.

Những người bảo vệ hầm đường sắt Hải Vân

.

…Có người mới làm vài ba năm, nhưng có những người đã gắn cả cuộc đời mình trên cung đường sắt hầm Hải Vân. Trong suốt thời gian ấy, mặc cho nắng cháy mưa dầm…, 30 con người trực hầm (bảo vệ hầm) vẫn miệt mài với công việc, vì sự an toàn của những chuyến tàu …

Dù trời nắng hay mưa nhưng người bảo vệ hầm vẫn giữ cho đoàn tàu qua hầm một cách an toàn.

Cung đường sắt hầm Hải Vân gồm có 6 hầm xuyên núi (từ hầm số 9 - thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế đến hầm số 14 - quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Các hầm quanh co, có độ dài ngắn khác nhau, từ 120 đến gần 950 mét. Tổng chiều dài của 6 hầm hơn 2.300 mét. Trong chuyến công tác cùng đoàn khảo sát kỹ thuật của Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng vào đầu tháng 4, chúng tôi có dịp tìm hiểu việc làm, cuộc sống của những con người suốt ngày làm bạn với những đường ray.

Tiếng sóng biển vỗ mạnh vào ghềnh đá tại vịnh Lăng Cô hòa quyện với động cơ của đoàn tàu hằng sáng sớm từ Huế tiến vào Đà Nẵng, ông Lê Tấn Dũng (54 tuổi), thường trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu nghiêm chỉnh cầm cờ đón tàu qua hầm số 9. Tàu lên dốc ì ạch từng tí một qua con đường ngoằn ngoèo. Khoảng 5 phút, đoàn tàu đã mất hút trong bóng tối của hầm và chỉ còn tiếng động cơ phát ra cùng gió, bụi. Tôi lân la trò chuyện với ông Dũng cùng những người đồng nghiệp của ông. Cái nắng của đất trời kèm thêm hơi muối mặn chát của biển hắt lên khiến khuôn mặt của họ đen sạm cùng thời gian, da săn chắc. 3 con người cùng một thế hệ ở hầm số 9 đã về đây giữ hầm ngót 30 năm sau ngày giải phóng. Ông Dũng tâm sự: 6 đường hầm, anh em tụi tôi đã kinh qua.

Biết bao khó khăn gian khổ, đặc biệt là những năm đầu mới vào nhận công việc. Ngày đêm chỉ làm bạn với núi rừng, biển cả và những chuyến tàu. Ban ngày còn thấy được ánh mặt trời, cuộc sống vui tươi hơn, nhưng ban đêm thì chỉ có bóng đêm heo hút. Vài giờ đồng hồ mới có một chuyến tàu đi qua, mang ánh sáng đến một lúc rồi vụt tắt, trả lại không gian đen như mực cho anh em trực hầm. Có những người không trụ nổi với hoàn cảnh ấy nên phải chuyển ngành. Tuy nhiên, suốt gần 30 năm qua, ông Dũng và những đồng nghiệp đã gắn cuộc đời của mình nơi heo hút này để làm bạn và bảo vệ an toàn cho những đoàn tàu.

Sau khi đón tàu, những người bảo vệ hầm lại làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn giao thông bằng cách kiểm tra bulông, ốc vít tại các tà vẹt… 

Càng tiến vào sâu trong cung đường sắt Hải Vân, chúng tôi mới thấy hết những nỗi nhọc nhằn của người bảo vệ hầm. Anh Đỗ Bay (46 tuổi), thường trú tại thành phố Đà Nẵng tâm sự: Tôi vào trực hầm từ năm 1987, đến nay cũng đã 23 năm và chủ yếu ở các hầm có điều kiện sinh hoạt và đi lại khó khăn. Ở đây về đêm heo hút lắm! Những ngày mới vào tôi cũng không chịu nổi cảnh buồn tẻ này. Nhưng qua thời gian tôi cũng quen, dần gắn chặt với núi rừng và xem cửa hầm như chính ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, sự buồn tẻ không thấm gì với đường sá cách trở. Những người trực hầm thường xuyên phải ở xa nhà, xa gia đình, nỗi nhớ nhà, vợ con luôn thường trực. Anh Bay cho hay, vất vả nhất ở đây là đường đi lại, mỗi lần lên ca, xuống ca rất vất vả.

 Ông Đồng Phước Cư (50 tuổi), quê Quảng Nam đang trực hầm số 14 (Liên Chiểu, Đà Nẵng), cũng như nhiều đồng nghiệp khác, sau mỗi chuyến tàu chạy qua, ông lại nhặt nhạnh những bao rác mà khách trên tàu vất xuống, nhằm trả lại cảnh quan trong sạch của đường tàu cũng như trong hầm. Chiếc đèn pin, cây gậy là người bạn đồng hành của ông trong bóng tối của hầm để dọn dẹp vệ sinh, kiểm tra ốc vít, tà vẹt, bulông… Ông Cư cho biết, hơn 20 năm nay, công việc ngày nào cũng vậy, đón tàu rồi lại lau chùi, vặn ốc vít bảo vệ an toàn tuyệt đối cho mỗi con tàu khi qua hầm. Suốt cuộc đời gắn với hầm Hải Vân, những con người như ông Cư đã quen với tiếng động cơ của tàu, quen với sóng vỗ dưới biển dội lên và tiếng chim kêu trên núi vọng xuống. Vì vậy, những lúc được về nhà, họ lại nhớ hầm, nhớ tàu, nhớ những âm thanh quen thuộc ấy.

Chia tay những người bảo vệ hầm Hải Vân, chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng cho biết, lực lượng bảo vệ hầm Hải Vân đã tham gia thực hiện tốt công tác đón tàu, bảo vệ an toàn cho các đoàn tàu khi qua hầm. Bên cạnh đó, anh em còn phối hợp với các lực lượng chức năng khác tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ rừng trên địa bàn…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

 

;
.
.
.
.
.