ Tấn Ích là những tấm ảnh ông và đồng đội Đoàn 130 Hải quân chụp lưu niệm với Bác Hồ tại Quân cảng Hải quân bên dòng sông Tam Bạc, Hải Phòng năm 1960.  

Đó là ngôi nhà của ông Vũ Tấn Ích, thuyền trưởng của 9 chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí vào miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Sau khi chỉ cho tôi xem từng tấm ảnh kèm những lời chú dẫn, ông kể: Những ngày cuối năm 1960 đầu 1961, ông cùng 5 cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc được đưa trở lại miền Nam để nắm tình hình, nghiên cứu luồng lạch sông, biển miền Nam.

“Lúc đó, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát thăm hỏi ân cần và giao nhiệm vụ cho chúng tôi: Các đồng chí trở về miền Nam nghiên cứu nắm chắc tình hình sông biển; nắm chắc tình hình bố phòng, phong tỏa và lực lượng hải quân địch; tạo sự quan hệ với các quân khu ven biển. Nhiệm vụ của các đồng chí sẽ mở ra hướng tiếp theo của Quân chủng Hải quân đối với nhiệm vụ cách mạng miền Nam”, ông Ích nhớ lại.

Đến giữa năm 1962, ông nhận lệnh của Trung tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Văn Trà và Đại tá Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát ra Hà Nội và Hòn Gai, cùng đồng đội thực thi nhiệm vụ huấn luyện, học tập chính trị và nhận nhiệm vụ tuyệt mật chỉ huy con tàu vận chuyển vũ khí trên Đoàn tàu không số cho miền Nam.

Ông kể: “Khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Đoàn Hồng Phước, Đoàn trưởng Đoàn 759,  nói với tôi là đối với chiến trường Khu 5, còn gùi trên lưng khẩu súng trường, vào đến nơi dẫu có gian khổ hy sinh vẫn chi viện được. Còn đối với chiến trường Nam Bộ thì lại quá xa xôi, vì vậy Bộ Chính trị, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương có quyết tâm rất cao, mở đường vận tải chiến lược đặc biệt trên biển Đông, dù có hy sinh tổn thất miễn vào được 50% là thắng lợi. Đồng chí Phước còn nói tôi là người chỉ huy độc lập, cao nhất, quyết định xử trí mọi tình huống”.
 
Ông và đồng đội nhận nhiệm vụ với tinh thần “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, quán triệt phương châm chiến đấu “Bí mật, bảo vệ tuyệt đối và khi cần thiết sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ con đường chiến lược đến ngày toàn thắng”.

Thuyền trưởng trung kiên

Xuất quân vào một ngày trung tuần tháng 9-1962, trên con tàu không số, Vũ Tấn Ích giữ chức Đội trưởng Đội 6, kiêm Chính trị viên, Bí thư Chi bộ, thuyền trưởng dẫn dắt con tàu chở gần 40 tấn vũ khí vào Bến Tre. Sau gần 15 ngày vượt sóng đại dương, đến khi phát hiện được bờ thì không liên lạc được với bến, trong khi trên bờ pháo sáng của địch bắn liên tục, gần bờ 4 tàu địch thay nhau tuần tiễu.

“Lúc đó khoảng 3-4 giờ sáng, căng thẳng lắm, tôi ra lệnh cho đồng đội sẵn sàng chiến đấu và cho tàu quay ra hải phận quốc tế”, ông Ích cho biết. Hôm sau, ông cho tàu xuôi theo hướng nam nhưng vẫn không thể nào liên lạc được với bến. “Không còn cách nào khác, tôi dùng biện pháp tiếp cận tàu đánh cá của ngư dân và khi biết được đây là vùng có quân giải phóng, tôi quyết định cho tàu cập bờ. Sau khi ngụy trang tàu và triển khai phương án sẵn sàng chiến đấu, tôi cùng một đồng chí lên bờ thì may mắn gặp được đồng chí Bông Văn Dĩa (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,  người nhận chỉ thị thành lập bến bãi, tiếp nhận vũ khí – PV). Lúc này tôi mới biết đã vào đến Bạc Liêu”, ông Ích nói.

Trong vòng 5 năm từ 1962 đến 1967, ông Ích đã cùng đồng đội tham gia 9 chuyến an toàn, 2 chuyến phải hủy bỏ tàu và vũ khí. “Trong số đó, chuyến đi nào khiến ông nhớ nhất, có kỷ niệm sâu sắc nhất?”, tôi hỏi. Ông suy nghĩ rất lâu rồi chậm rãi kể tiếp: “Đó là chuyến cuối cùng phục vụ chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Chuyến này theo lệnh của trên chi viện cho chiến trường Quảng Ngãi”.

Khi tàu đi đến đảo Lý Sơn, trời vừa sẩm tối thì bị tàu địch phát hiện. Tất cả chiến sĩ nhanh chóng ém quân vào các vị trí chiến đấu, chỉ để lại trên boong tàu 3 người nghi binh như ngư dân nghề cá và cho tàu thẳng tiến. Đến tối hôm sau, ông quyết định cho tàu tiếp cận bờ, nhưng gần đến bờ lại gặp tàu chiến địch. Hai bên đọ súng bắn trả quyết liệt, bọn địch có máy bay yểm trợ, chiến sĩ ta kiên cường chiến đấu, bắn cháy 1 tàu chiến địch. Trước tình thế hiểm nguy, ông quyết định hủy bỏ tàu và vũ khí sau khi đã ra lệnh một số chiến sĩ rời tàu đến nơi an toàn, đồng thời hướng con tàu lao thẳng vào đội hình tàu chiến địch, nổ tung cùng với một tàu chiến của địch. Trận đó, một số chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh.

Chỉ tay lên những kỷ vật, hình ảnh về Đoàn tàu không số, về hình ảnh những đồng đội đã anh dũng ngã xuống, ông Vũ Tấn Ích không nén nổi xúc động: “Đó là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi”. Ông, mùa xuân mừng chiến thắng này đã bước sang tuổi 80.

Bài và ảnh: Đà Nam

;
.
.
.
.
.