.
Những chiến sĩ trung kiên đường Hồ Chí Minh trên biển

Bài 3: Những Anh hùng của Đoàn tàu không số

.

Trong tuyến vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, tại Quảng Nam-Đà Nẵng có 6 đồng chí đã anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ cao cả để bảo vệ bí mật, an toàn tuyệt đối cho tuyến đường, trong đó có 2 liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Nguyễn Phan Vinh và Nguyễn Văn Hiệu.

* Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hiệu. * Một số bức thư của Nguyễn Phan Vinh tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân.

Những lá thư của niềm tin và lý tưởng cách mạng

Trong số những người con Quảng Nam-Đà Nẵng tham gia vận chuyển vũ khí trên Đoàn tàu không số, Nguyễn Phan Vinh (quê Điện Nam Bắc, Điện Bàn, Quảng Nam) có lẽ là người xuất sắc nhất. Người thuyền trưởng này đã có 11 chuyến vận chuyển vũ khí thành công, trước khi anh cùng đồng đội anh dũng hy sinh cùng con tàu 235 tại Hòn Hèo, Khánh Hòa năm 1968, khi mới 35 tuổi. Nguyễn Phan Vinh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1970. Tên anh đã được dùng để đặt tên cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.

Những chiến tích và lòng kiên trung của người liệt sĩ anh hùng này đã được nói đến rất nhiều, ở đây, chúng tôi giới thiệu một số bức thư anh Nguyễn Phan Vinh gửi người bạn thân Trần Phong (cán bộ tham mưu tác chiến phụ trách đi B) trong những ngày chuẩn bị cho những chuyến đi, qua đó thấy được niềm tin và lý tưởng của người chiến sĩ cách mạng. Thiếu tá Phạm Ngọc Minh, Trưởng ban Trưng bày - Tuyên truyền Bảo tàng Quân chủng Hải quân, cho chúng tôi biết những bức thư này đang được lưu giữ tại Bảo tàng này ở thành phố Hải Phòng.

“… Chúng ta phải là những con lạc đà trên bãi  sa mạc, mỗi bước đi, mỗi vết chân của chúng ta vì sự nghiệp của Đảng, chúng  ta phải là những chiếc cầu chì, vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân. Thời gian, thời gian sẽ ủng hộ chúng ta...” (Trích một đoạn trong bức thư anh Trần Phong nhận ngày 26-10-1967).

“… Mùa hè đã qua mà nóng ghê, nhưng đâu có nóng bằng cõi lòng người chiến sĩ. Mọi việc ở đây diễn ra bình thường, rất mong ngày “thượng lộ”, ấy thế mà cứ ăn chực nằm chờ mãi, kể cũng ê. Còn những gì tiếp theo nữa thì để lịch sử trả lời. Hẹn gặp Phong vào một ngày vinh quang, điều đó khẳng định. …Phong hãy giúp mình biên thư cho anh Xử (anh trai của Nguyễn Phan Vinh, đã mất cách đây 2 năm – PV).

Khi nào có dịp mình sẽ biên thư sau, hoặc sẽ có dịp gặp. Mình không muốn biên thư vì mình nghĩ rằng mọi riêng tư lúc này sẽ làm con người ta khó bước tới. Tình cảm đó có lẽ để dành cho sau chiến tranh. Bây giờ thì mình chỉ có một tình cảm duy nhất là hãy bước tới và xông vào cuộc cách mạng vĩ đại, con người hoàn toàn không sợ ràng buộc bởi những mối dây nào khác. …Tạm gác lại những tình cảm riêng tư để dồn cho điều duy nhất đó là bước tới và xông vào cuộc cách mạng vĩ đại, với niềm tin vững chắc vào thắng lợi. (Trích đoạn bức thư gửi tháng 1-1968, trước khi anh hy sinh một tháng).

Chúng tôi liên lạc với ông Trần Phong (quê Tam Mỹ, Núi Thành, Quảng Nam, nguyên Phó cục trưởng Cục Hậu cần Hải quân, năm nay 75 tuổi, đang nghỉ hưu tại phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh), ông cho biết, khi Nguyễn Phan Vinh viết thư cho ông là đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hy sinh để làm nhiệm vụ. Những bức thư đó anh Vinh viết và để trong chiếc va-li sau này ông Phong mới nhận được.

“Khi Nguyễn Phan Vinh hy sinh, người ta nhận ra anh là nhờ chiếc áo khoác tôi tặng. Chiếc áo thể hiện tình đồng chí, đồng đội, đồng hương, như là hơi ấm chúng tôi trao nhau trong một giai đoạn không thể nào quên trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng”, ông Phong nói.

“Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”

Năm 1971-1972 là giai đoạn vận chuyển đầy gian truân, cực nhọc và đạt hiệu quả thấp. Đây cũng là giai đoạn cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đấu tranh cam go, quyết liệt nhất với địch trên tuyến chi viện chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Trong đội ngũ trung kiên của đoàn ở thời kỳ này, nổi lên có tấm gương hy sinh cao đẹp của Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu (Thăng Bình, Quảng Nam). Sự hy sinh của anh cùng với con tàu 645 (bí hiệu tàu) tại vùng biển Tây Nam của Tổ quốc được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30-10-1978.

Tàu 645 hai lần nhổ neo ra đi, ra ngoài biển Đông đều bị địch phát hiện, khống chế, nên đành quay lại. Đến ngày 12-4-1972, tàu ra khơi lần thứ 3 do thuyền trưởng Lê Hà và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy. Sau 10 ngày lênh đênh ngoài khơi để thăm dò địch và tìm hướng vào bờ, 14 giờ ngày 23-4 tàu nhận được điện của Sở Chỉ huy báo cho biết, đêm nay sẽ có thuyền đón ở Cà Mau. Nhưng đến 17 giờ cùng ngày lại nhận được điện: “Bến động” có địch không thể vào được. Tàu 645 đang trên đường quay ra biển khơi thì gặp tàu khu trục từ Vịnh Thái Lan đi tới. Tàu địch bắn pháo sáng làm sáng rực cả vùng biển.

Lúc này anh em trên tàu phát hiện phía trước không xa có 3 tàu chiến địch. Tàu 645 liền mở tốc độ, đi ra vùng biển quốc tế. Chiếc khu trục liền bám theo và khi chúng đã khẳng định đây là tàu “Bắc Việt giả dạng”, chúng dùng loa dụ hàng. Anh em ta trên tàu lơ đi, như thể không có chuyện gì xảy ra với mình. Thấy gọi hàng không kết quả, chúng bắn uy hiếp. Biết đã bị lộ, anh em trên tàu với các loại súng hỏa lực mạnh như: ĐKZ, 12 ly 8, B40, B41 bắn trả tàu địch, lúc này thế trận diễn ra quyết liệt. Trên tàu ta đã có một số anh em hy sinh, bị thương. Đến khoảng 11 giờ, một quả đạn lớn của địch trúng vào xích lái, tàu ta không còn điều khiển được, bắt đầu chạy vòng tròn.

Trong tình thế cam go như vậy, Nguyễn Văn Hiệu đề nghị với thuyền trưởng Lê Hà đưa anh em rời tàu, còn anh và các đồng đội Năng, Thắng ở lại điểm hỏa hủy tàu. Trước khi thực hiện ý định, anh quan sát và phát hiện một tình huống vô cùng hiểm nguy: anh em thủy thủ phần lớn đã bị thương, nên phải cụm lại một khối dìu nhau mà bơi, tất cả 16 đồng chí. Anh sợ con tàu chạy vòng không còn lái, khi chạy gần anh em mình phát nổ thì nguy hiểm. Phải cho tàu nổ lúc ở xa vị trí đồng đội của mình nhất.

Chính vì vậy, anh quyết định ở lại tàu. Dưới biển, đồng đội đang cố nán lại đợi Hiệu, song anh nói to “Các đồng chí về báo với đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”. Rồi anh quay vào buồng lái, đôi mắt vẫn bình thản nhìn về phía tàu địch. Khi vị trí con tàu xa đồng đội nhất, Hiệu ấn nút cho nổ tàu. Một ánh chớp bốc lên, cùng tiếng nổ mạnh vang động cả vùng biển. Thiếu úy, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã ra đi cùng với con tàu 645 như thế. 16 thủy thủ còn lại của tàu 645 sau đó đều bị địch bắt và giam tại nhà tù Phú Quốc. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, các anh được trao trả về lại với gia đình, đồng đội.

Đà Nam - Nhân Mùi

;
.
.
.
.
.